Tình yêu

Cô dâu chú rể mặc áo Đoàn trong ngày cưới

Hàng trăm khách mời “tròn xoe mắt” rồi vỗ tay không ngớt khi cô dâu, chú rể bước ra trong bộ trang phục truyền thống của Đoàn.

Cô dâu chú rể Lê Thị Chung, Tạ Văn Mãi chụp ảnh cưới trong trang phục Đoàn.Ảnh: NVCC

Cô dâu Lê Thị Chung kể cách đây mấy tháng, khi cha chị đưa tờ giấy định ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới, chị và chú rể Tạ Văn Mãi vui mừng nhận ra có một sự trùng hợp đặc biệt: ngày cưới trùng với thành lập Đoàn – một ngày đầy ắp kỷ niệm đối với hai cựu cán bộ Đoàn năng nổ của Khoa Sư phạm Trường ĐH Cần Thơ.

“Trong lúc chúng tôi đang bối rối không biết chọn đồ cặp như thế nào để chụp ảnh làm album cưới thì một chị đồng nghiệp gợi ý mặc áo Đoàn vừa đẹp, vừa ý nghĩa. Vậy là khỏi bàn tới lui, hai đứa quyết định luôn”, Chung nói.

Ngoài cổng hoa, bức ảnh lớn cô dâu, chú rể giản dị trong chiếc áo xanh truyền thống của Đoàn. Bạn bè, khách mời đi từ bất ngờ ngày đến bất ngờ khác, khi đôi uyên ương không chỉ mặc áo Đoàn chụp ảnh album mà chọn làm trang phục chính đãi khách. Lúc hai người bước ra, hàng trăm quan khách đều “tròn mắt” ngạc nhiên rồi trầm trồ, vỗ tay, chụp ảnh.

Cô dâu Lê Thị Chung (26 tuổi, quê ở H.Tiểu Cần, Trà Vinh) hiện là giáo viên Trường thực hành Sư phạm Trà Vinh (thuộc Trường ĐH Trà Vinh). Còn chú rể Tạ Văn Mãi (30 tuổi, quê H.Long Mỹ, Hậu Giang) hiện là giáo viên dạy hóa tại TP.Cần Thơ.

Chung kể cả hai gặp nhau lần đầu cách đây hơn 7 năm, khi Chung đang học ngành sư phạm toán, còn Mãi học ngành sư phạm hóa, Trường ĐH Cần Thơ. “Chúng tôi gặp trong một đợt công tác của Đoàn khoa. Ấn tượng về nhau lúc đó là hai đứa cùng nhiệt tình, nhanh nhẹn và vui tính…”, Chung cười nói.

Năm 2010 là năm kỷ niệm đáng nhớ nhất của Chung và Mãi. Đó là trong chuyến về nguồn của Đoàn Khoa Sư phạm Trường ĐH Cần Thơ, Chung bị say xe mệt đến mức “âm thầm” trốn mọi người ở trong phòng nghỉ ngơi. Mọi chuyện chẳng có gì để nói nếu Chung không khóa trái cửa và nằm không biết gì suốt mấy giờ liền. Cả đoàn đều lo lắng vì không ai liên lạc được. Mấy giờ sau, chính Mãi là người đầu tiên mở được cánh cửa phòng của Chung. “Lúc đó, nhìn anh ấy lo lắng, sốt sắng, khiến tôi thực sự rung động”, Chung kể lại.

Kể từ ngày ra trường đi làm, do điều kiện công tác, Mãi và Chung mỗi người một nơi, cách xa nhau gần 100 km. Dù vậy, Mãi luôn dành ngày cuối tuần sang Trà Vinh thăm người yêu. “Suốt từ ngày yêu nhau đến ngày đám cưới là 7 năm. Thầy cô, bạn bè vì quý mến nên luôn dõi theo mối quan hệ của 2 người. Vì vậy mà hôm cưới, chúng tôi mời ngoài bà con dòng họ, còn lại hầu hết là cán bộ Đoàn, cựu cán bộ Đoàn, thầy cô của trường xưa cùng một số ít học học trò”, Mãi nói.

Đình Tuyển/Theo Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP