Ở đây, cần phải nói thẳng, không phải cấp dưới dám hếch mặt lên mắng, quát, nếu biết người đó là lãnh đạo cấp trên của mình, mà bởi đơn giản, ông nghĩ vị đang đứng trước mặt mình là một người “dân đen”. Bởi suy cho cùng, nhân viên địa chính xây dựng xã Ia Pếch, ông Nguyễn Cảnh Thắng (nhân vật quát mắng Bí thư huyện ủy vì nhầm tưởng là dân) có ăn phải thịt “hổ, báo” gì đi chăng nữa cũng không dám làm điều đó với lãnh đạo, đồng thời là cấp trên của mình. Ai bảo, ông Bí thư huyện ủy vì dân, vì nước, ăn mặc bình dị đi vi hành, nên mới bị chửi, mắng. Ông cứ, quần tây, áo trắng, đóng thùng vào, ngoài áo com lê thắt cà vạt, tay cầm cái cặp, giày bóng lộn thử hỏi xem “đứa” nào dám chửi?
Bí thư huyện Ia Grai Nguyễn Hữu Quế |
Từ đây, văn hóa đối xử công sở tại xã này lại được “xới lên”. Cán bộ là đầy tớ, công bộc của dân lại làm cha, làm mẹ, làm chủ của dân. Vậy, ai dám chắc trước đây, vị nhân viên địa chính này chưa bao giờ quát mắng, hạch dọa, giở giọng cán bộ ra với dân như vậy không?, rất khó để trả lời. Bởi, một người dân đen, nếu có bị như vậy, họ cũng lẳng lặng rồi im cho qua chuyện. Nếu người đứng trước mặt để ông đứng quát hôm ấy không phải là một Bí thư huyện mà là một người dân nào đó, thì sự hách dịch, coi thường dân có bị phơi bày, xử lý, chấn chỉnh kịp thời hay không?.
Một cán bộ, với lý do, tối hôm trước phải thức suốt đêm nên sáng hôm sau mất ngủ mới có thái độ cư xử với người dân chưa đúng mực. Trăm dâu, đổ đầu…dân, người mà đáng lẽ ra khi đến công sở làm việc, được các cán bộ, công nhân, viên chức chào hỏi, cởi mở, phục vụ tận tình lại bị hách dịch bởi lỗi phá “giấc ngủ” vì việc riêng của gia đình ông trước đó.
Theo ông Nguyễn Hữu Quế: "Nếu không có việc thì ngủ chỗ khác. Nếu mệt, khi có người dân tới thì giải thích, xin lỗi mong người ta thông cảm. Ông này lại trợn mắt, hất mặt hỏi "có việc gì". Cán bộ mà có thái độ như vậy là không thể chấp nhận được. Những cán bộ như thế này, nếu không xử lý nghiêm thì sẽ làm xấu hình ảnh cán bộ trong mắt người dân". Kết quả, ông Quế gặp Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pếch và yêu cầu xã phải chấn chỉnh.
Cùng với đó, ngay lập tức khi về cơ quan, ông Quế ký văn bản gửi UBND huyện Ia Grai, Đảng ủy xã Ia Pếch, yêu cầu xem xét kiểm điểm trách nhiệm, kỷ luật công chức vi phạm.
Những chuyến “vi hành” bất ngờ tới cơ sở, luôn cho lãnh đạo cấp trên một cái nhìn và thấy rõ hơn cách hành xử, thái độ làm việc ở nơi công sở. Từ đó, để có những chỉ đạo, chấn chỉnh, thậm chí là xử lý một cách kịp thời, tránh trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” như cách làm của ông Bí thư huyện Ia Grai rất đáng được trân trọng.
Tác giả: Trần Sỹ
Nguồn tin: Báo Công lý