Lợi dụng tâm lí học xong muốn có việc làm trong giai đoạn khó xin việc này. Bà Vi Thị Hoa, là một giáo viên trường THCS xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, đã dùng lời lẽ ngon ngọt, phỉnh phờ nhiều hộ dân, nộp hàng trăm triệu đồng cho mình. Với lời hứa ít tháng nữa sẽ có việc làm. Rồi sau đó biến mất.
Có mặt tại tại bản Kim Đa, xã Lục Dạ (Huyện Con Cuông), vào giữa trưa. Trong căn nhà phên nứa, ông Lương Văn Hải (50 tuổi), buồn bã: “Có biết chi mô chú. Thấy cô Dần, với dì Tâm, cũng nộp tiền nên nhà tui cũng vay mượn ngân hàng bán và trâu, bò nộp cho họ. Giừ không biết mần răng. Cũng không biết là họ ở mô nữa mà tìm”.
Vợ chồng ông Lương Văn Hải và Vi Thị Nhị, trong căn nhà rách nát, lo lắng không biết lấy tiền đâu để trả nợ.
Tháng 5/2016, sau khi nghe cô Vi Thị Hoa phỉnh phờ, hứa hẹn. Gia đình ông Hải vay mượn, đặt cọc cho cô Vi Thị Hoa 60 triệu đồng. Để xin cho con trai là Lương Văn Sang. Lúc này sắp tốt nghiệp Đại học kiến trúc Hà Nội về làm việc tại Sở Xây Dựng Nghệ An và con gái Lương Thị Sinh, lúc này cũng đang học trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, về dạy Tiểu học tại huyện Con Cuông. Đặt cọc tiền xin việc cho mỗi cháu 30 triệu đồng.
Bà Vi Thị Nhị (vợ ông Hải), nói trong ấm ức: “Hắn lừa thôi, một năm rồi có xin được mô. Cuối năm ngoái hắn quay lại đòi thêm mười triệu nói để làm quà cho người ta, cũng phải đưa cho hắn. Mới đầu năm ni lại đến đòi tiếp 50 triệu nữa, nói sắp có quyết định rồi. Nhưng nhà tui chưa vay được tiền nên chưa thể đưa được”.
Cô Ngân Thị Dần trao đổi với phóng viên.
Sau đó cô Vi Thị Hoa đã lừa thêm gia đình ông Lữ Văn Thá (SN 1969), cũng ở bản Kim Đa, xin cho con gái Lữ Thị Bé về dạy Tiểu học tại huyện Con Cuông. Gia đình ông Thá cũng đã đặt cọc 30 triệu đông. Sau đó đến đòi tiếp nhưng gia đình ông Thá chưa vay được tiền nên chưa đưa thêm: “Nhờ qua dì Tâm, dạy bên trường mầm non xã Lục Dạ mà. Dừ có biết hắn ở mô mà đòi. Gọi điện thì hắn không nghe…”.
Cũng thời gian này, cô Vi Thị Hoa, đến chơi nhà người quen ở bản Hua Nà (X.Lục Dạ, H.Con Cuông). Nghe được cô Ngân Thị Dần (nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Lụ Dạ) là nhà hàng xóm có con gái là Hà Thị Dịu, học ngành công tác xã hội, ra trường mà chưa xin được việc. Nên học thêm Trung cấp sư phạm mầm non, chờ cơ hội xin đi dạy. Cô Vi Thị Hoa, lân la thăm hỏi rồi, phỉnh phờ ngon ngọt. Cô Dần xiêu lòng và ngày 23/5/2016, cô Dần đặt cọc cho cô Vi Thị Hoa 40 triệu đồng. Một ngày sau chồng tiếp 80 triệu đồng nữa. Cô Dần buồn bã: “Hắn mần như thật mà. Hắn nói quen biết bà con với bà Cao Thị Hiền, Giám đốc sở Nội Vụ (thực tế bà Hiền đã chuyển sang Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An). Hắn còn lấy điện thoại ra gọi cho ai đó xưng là bà Cao Thị Hiền, bật loa ngoài nói chuyện cho cả nhà chị nghe mà”.
Hợp đồng và cam kết viết tay, không có giá trị pháp lí mà Vi Thị Hoa, ký với các hộ dân.
Ngày 25/5/2016, cô Vi Thị Hoa đến lấy tiếp 20 triệu đồng của cô Dần, với lời hứa xin về dạy mầm non ở Con Cuông. Đến ngày 8/9/2016, cô Vi Thị Hoa lại đến lấy tiếp 10 triệu đồng nữa nói là ít ngày nữa sẽ có quyết định. Như vậy là cô Vi Thị Hoa đã lừa gia đình cô Ngân Thị Dần, tổng cộng là 150 triệu đồng. “Giừ gọi có được nữa mô. Cũng không biết nhà hắn ở mô. Chị cũng đi vay mượn ngân hàng và anh em cả”.
Với chiêu trò lợi dụng tâm lí nóng lòng xin việc và biệt tài “mồm mép tép nhảy” của mình, cô Vi Thị Hoa đã lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người dân. Chứ thực chất không thể xin được việc cho bất kỳ ai khi địa phương không có chỉ tiêu tuyển dụng.
Hợp đồng và cam kết viết tay, không có giá trị pháp lí mà Vi Thị Hoa, ký với các hộ dân.
Ông Phan Anh Tài, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, cho biết: “Năm 2016 và 2017 này huyện làm gì có chỉ tiêu nào về tuyển dụng giáo viên các cấp đâu. Thế là các hộ dân đó bị lừa rồi đấy”.
Bằng cách thức lừa đảo như thế, không biết còn bao nhiêu gia đình nữa đã bị cô Vi Thị Hoa lừa.
Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết: “Đối tượng này thì nghe lâu rồi. Trước đây đã nhiều lần lừa dân rồi, nhưng dân giấu sau này mới biết. Nó lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số, hiểu biết ít để lừa. Nó không phải họ Vi đâu, mà ở dưới xuôi lên đổi thành họ Vi để bà con tin đấy. Chúng tôi sẽ chỉ đạo anh em kiểm tra. Nếu đúng thế phải có phương án giải quyết”.
Chúng tôi về huyện Anh Sơn, nơi cô Vi Thị Hoa đang công tác, để tìm gặp Hoa, nhưng cô Hoa nhất quyết không gặp. Liên lạc bằng điện thoại thì khi nghe tiếng chúng tôi, Vi Thị Hoa liền cúp máy. Chúng tôi buộc phải nhờ đến Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn Nguyễn Đức Vĩnh. Ông Vĩnh liên lạc bằng điện thoại thì cô Vi Thị Hoa thừa nhận đã nhận tiền của các hộ dân nói trên, nhưng chưa xin được việc cho họ.
Việc một giáo viên đi lừa gạt nhiều người dân nghèo với chiêu bài “chạy việc” là điều khó có thể chấp nhận được. Hậu quả của sự việc để lại là những món nợ khổng lồ mang theo của những hộ dân như ông Hải, ông Thá, cô Dần…không biết bao giờ trả được. Vì thế, các cơ quan chức năng của hai huyện Anh Sơn và Con Cuông cần phải nhanh chóng vào cuộc điều tra, sớm làm tỏ sự việc.
Tác giả: Phạm Tuân
Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường