Thể thao

Công Phượng đến lúc phải thay đổi lối chơi?

Công Phượng là cầu thủ rất giàu tiềm năng của bóng đá Việt Nam. Nhưng giàu tiềm năng không có nghĩa là Công Phượng đã trở thành cầu thủ hay nhất nước. Riêng ở thời điểm hiện tại, nếu đặt Công Phượng trong đội hình xuất phát của đội tuyển Việt Nam mới là bất công cho các cầu thủ khác.

Không phải ngẫu nhiên mà 3 năm liên tục vừa qua, Công Phượng không thể toả sáng ở các giải đấu chuyên nghiệp, từ V-League, sang giải hạng dưới của Nhật Bản, rồi trở lại V-League.

Cũng từ sau SEA Games 28 năm 2015 đến nay, sau thời HLV Miura, Công Phượng cũng mờ nhạt trong màu áo đội tuyển quốc gia và đội tuyển U22 quốc gia.

Những giải đấu vật vờ liên tiếp trong vòng nhiều năm cho thấy lối chơi của Công Phượng có chỗ không phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp, khiến cầu thủ của HA Gia Lai không thể toả sáng ở nhiều sân chơi khác nhau.

Công Phượng từ khi chuyển lên đá chuyên nghiệp không thể chơi tốt như lúc đá ở các giải trẻ (ảnh: Trọng Vũ)

Công Phượng vẫn là cầu thủ giàu tiềm năng, nhưng để tiềm năng đấy phát triển hết mức, cầu thủ này cần con đường đi đúng. Công Phượng có lẽ cũng nên ý thức được rằng việc anh thường xuyên nhận suất đá chính ở các đội tuyển trong vòng 2 năm qua, phần lớn đến từ sự ưu ái quá mức của HLV Nguyễn Hữu Thắng dành cho anh, chứ về mặt năng lực, cầu thủ nổi tiếng nhất Việt Nam chưa đạt đến mức đương nhiên có chỗ chính thức.

Một tuyển thủ quốc gia muốn được thi đấu ở đội tuyển quốc gia, thì cầu thủ đấy đầu tiên phải đạt phong độ tốt ở những thời điểm mà đội tuyển tập trung.

Chỉ có điều đội tuyển của HLV Nguyễn Hữu Thắng trong vòng 2 năm qua không phải là đội tuyển đề cao phong độ của các cầu thủ, nên thành ra Công Phượng có chỗ đá chính ở đội tuyển đấy là sự bất công với nhiều tiền đạo khác của bóng đá Việt Nam.

Lối chơi của Công Phượng không phù hợp với bóng đá đỉnh cao nên cầu thủ này chưa thể phát huy ở môi trường đỉnh cao. Công Phượng chơi quá cá nhân, lại quá rập khuôn trong từng pha xử lý, nên không khó cho các hậu vệ bắt bài.

Công Phượng cần chơi bóng đồng đội hơn (ảnh: Gia Hưng)

Lối chơi này ở các giải trẻ thì còn sử dụng được, nhưng lên sân chơi chuyên nghiệp, với các hậu vệ có kinh nghiệm và giỏi bọc lót, Công Phượng càng giữ bóng lâu thì càng bị đẩy ra xa khung thành đối phương.

Thói quen đi bóng cắm mặt xuống đất của Công Phượng cũng ảnh hưởng rất lớn đến nhãn quan chiến thuật của cầu thủ này, khiến cho anh không kịp phát hiện ra khoảng trống chiến thuật trước mặt, hoặc không kịp phát hiện ra các đồng đội ở vị trí thuận lợi hơn.

Nhìn rộng ra bình diện quốc tế, chẳng có bất cứ ngôi sao bóng đá nào trên thế giới có thói quen đi bóng kiểu Công Phượng. Các cầu thủ chuyện nghiệp trên khắp thế giới luôn mở rộng khả năng quan sát của mình càng nhiều càng tốt, chẳng ai có bóng lại cắm đầu nhìn xuống mặt cỏ như Công Phượng.

Tiếc rằng từ khi còn là cầu thủ trẻ, Công Phượng không được các HLV kèm cặp mình nhắc đến nơi đến chốn, nên mang thói quen không có lợi đấy bước vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp.

Công Phượng phải tự sửa những nhược điểm của chính mình, để là tốt cho chính anh và để Công Phượng có điều kiện phát triển tốt hơn, chứ không phải chỉ chiếm suất ở đội tuyển bằng cái tên và và bằng sự nổi tiếng như hiện nay.

Tác giả: Kim Điền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP