Dự án đầu tư

Công nghiệp thép và cái giá đắt về môi trường, xã hội

Theo các chuyên gia, sản xuất một tấn thép sẽ thải ra khoảng 10.000 m3 khí thải, 100 kg bụi và 80 m3 nước thải. Không được xử lý đúng cách, cái giá cho tăng trưởng sẽ là quá lớn.

Ngành sản xuất thép từng nhiều lần đóng vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế các quốc gia. Hiện tại, hoạt động này có xu hướng chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển, vốn được gọi là quá trình xuất khẩu ô nhiễm.

Mang lại tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia, nhưng cái giá phải trả cho ngành công nghiệp này lại quá lớn. Ngành công nghiệp thép làm gia tăng áp lực về ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người, từ ô nhiễm tiếng ồn, đất, nước và không khí.

Những làng ung thư

Cong nghiep thep va cai gia dat ve moi truong, xa hoi hinh anh 1
Khí thải bốc lên nghi ngút từ hàng chục ống khỏi của nhà máy luyện thép ở thành phố Đường Sơn, Trung Quốc. Ảnh: Getty 

Sau nhiều năm đẩy mạnh phát triển công nghiệp và kinh tế để vượt Nhật Bản, vấn đề tim, phổi và ung thư tại Trung Quốc ngày càng trở nên phổ biến. Ô nhiễm kim loại gây ra thể chất bất thường. Trẻ em sinh ra với các dị tật bẩm sinh. Tất cả xảy ra dưới bầu trời xám xịt gần như vĩnh cửu.

Chai Jing, một nhà báo, cho biết, Trung Quốc đốt 3,6 tỷ tấn than trong năm 2013, nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới.

“Than mang lại sự ấm áp và năng lượng. Sau năm 1980, Bắc Kinh có hơn 3.000 nhà máy. Đối với một quốc gia nông nghiệp muốn phát triển, ống khói là biểu hiện của sự tiến bộ. Thế nhưng, sự bùng nổ kinh tế khiến bộ mặt quốc gia thay đổi. Mọi thành phố đều giống nhau, chìm trong ô nhiễm không khí, đất và nước. Nhu cầu về thép nói riêng và kim loại màu nói chung khiến Trung Quốc đốt nhiều than hơn bao giờ hết”, bà nói.

Năm 2013, Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc công bố danh sách 247 “làng ung thư” ở 27 tỉnh, khu vực khắp cả nước và thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang xảy ra.

Vành đai ô nhiễm và các làng ung thư từ khu vực ven biển lấn sâu vào nội địa khiến số người chết vì ung thư vượt quá 1,4 triệu và tỷ lệ sông ngòi bị ô nhiễm lên tới hơn 40%, Tân Hoa Xã đưa tin. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết, số làng ung thư vượt quá 400.

Nguồn nước bị nhiễm độc nặng do hóa chất xả ra ngoài. Theo Greenpeace East Asia, 320  triệu người không có điều kiện tiếp cận nước sạch tại Trung Quốc và 190 triệu người đang sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm nặng với các hóa chất độc hại.

Tại một số địa phương, đất đai bỏ hoang do không thể trồng trọt. Khi những nhà máy đầu tiên chuyển đến, côn trùng biến mất khỏi vùng đất phì nhiêu và sau đó đến những loài chim trên trời. Cây cối khô héo và chết khi các nhà máy đến nhiều hơn. Củ cải trồng trong khu vườn cũng chuyển sang màu đen. Peng Zhen Kun 62 tuổi, nhớ lại.

“Đến con người cũng không thể chịu nổi sự ô nhiễm, côn trùng và những loài vật nhỏ liệu có cơ hội sống?”, ông nói.

Thành phố chết với màu đen, đỏ

Cong nghiep thep va cai gia dat ve moi truong, xa hoi hinh anh 2
Ilva tại thành phố Taranto, Italy là nhà máy thép lớn nhất của châu Âu. Ảnh: Reuters

Các đó hàng nghìn km, ở phía trời Âu, bên ngoài hàng rào bao quanh Ilva, nhà máy thép lớn nhất châu Âu tọa lạc tại thành phố Taranto (Italy), Francesco Mastrocinque chọc ngón chân của anh vào lớp bột màu đen đỏ, thứ phủ kín trên mọi vỉa hè và kể về những người bạn qua đời vì căn bệnh ung thư và bệnh về đường hô hấp.

“Đã khoảng một tháng trôi qua nhưng mọi người quanh đây cố gắng không nghĩ về nó”, Mastrocinque nói khi nhìn lên ống khói cao chót vót của nhà máy – một góc tối tăm và bụi bặm của khu vực Puglia, nơi mà các cư dân đến gần.

Ilva, thuộc sở hữu của gia đình Riva tại Italy, sử dụng 12.000 nhân công và góp phần phát triển kinh tế địa phương vốn ảm đạm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nó đang hủy hoại người dân nơi đây vì khối lượng chất thải của nhà máy.

Theo một nghiên cứu năm 2005, tỷ lệ khí thải của cơ sở chiếm 8,8% khối lượng dioxin thải ra của châu Âu. Nhiều số liệu vào năm 2012 cho thấy số người chết vì ung thư ở khu vực chiếm 15% tỷ lệ tử vong trung bình toàn quốc. Các công tố viên cho hay, từ năm 2009 đến 2012, lượng khí thải đã giết chết hơn 400 người.

“Nồng độ dioxin trong sữa của các bà mẹ ở thành phố Taranto cao gấp 3 lần mức cho phép”, Angelo Bonelli nói với The Guardian.

Nông dân chịu thiệt hại lớn khi bị cấm chăn thả gia súc trong phạm vi 20 km xung quanh nhà máy. Gần 30.000 con gia súc bị tiêu hủy do nhiễm dioxin vượt mức cho phép. Ngành nuôi trồng trai nổi tiếng ở Taranto liêu xiêu sau khi phải chuyển khỏi khu vực quanh nhà máy.

“Không gia đình nào không có người bị bệnh hoặc chết mà nguyên nhân đến từ nhà máy thép Ilva. Mọi người đã ‘lờ’ tình trạng này suốt một thời gian dài. Giờ đây, mỗi lần nhắc đến, nước mắt lại rơi”, Rosella Balestra, một nhà hoạt động địa phương, chia sẻ.

Ô nhiễm trở thành một phần trong đời sống của người địa phương. Hàng ngày, họ vẫn phải quét những đám bụi khoáng màu đỏ và bồ hóng màu đen thoát ra từ nhà máy – thứ thường xuyên làm tắc cống thoát nước.

“Lần đầu tiên nhận ra vấn đề là cách đây 5 năm, khi tôi chữa trị cho một cậu bé 10 tuổi mắc bệnh ung thư cuống họng”, Patrizo Mazza, một bác sĩ, nói. Theo Mazza, không biện pháp nào thực sự hiệu quả trừ khi nhà máy luyện thép đóng cửa.

Tỷ lệ công nhân của nhà máy mắc u cao gấp 10 lần so với mức trung bình của quốc gia. “Những công nhân ở đây chỉ muốn nghĩ về công việc, không phải bệnh tật”, Vincenzo Pignatelli, 60 tuổi, nói. Ông đã làm việc trong các lò nung suốt 29 năm và bị ung thư máu sau khi nghỉ hưu vào năm 2002.

“4 đồng nghiệp trong nhóm của tôi đã chết vì ung thư. Tôi có thể gặp nhiều đồng nghiệp khác khi đến bệnh viện. Chuyện này giống như một cuộc hội ngộ công việc”, ông chia sẻ.

Tại khu vực Tamburi, Mastrocinque nhìn lũ trẻ đá bóng xung quanh khu đất dày đặc bụi độc hại, bất chấp lệnh cấm.

“Bột khoáng màu đỏ lấp lánh trong các máng nước nhưng muội đen như cát mịn khi lọt vào miệng. Ilava “an ủi” người dân khi đặt đài phun nước trong nghĩa trang nhưng họ không quét sạch những nấm mộ đang dần chuyển sang màu đen đỏ”, anh nói.

Nguy cơ gây ô nhiễm ở mọi quy trình

Cong nghiep thep va cai gia dat ve moi truong, xa hoi hinh anh 3
Khói bốc lên từ một nhà máy của Formosa, một trong 10 doanh nghiệp ô nhiễm nhất trên đảo Đài Loan. Ảnh: Getty

Tùy thuộc vào nguyên liệu ban đầu, quặng sắt hoặc nguyên liệu tái chế, quá trình luyện kim trải qua nhiều bước khác nhau. Mỗi bước đều phát sinh ra lượng lớn chất thải với 3 dạng: rắn, lỏng, khí và bụi với mức độ ô nhiễm khác nhau.

Theo một số chuyên gia, sản xuất một tấn thép sẽ thải ra khoảng 0,5 đến 1 tấn xỉ, 10.000 m3 khí thải, 100 kg bụi và 80 m3 nước thải. Tại các vùng luyện kim, tỷ lệ không khí bị nhiễm bẩn là gần 60%.

Trong các nhà máy luyện thép bằng phương pháp truyền thống, nước làm mát thường bị nhiễm kim loại nặng và các chất phụ gia nên không được tái sử dụng và thường được xả ra bên ngoài cùng nguồn nước thải khác. Thành phần của nước thải này rất khó xử lý và chứa nhiều hóa chất độc hại như phenol, xyanua, ammonia, kim loại nặng và một số chất hữu cơ khác.

Không được xử lý đúng cách, những loại chất thải này có thể gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Năm 2010, tập đoàn luyện thép AK xếp hạng 1 trong danh sách các công ty gây ô nhiễm ở Mỹ sau khi thải khoảng 13.517 tấn hóa chất xuống sông, 11.022 tấn xuống sông Ohio và 2.495 tấn xuống sông Muskingum, theo Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Môi trường Mỹ. Trong nhiều năm liên tiếp, Ohio trở thành con sông ô nhiễm nhất của quốc gia này

Kim Ngân (tổng hợp)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP