Kinh tế

Công ty dạy làm giàu của một diễn giả nổi tiếng liên tục… báo lỗ!

Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang âm 5,3 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 53 triệu đồng. Đây là quý thứ ba liên tiếp công ty dạy làm giàu này báo lỗ.

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang (mã chứng khoán: VLA) - đơn vị chuyên bán các khóa học đầu tư và làm giàu mới đây công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với doanh thu thuần chỉ gần 1,4 tỉ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn (1,4 tỉ đồng), cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty dạy làm giàu này này âm 5,3 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 53 triệu đồng.

Đáng chú ý, đây là quý thứ ba liên tiếp Công nghệ Văn Lang báo lỗ, kể từ quý IV/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, công ty này lỗ sau thuế gần 6,9 tỉ đồng. Giá trị danh mục tiền và các khoản tương đương tiền sụt giảm mạnh so với đầu năm, từ hơn 20 tỉ đồng xuống còn 6,2 tỉ đồng.

Biến động cổ phiếu VLA trong thời gian qua Nguồn: Fireant


Giải thích kết quả kinh doanh quý II/2024 kém khả quan, lãnh đạo Văn Lang cho biết là do "kinh tế khó khăn", dẫn đến số lượng học viên tham gia các khóa học giảm "đáng kể".

Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Văn Lang được biết đến với các khóa học về đầu tư và phát triển bản thân.

Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này là ông Nguyễn Thành Tiến, một diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư với hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội.

Ông Tiến tự giới thiệu là chuyên gia đào tạo bất động sản được trả phí cao số 1 Việt Nam và tuyên bố đã đào tạo hơn 200.000 học viên từ năm 2012. Các khóa học của ông này có miễn phí và trả phí, trong đó khóa thu phí có giá lên đến 180 triệu đồng.

Tại báo cáo thường niên năm 2023, Văn Lang cho biết đã tổ chức thành công các khóa học như: Chiến lược Đầu tư Bất động sản; Trí tuệ 5.0; Bí quyết huy động vốn hiệu quả; Trí tuệ doanh nghiệp...

Thế nhưng, bản thân Văn Lang lại không mấy thành công trong hoạt động đầu tư của mình.

Cụ thể, Văn Lang đã thực hiện mua 1 khách sạn tại Quảng Ninh giá trị 18 tỉ đồng vào năm 2022. Mục đích chính là sử dụng 1 phần làm văn phòng đại diện, ngoài ra vẫn duy trì các hạng mục kinh doanh chính như Nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lưu trú.

Tuy nhiên, do khó khăn trong quá trình chuyển đổi quyền sở hữu tài sản và ảnh hưởng của nền kinh tế nên doanh nghiệp này cho biết đã phải thanh lý hợp đồng này.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VLA đã từng gây chú ý khi năm 2022 đã có loạt phiên tăng, đẩy giá cổ phiếu từ 30.000 đồng/cổ phiếu lên gần 90.000 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất từ trước đến nay.

Đến hiện tại, cổ phiếu này đã rớt giá thê thảm khi chỉ còn dao động ở vùng giá 14.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu và hiện đóng cửa ở mức 14.300 đồng/cổ phiếu.Nếu so với đầu năm 2024, cổ phiếu VLA giảm gần 27% nhưng so với mức đỉnh năm 2022 giảm hơn 6 lần.

Tác giả: Lê Tỉnh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP