Kinh tế

Cơ sở sản xuất gạch lao đao vì chính quyền "tiền – hậu bất nhất"

Năm 2006, UBND xã Song Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) ký hợp đồng số 05/HĐ/KT ngày 15/4/2006 cho hộ gia đình bà Phan Thị Linh ở xóm 4, xã Song Lộc được nhận khoán thu 7.000m2 đất làm lò gạch tại xứ đồng Đồng Dăm Tuế thuộc địa bàn xóm 1, thời gian sử dụng là 20 năm. Theo thoả thuận, hằng năm hộ gia đình bà Phan Thị Linh phải thanh toán cho UBND xã Song Lộc 8 triệu đồng…

Ngay sau khi ký kết hợp đồng, gia đình bà Linh đã dầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng lò nung gạch, mua công cụ, máy móc và thuê thợ về để sản xuất gạch. Thế nhưng, lúc này, giữa xã và bà Linh chưa hề có một biên bản bàn giao cụ thể, khẳng định diện tích đất sẽ được sử dụng để làm gạch nằm ở đâu trong xứ đồng Đồng Dăm Tuế. Vì vậy, năm đầu tiên, bà Linh chỉ đốt được một vụ gạch từ đất “mót” trong diện tích đang làm nhà xưởng, lò đốt và sân phơi gạch.


Để có nguyên liệu làm gạch, gia đình đã nhiều lần đề nghị được bàn giao cụ thể đất theo đúng diện tích đã ký kết trong hợp đồng nhưng vẫn không được UBND xã giải quyết. Không có nguyên liệu, mọi hoạt động sản xuất lò gạch của gia đình bà Linh ngưng trệ, công nhân được “giải tán”. Từ đó đến nay, gia đình bà đành bám trụ lại trong nhà xưởng, lò gạch đã đầu tư trong một phần xứ đồng Đồng Dăm Tuế.


Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng ngày trước dựng lên cho công nhân ở, bà Phan Thị Linh cho biết: Theo hợp đồng, diện tích đất xã sẽ cấp làm gạch là 7.000m2 nhưng thực tế, đến nay gia đình bà Linh chỉ được sử dụng hơn 2.000m2. Tuy nhiên, diện tích này là tính cả ao, hồ, không thể lấy đất để làm gạch được. Khi mới ký hợp đồng, xã có chỉ cho một khoảnh để làm gạch với điều kiện khai thác ở độ sâu không quá 2m nhưng sau đó UBND xã đã chia cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp nên “hết đất”. Bám trụ lại ở đây, gia đình bà Linh đành phải xoay xở sống bằng cách chăn nuôi nhỏ vì vốn liếng đã dồn hết cho lò gạch. Hơn nữa, UBND xã Song Lộc cũng chưa có phương án giải quyết nên không thể đầu tư. Vì vậy, thu nhập chẳng được là bao, cuộc sống gia đình hết sức vất vả. Mới đây, gia đình bà Linh phải bán một nửa đất nhà ở xóm 4 để trang trải nợ nần.


Bà Linh bức xúc: “Không hiểu sao UBND xã lại hành xử theo kiểu “tiền – hậu bất nhất” như vậy. Rõ ràng trong hợp đồng ghi: Bên A (UBND xã Song Lộc) có trách nhiệm tạo điều kiện cho bên B (gia đình bà Linh) hoàn thành tốt hợp đồng, vậy mà sau đó xã lại chuyển diện tích đất đó cho người khác mà không giao cho chúng tôi. Đề nghị xã bàn giao đủ đất để gia đình tiếp tục sản xuất gạch, nếu không thì phải đền bù thiệt hại thoả đáng”.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Hữu – Chủ tịch UBND xã Song Lộc thừa nhận: Hợp đồng này là có thực. Năm 2006, xã ký hợp đồng nhằm cải tạo vùng đất cao cưỡng và thực hiện quản lý đất đai. Văn bản hợp đồng có sơ suất do tham mưu. Lẽ ra tổng diện tích giao khoán cho gia đình bà Linh là 7.000m2 của xứ đồng Đồng Dăm Tuế bao gồm cả ao, hồ chứ không phải là 7.000m2 đất làm nguyên liệu sản xuất gạch. UBND xã sẽ cho kiểm tra cụ thể lại toàn bộ diện tích cũng như nội dung cấp đất theo hợp đồng đã ký. Nếu gia đình có nhu cầu chuyển sang chăn nuôi thì xã sẽ xem xét, giải quyết chứ 7.000m2 đất làm gạch thì không thể có vì đất đã cấp hết cho dân.


Với cách giải thích của ông Nguyễn Huy Hữu, 7.000m2đất làm gạch nay trở thành 7.000m2 đất chăn nuôi. Trong khi đó, thoả thuận giữa gia đình bà Linh và UBND xã vào thời điểm đó là nhận giao khoán để làm gạch, nghĩa là 7.000m2 này dùng để làm nguyên liệu sản xuất gạch, không bao gồm ao, hồ.


Được biết, tại vùng đất này, trước đó xã cũng đã ký hợp đồng lấy đất sản xuất gạch với một người khác nên có rất nhiều ao, hồ. Vì vậy, nếu tính chung thì diện tích đất để làm gạch không đáng là bao nên không thể sử dụng đến 20 năm.


Hơn 4 năm kể từ lúc hợp đồng 05/HĐ/KT ngày 15/4/2006 có hiệu lực, UBND xã Song Lộc đã không thể hiện đúng trách nhiệm, cam kết với dân khi không giao đủ 7.000m2 đất sản xuất gạch cho gia đình bà Linh. Thiết nghĩ, chính quyền nơi đây cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và có phương án giải quyết thỏa đảng, đảm bảo quyền lợi cho gia đình bà Phan Thị Linh.


Duy Liêng

Baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP