Hôm nay 30-8, TAND TP.HCM đã mở lại phiên xử sơ thẩm vụ đưa và môi giới hối lộ logo xe “vua”.
Vụ án có 9/10 bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ theo khoản 2 Điều 364 BLHS liên quan đến hai đường dây của các bị cáo Nguyễn Văn Thới (SN 1976), Trần Quốc Thái (SN 1971), Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982).
Vụ án này liên quan đến việc đưa nhận hối hộ cho 80 cán bộ thanh tra giao thông (TTGT), cảnh sát giao thông (CSGT) nhưng chỉ duy nhất Nguyễn Cảnh Chân (sinh năm 1973, nguyên cán bộ Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) bị truy tố, xét xử về tội môi giới hối lộ khoản 2 Điều 365.
Bị cáo Thới, Chân và Thái (bị tạm giam) tại phiên xử hôm nay |
Theo thông báo đưa ra xét xử, HĐXX có sự thay đổi khung hình phạt nặng hơn đối với các bị cáo. Cụ thể, Thới và Thái sẽ bị xét xử theo khoản 4 Điều 364 BLHS với khung hình phạt 12-20 năm tù. Bị cáo Vân sẽ bị xét xử theo khoản 3 với khung hình phạt 7-12 năm tù. Còn bị cáo Chân cũng bị tòa chuyển khung hình phạt từ khoản 2 Điều 365 tội môi giới hối lộ sang khoản 4 Điều 365 với khung hình phạt 8-15 năm tù.
Tại phiên xử sáng nay, bị cáo Thới khai bán logo 1,2-1,8 triệu/cái. Mỗi logo sử dụng 1 tháng. Thoả thuận với chủ xe và tài xế là khi dán logo lên xe thì không bị xử phạt và nếu bị phạt thì báo lại để xử lý.
Các bị cáo tại phiên xử |
Bị cáo cũng xác nhận có đưa tiền cho các CSGT. Khi HĐXX hỏi, bị cáo liên tục nói các chi tiết như thời gian đưa hối lộ, số tiền... đúng theo nội dung cáo trạng, còn cụ thể thế nào không nhớ
HĐXX hỏi: CQĐT xác định bị cáo đã đưa hối lộ 79 cán bộ tổng số tiền hơn 5 tỉ phải không? Bị cáo Thới xác định là đúng và ngoài đưa hối lộ, số tiền còn lại dùng để nộp phạt, thuê người canh đường. Cụ thể, có những chỗ logo không có tác dụng, nên phải nộp phạt. Bị cáo hưởng lợi 1,31 tỉ đồng, hiện gia đình đã nộp lại số tiền này.
Còn bị cáo Thái khai có bán logo cùng với Thới để dán lên xe chở quá tải để không bị CSGT phạt. Thái chỉ phụ bán không biết Thới dùng tiền để hối lộ. Đồng thời bị cáo này cũng cho là có đi giao tiền mấy lần mà không biết giao cho ai. Bị cáo chỉ gọi điện thoại rồi ra chỗ hẹn, những người này đeo kính đen, đội nón bảo hiểm nên không nhận ra, chỉ nhận ra 3 người...
Bị cáo Chân tại toà xác định thời điểm là CSGT có nhận tiền từ Thới và làm được 4 ngày thì chuyển sang bộ phận khác. Nhận tiền xong, Chân tự kiếm người để đưa tiền. Chân đã chuyển cho ông V.T.S. (nguyên đội trưởng Đội 1, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai) 65 triệu. Sau khi ông S. chết thì đưa tiền cho ông Đ.H.T. (nguyên Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sẳt Đồng Nai). Tổng cộng Chân thừa nhận đã nhận 1,2 tỉ đồng từ Thới và giữ lại 300 triệu đồng tiêu xài hết, đưa tiền cho CSGT theo từng tháng.
Như Pháp luật TP.HCM đã thông tin, vụ án này kéo dài chưa có hồi kết do nhiều lần các cơ quan tố tụng nhận định cần trả hồ sơ cho CQĐT điều tra bổ sung làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có liên quan đến vấn đề người nhận hối lộ. Tuy nhiên, CQĐT cho là không thể làm rõ được để truy tố những người nhận hối lộ nên chuyển lại VKS…
Theo hồ sơ tố tụng hiện nay, đây là vụ án mua bán logo xe “vua” cho khoảng 15.000 lượt ô tô, thu về gần 23 tỉ đồng. Thới, Vân đã dùng một phần số tiền này để đưa hối lộ cho 80 cán bộ CSGT, thanh tra giao thông (TTGT) (bao gồm cả bị cáo Chân) trên địa bàn TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Chiều nay phiên xử tiếp tục, PLO sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của vụ án gây nhiều tranh cãi về việc chỉ xử lý người đưa và môi giới không có người nhận hối lộ....
Tác giả: HOÀNG YẾN
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM