Giải trí

Chuyện tình đẹp của Hoa hậu Bùi Bích Phương với Tiến sỹ Kinh tế

Mặc dù là Hoa hậu Việt Nam đầu tiên và từng có rất nhiều người theo đuổi nhưng cuối cùng Hoa hậu Bùi Bích Phương lại nên duyên với một Tiến sỹ Kinh tế.

Mối lương duyên của chị với ông xã nảy sinh trong hoàn cảnh nào?

Lương duyên của chúng tôi khá là kỳ lạ bởi dù cùng tuổi nhưng trước đó chúng tôi không hề biết gì về nhau. Ông xã của tôi trước đây là thành viên của đội tuyển Olympic Toán quốc tế. Sau khi thi đạt được điểm cao, anh ấy chọn qua Nga du học. Thời điểm anh ấy du học ở Nga, tôi lại đang du học bên Hàn Quốc.

Một lần, tôi về nước chuẩn bị làm luận văn Thạc sỹ, có đến thăm thầy cô giáo cũ thì vô tình gặp anh ấy ở đó. Khi nói chuyện mới biết anh vừa lấy bằng Tiến sỹ Kinh tế, còn tôi lại đang làm luận văn Quản trị kinh doanh. Cả hai lĩnh vực có nhiều thứ khá liên quan đến nhau. Trong quá trình trò chuyện, tôi rất ngưỡng mộ về tri thức và học vấn của anh ấy.

Thực tế, ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã rất có thiện cảm với anh. Vì thế hai đứa đến với nhau cũng rất tự nhiên.

Hoa hậu Bùi Bích Phương khiến nhiều người ngưỡng mộ bởi không chỉ thành công trong sự nghiệp mà còn có một gia đình rất hạnh phúc.

Tuy nhiên, thời điểm đó, vì anh ấy ở một nơi, tôi ở một nơi… nên cả hai vấp phải khá nhiều khó khăn. Thậm chí, trước khi quyết định lấy nhau, tôi còn được Quỹ Giáo dục Quốc tế phân công qua Mỹ để xây dựng hệ thống. Biết tin, anh ấy có nói với tôi một câu: “Mình cứ cưới nhau rồi em hẵng đi”. Nghe anh nói vậy, tôi hiểu tình cảm anh dành cho tôi rất lớn và anh cũng muốn hai đứa gắn kết với nhau bằng hôn nhân. Và đến ngày 4/11/2000 chúng tôi chính thức tổ chức lễ cưới.

Việc tổ chức đám cưới chỉ gói gọn trong đúng một tháng và cận tết cổ truyền nên người thân trong gia đình anh ấy hết sức ngạc nhiên. Nhưng vì anh ấy quyết tâm phải tổ chức đám cưới ngay nên đã mua vé cho tất cả mọi người trong gia đình ở xa về dự đám cưới. Sau đám cưới, tôi phải làm đơn xin cử người khác đi Mỹ, còn tôi vẫn phụ trách khu vực Đông Nam Á và được cơ quan tạo điều kiện.

Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng, việc chúng tôi đến với nhau hoàn toàn là duyên số. Vì trước khi tổ chức đám cưới, mẹ tôi còn bảo: “Người sát bên cạnh lại không chịu để ý, đi lấy một người tận đẩu tận đâu”.

Khi ông xã ngỏ lời yêu chị, anh ấy có biết chị là Hoa hậu?

Thời điểm tôi đoạt vương miện hoa hậu thì anh ấy đã qua Nga du học nên không hề biết tôi là hoa hậu. Anh ấy sống ở bên Nga 20 năm và rất ít khi về Việt Nam. Đúng dịp về lâu nhất thì hai đứa lại quen nhau.

Sau này anh ấy chỉ kể rằng, khi gặp tôi lần đầu thấy rất xinh và quen quen nhưng không hề biết tôi là ai. Tuy nhiên, trong lần đầu gặp nhau, anh ấy cũng rất có cảm tình khi nhìn thấy tôi. Sau này nhiều người cứ hay trêu: “Ông này kinh nhỉ, bay từ Nga về Việt Nam để “trồng cây si” hoa hậu”.

Nhiều bạn bè vẫn thường gọi trêu tôi là “hoa hậu thuần Việt” vì tôi có cả một quãng thời gian rất dài ở nước ngoài, đi hết nơi này đến nơi khác nhưng không lấy chồng nước ngoài, không lấy chồng Việt kiều mà cuối cùng lại chọn một anh Việt Nam.

30 đăng quang, Hoa hậu Bùi Bích Phương vẫn không ngừng cố gắng để trở thành người phụ nữ hoàn thiện.

Có thể hình dung cuộc sống gia đình chị như thế nào?

Gia đình tôi được nhiều người nhìn nhận là “chuẩn đét” của một gia đình truyền thống. Ở cơ quan có thể tôi được nhân viên gọi là sếp, ra ngoài đường được mọi người chăm sóc vì là hoa hậu nhưng khi về đến nhà tôi là người phụ nữ nội trợ đúng nghĩa. Nhiều khi đi làm hoặc đi tập về chưa kịp thay quần áo là vào bếp luôn.

Mặc dù nhà có người giúp việc nhưng cả ông xã lẫn hai đứa con lúc nào cũng thích ăn đồ mẹ nấu. Người giúp việc chỉ đảm nhận sơ chế thôi còn tôi vào bếp trong vòng 45 phút đến 1 tiếng là phải cho ra được 4 – 5 món để bố con thưởng thức.

Chị có hai con, một trai, một gái. Nếu sau này con gái có ý muốn đi theo con đường của mẹ trước đây, chị có ủng hộ không?

Thực ra, những cuộc thi hoa hậu trước đây, khi được mời làm giám khảo, tôi vẫn thường cho con đi theo. Bé út nhà tôi bộc lộ gen trội về văn thể mỹ rất sớm. Bé vẽ rất đẹp, nhảy rất tốt và hát rất khá. Cho nên nếu con có ý thử sức trong các cuộc thi hoa hậu hoặc người mẫu tôi cũng ủng hộ.

Tôi thường cho con đi cùng không phải để con tự hào mẹ là hoa hậu hoặc xây dựng hình ảnh mà cho con đi cùng là để các con có những trải nghiệm sớm, để con thấy cuộc sống xung quanh và trân trọng cuộc sống mình đang có. Điều đó có nghĩa là ngay từ nhỏ tôi đã tập cho con sớm có những trải nghiệm cùng mẹ và điều tôi thích là mẹ con gần gũi nhau.

Về việc giáo dục con, tôi luôn cố gắng là một người bạn thân thiết của con. Tôi chưa bao giờ tạo áp lực cho con rằng con phải thế này, con phải thế kia.

Chẳng hạn, cu lớn nhà tôi năm kia thi cấp 3. Thông thường các gia đình sẽ yêu cầu con gạt các hoạt động thể chất hoặc các hoạt động vui chơi sang một bên để tập trung vào các môn học chính nhưng tôi lại tư vấn cho con là bớt học gia sư, chỉ cần tập trung vào môn Toán - Văn, thời gian còn lại con dành cho việc tập thể hình và học guitar. Tôi muốn các con không quá tập trung vào học văn hóa mà muốn các con phát triển đồng đều tất cả các lĩnh vực.

Với một số gia đình, khi con bước vào độ tuổi trưởng thành thường gặp một số vấn đề nhưng với tôi chuyện này lại rất nhẹ nhàng vì các con lúc nào cũng xem mẹ như bạn. Mọi thứ con có thể tâm sự, mọi thứ con có thể chia sẻ… và thậm chí nhiều bạn trong lớp còn tỏ ra ghen tỵ vì lúc nào cũng thấy mẹ đi cùng.


Thật lòng là mẹ đi cùng không phải để canh con mà để con thấy luôn có một người bạn bên cạnh ủng hộ con trong mọi chuyện. Tôi luôn dành thời gian có thể để đồng hành cùng con trong mọi hoạt động dù như thế sẽ hơi vất vả. Nhiều người đôi khi không hiểu tôi lấy đâu ra thời gian để dành cho con nhiều đến thế bởi bên cạnh công việc ở Quỹ Giáo dục Quốc tế tôi còn điều hành doanh nghiệp riêng và quán xuyến việc gia đình bởi ông xã thường xuyên đi vắng…

Có thể nói ra không ai tin nhưng tôi gần như không có thời gian cho bản thân. Chuyện đi spa để làm đẹp một cách thường xuyên là chuyện khá xa xỉ với bản thân. Có bà chị mỗi lần gặp lại trách yêu: “Cô ỷ thế cô đẹp nên không cần đến để chị chăm sóc chứ gì?”. Nhưng tôi chấp nhận việc hy sinh thời gian của bản thân để dành hết cho con bởi các con đang ở tuổi trưởng thành, rất cần mẹ. Bất kỳ điều gì con cần, tôi cũng ở ngay bên cạnh để chia sẻ với con. Tôi luôn tạo cho con một môi trường thoải mái, không khoảng cách… đó là nỗ lực lớn nhất của tôi trong giáo dục con cái.

Mọi người cứ hình dung cuộc sống của tôi rất bình dị. Nó cũng như những gia đình bình thường khác. Và tôi không bao giờ để các con phải dùng đến “phép lợi thế” mà phải luôn tự nỗ lực, tự cố gắng… Đó là lí do vì sao bé thứ hai mới 14 tuổi tôi đã cho đi du học rồi. Đi để bạn ấy thấy được ở nước ngoài dù mới 14 tuổi nhưng nhiều bạn đã làm được rất nhiều việc.

Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.

Tác giả: Hà Tùng Long

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP