Món kẹo này trở thành đặc sản một phần cũng vì cái tên dễ nhớ và ngộ nghĩnh. Theo lời người dân địa phương, tên cu đơ xuất phát từ tên gọi của người “sáng chế” ra nó. Cu đơ có quê gốc ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, do gia đình ông Hai làm ra, lúc đầu chỉ như một món nhâm nhi cho vui miệng, dần dà được ưa chuộng khắp vùng. Theo tiếng địa phương, Cu là tiếng gọi người con trai, đơ (deux) tiếng Pháp là thứ hai, vì vậy người dân bèn gọi tên món kẹo nhà ông Hai thành kẹo Cu Đơ cho… Tây!
Kẹo cu đơ có cách chế biến khá đơn giản. Mật mía nguyên chất sau khi đun sôi thêm chút gừng, chanh, bột mạch nha để bánh được mềm hơn. Khi chảo mật sôi, người ta cho đậu phộng vào, canh cho đúng lửa để đậu vẫn giòn tan và thơm hương trong chất kẹo sền sệt. Để kẹo ngon, phải chọn loại đậu phộng củ to đều, rang vừa chín tới, sau đó mới bóc lấy phần hạt chắc mẩy bên trong. Mật kẹo khi vừa đủ độ được đổ vào giữa hai miếng bánh tráng dày trắng tinh, tròn tròn, có điểm vài hạt vừng đen . Một chồng cu đơ thường có khoảng năm đến mười cặp bánh tráng kẹo, được gói vào giấy báo và đựng trong túi nilon để bánh không bị ẩm và giữ được độ giòn lâu. Cu đơ còn có một biến thể khác là kẹo đọi – loại kẹo mật mía nấu non mềm hơn, thường được cho vào chén nhỏ và dùng muỗng múc ăn, ngon không kém cạnh “anh Hai”.
Ở Hà Tĩnh, kẹo cu đơ là thức quà quê được ưa chuộng quanh năm. Dù ngày nóng bức hay mưa dầm, người dân vẫn khề khà bên bát chè xanh, thưởng thức những miếng kẹo cu đơ vừa ra lò thơm phức. Miếng bánh tráng giòn tan bọc lấy vị kẹo béo ngọt, thơm mùi mật mía, thêm chút the the của gừng quả là dân dã mà thật ngon lành. Bây giờ, cu đơ đã theo du khách đi đến mọi vùng miền. Người dân địa phương cũng thường chọn cu đơ để gửi tặng bà con hay bạn bè phương xa. Nhiều tỉnh thành khác cũng có cu đơ, nhưng nhiều người nói vị kẹo không đâu ngon bằng ở vùng đất hẹp miền Trung này. Có lẽ, đó cũng là một chút hương quê để người đi xa phải nhớ về Hà Tĩnh…
Cát Tường
PNO