Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016 để lấy ý kiến xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga, về cơ bản kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 vẫn giữ ổn định như năm 2015, nhưng có một số điều chỉnh về cụm thi và các khâu trong đăng ký xét tuyển, để tránh những bức xúc như năm 2015.
Các thí sinh làm thủ tục thi THPT quốc gia năm 2015 (Ảnh: Minh Dương) |
Về nguyên tắc, năm 2016, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ điều chỉnh việc tổ chức thi THPT quốc gia, xét tuyển đại học, cao đẳng để khắc phục những bất cập của năm 2015 khi lần đầu tiên thực hiện. Đối với kỳ thi THPT quốc gia, qua nhiều cuộc họp giữa Bộ với các trường đại học, cao đẳng và Sở Giáo dục – Đào tạo các địa phương đều đánh giá kỳ thi 2015 thành công, đạt mục tiêu mong muốn là giảm áp lực, giảm tốn kém.
Kết quả của kỳ thi có độ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển. Vì vậy, trong năm 2016, Bộ vẫn tiếp tục tổ chức cụm thi tỉnh do Sở Giáo dục – Đào tạo chủ trì và cụm thi liên tỉnh do trường đại học chủ trì như năm 2015.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Các Sở, các trường cảm thấy việc tổ chức cụm thi như vậy rất hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thí sinh. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cũng đề nghị năm nay quy định cụm thi cho thí sinh cũng nên mềm dẻo hơn. Ví dụ như những vùng ráp ranh của 2 cụm thi, thì thí sinh có thể chọn cụm thi nào gần và thuận tiện để đến dự thi hơn là bắt buộc đến cụm thi xa. Vì vậy, cũng dự kiến có sự điều chỉnh chút ít về quy định cụm thi cho thí sinh mềm dẻo phù hợp với khi đi lại của thí sinh hơn”.
Đối với xét tuyển đại học, cao đẳng hệ chính quy, việc cho phép thí sinh nộp và rút hồ sơ khi xét tuyển đợt 1, năm 2015 là tạo điều kiện tối đa cho thí sinh có cơ hội trúng tuyển, nhưng cũng gây ra tình trạng lộn xộn trong việc nộp và rút hồ ở một số trường vào những ngày cuối của đợt xét tuyển.
Vì vậy, Bộ đang xây dựng một số phương án thay đổi về thời gian, hình thức nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, quy định về ngưỡng điểm xét tuyển cho các ngành… Tất cả những phương án này đều nhằm làm giảm những bất cập trong xét tuyển cho thí sinh và các trường. Về nguyên tắc tuyển sinh đó là các trường tự chủ hoàn toàn, Bộ không đứng ra làm thay cho các trường trong việc xét tuyển này.
Về chế độ ưu tiên vùng miền, ưu tiên đối tượng khi xét tuyển cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn, trong đó dự kiến sẽ bãi bỏ cộng điểm đối với một số đối tượng và giảm mức điểm ưu tiên so với năm 2015, để đảm bảo sự công bằng đối với các đối tượng học sinh khác nhau.
Lịch thi, thời gian thi cũng sẽ có phương án điều chỉnh để các trường, Sở cùng thuận lợi khi tổ chức thi, phù hợp với thời tiết. Dự kiến, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2016 trước Tết Nguyên đán./.