Xã hội

Có gì ở dự án thủy điện mà chủ đầu tư đang “dọa” kiện tỉnh Quảng Nam?

Nằm cách trung tâm huyện Nam Trà My khoảng 1km, dự án thủy điện Đắc Di 4 đang bị bỏ hoang. Chủ đầu tư đã xây hai khu nhà làm việc và nhà ở cho công nhân nhưng chưa hoàn thiện, nay trở thành nơi nhốt trâu bò của dân...

Ngày 25/12, chúng tôi có mặt tại dự án thủy điện Đắc Di 4 - dự án đang gây xôn xao ở Quảng Nam vì tỉnh quyết định cho dừng dự án vì "treo" nhiều năm; chủ đầu tư thì "dọa" kiện tỉnh vì quyết định này.

Tại đây thời điểm này chỉ có hai ngôi nhà điều hành và nhà ở cho công nhân kiểu cấp 4, được chủ đầu tư xây dựng chưa xong, nay đã bỏ hoang. Hiện hai khu nhà này đã được người dân địa phương tận dụng làm nơi nhốt trâu bò.

Phía xa là con đường bê tông 600m được xây dựng dẫn từ quốc lộ 40B vào khu vực nhà máy.

Hai khu nhà đang xây dở, bị bỏ hoang.

Hai khu nhà đang xây dở, bị bỏ hoang.

Dẫn chúng tôi đến thăm dự án, ông Rich Si Man (72 tuổi, trú xã Trà Mai) cho biết, gia đình ông có trên 5ha đất trong vùng dự án gồm khu vực nhà máy và trạm biến áp. Từ năm 2003 ông đã giao đất cho chủ đầu tư dự án.

Theo ông Man, chủ đầu tư mới san ủi một quả đồi của ông và ông đã nhận được hỗ trợ 50 triệu đồng năm 2017. Ông chưa được đền bù cho toàn bộ số đất ông đã nhường. Từ đó đến nay, chủ đầu tư không quan tâm đến người dân nữa.

Nơi đây làm nơi nhốt trâu, bò của người dân địa phương

Nơi đây làm nơi nhốt trâu, bò của người dân địa phương

“Khi dự án được triển khai, bà con ở đây đã nhiệt tình hiến đất, nhà nước thu hồi đến đâu bà con nhường đến đó. Nhưng khi kiểm kê, đền bù thì dự án tạm dừng. Bà con ở đây mất đất nhiều lắm nhưng chỉ có tôi và một hộ dân nữa được hỗ trợ thôi”, ông Man nói.

Mong muốn của ông Rich Si Man cũng như gần 10 hộ dân khác ở vùng dự án là bà con đã hiến đất, hoa màu, cây cối… thì phải được đền bù, giải quyết chế độ.

Theo báo cáo của huyện Nam Trà My, dự án thủy điện Đắc Di 4 làm ảnh hưởng đến 73 hộ dân của hai xã Trà Don và Trà Mai. Có gần 10 hộ nằm ở khu vực nhà máy đã bị thu hồi đất nhưng chỉ có 2 hộ nhận được hỗ trợ với số tiền 100 triệu đồng.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My – cho biết, dự án có chủ trương đầu tư từ năm 2003. Mãi đến 2013-2015, tỉnh có nhiều cuộc họp để đẩy nhanh triển khai thực hiện dự án này nhằm mục đích tạo điều kiện cho huyện có điện lưới để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân. Tỉnh rất nhiều lần gia hạn cho dự án rồi yêu cầu huyện hỗ trợ nhà đầu tư. Huyện và người dân cũng rất ủng hộ dự ánnhưng chủ đầu tư không hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan.

“Người dân hiện rất khốn đốn, dự án nằm đó nhưng dân không sản xuất được vì đã tiến hành kiểm kê rồi. Vừa rồi huyện cũng có họp và triển khai cho dân tiếp tục sản xuất, khi nào dự án khởi công lại thì thực hiện lại công tác đền bù”, ông Mẫn cho hay.

Cũng theo ông Mẫn, người dân và huyện rất mong muốn dự án triển khai thực hiện với nhà đầu tư nào đó, tỉnh đã có tiêu chí lựa chọn rồi. Một mặt quyết liệt giải quyết những vấn đề tồn tại với nhà đầu tư Đắc Di 4, một mặt chọn nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Liên quan đến dự án thủy điện này, đầu tháng 11/2018, tỉnh Quảng Nam đã họp với chủ đầu tư. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh kiên quyết dừng dự án vì chủ đầu tư không thực hiện dự án, chưa được cấp phép và kéo dài từ năm 2003. Chủ đầu tư “dọa” kiện UBND tỉnh vì cho dừng dự án; tuy nhiên ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói sẽ sẵn sàng hầu tòa.

Tác giả: Công Bính

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP