Hương Khê

Chuyện lạ tại Hương Khê: Cần xem xét lại quyền lợi của người có nghĩa vụ liên quan

Phải chăng quá trình thụ lý vụ án phía TAND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã căn cứ vào một bộ hồ sơ thiếu thực tế, chưa rõ ràng như lời khiếu nại của bà Phan Thị Hợi. Để rồi sai chồng sai, người dân phải mòn mỏi đi đòi công lý.

Như chúng tôi đã thông tin trong bài viết “Chuyện lạ tại Hương Khê, Hà Tĩnh: Quý Tòa mang nhà hỗ trợ cho hộ nghèo ra chia” số ra ngày 30-7-2013. Việc Tòa án nhân dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) mang ngôi nhà bà Phan Thị Hợi ( SN 1949, xóm 7, xã Hương Long, Hương Khê, Hà Tĩnh) được xây dựng dựa trên tiền hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo là sai. Vì sao việc xét xử lại dẫn tới một lỗi sai nghiêm trọng như vậy? lý do là bởi trong khi phiên Tòa được TAND huyện Hương Khê đem ra xét xử thì bà Hợi với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lại vắng mặt.

Mới đây, ngày 26-8, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo 143/BC-GĐKT về nội dung nêu trên gửi cho Ban Nội chính tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh theo chỉ đạo. Báo cáo này có nội dung nêu: “Về phần nhà ở hỗ trợ cho hộ nghèo: Sau khi vợ chồng anh Nguyễn Viết Vinh và chị Đậu Thị Huy ly hôn năm 2009, hộ bà Hợi được hỗ trợ xây nhà cho người nghèo theo quyết định 167/2008 của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2010. Bà Hợi đã sửa chữa, tôn tạo ngôi nhà làm năm 2005. Như vậy thực tế bà Hợi, anh Vinh được giao sở hữu ngôi nhà gỗ cũ và nhà gỗ mới xây năm 2005 trên phần đất mà Tòa tạm giao cho họ. Do vậy, phần giá trị của ngôi nhà năm 2005 được tăng thêm năm 2010 do có hỗ trợ cho người nghèo thì Tòa án huyện Hương Khê không đưa vào chia, mà Tòa chỉ tính giá trị nhà 2005. Do đó, quyết định đã bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho các đương sự…”.

Mặc dù ngôi nhà bà Phan Thị Hợi đang sinh sống là nhà được Nhà nước hỗ trợ trong chương trình dành cho hộ nghèo
nhưng vẫn bị TAND huyện Hương Khê mang ra chia, và được Tòa án tỉnh Hà Tĩnh cho là hợp tình, hợp lý (Ảnh: HP)

Báo cáo này cũng dựa trên toàn bộ hồ sơ được xây dựng và nội dung tại bản án sơ thẩm số 01/2012/DSST-HNGĐ, ngày 19-3-1012, do TAND huyện Hương Khê xét xử. Nghĩa là nội dung bản báo cáo này đã không được TAND tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp tìm hiểu thực tế một cách cụ thể, kỹ càng. Thay vì vậy lại căn cứ trên một bản án chưa thuyết phục và bộ hồ sơ được xây dựng chưa chính xác. Bởi lẽ, trong đơn xác nhận của ban cán sự xóm 7 xã Hương Long (Hương Khê, Hà Tĩnh) ngày 22/11/2013 do ông Đường Đức Tùng – Bí thư chi bộ xóm 7, nêu rõ: “Bà Phan Thị Hợi là hộ nghèo từ năm 2003, được nhà nước hỗ trợ làm nhà ở lần 1 năm 2005,lần 2 là năm 2010 theo quyết định 167…”. Nội dung này cũng đã được UBND xã Hương Long (Hương Khê) xác nhận.

Như vậy, bản án sơ thẩm số 01/2012/DSST-HNGĐ, ngày 19-3-1012, do TAND huyện Hương Khê xét xử cho rằng chia giá trị ngôi nhà làm năm 2005 ra làm ba bao gồm cho bà Hợi, anh Vinh và chị Huy là sai. Và TAND tỉnh Hà Tĩnh lại tiếp tục căn cứ vào cái sai đó để báo cáo lên Ban nội Chính Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh và khẳng định TAND huyện Hương Khê đã phân chia đúng, phù hợp với quyền và lợi ích của các đương sự liên quan trong vụ án, như vậy rõ ràng là sai theo.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Hợi bức xúc: “Sau khi lấy vợ, tôi và vợ chồng thằng Vinh làm gì có ở chung. Trời bắt chúng khó khăn trong đường sinh con nên phải bán đất đi chữa trị, thấy con vất vả tôi cho ở nhờ. Nào ngờ khi hai đứa không thể sống với nhau, ly hôn thì lại lấy đất, tài sản của tôi ra chia năm xẻ bảy như vậy. Rõ ràng là Tòa án không tìm hiểu thực tế ngọn nguồn sự việc dẫn tới sai như vậy. Việc Tòa xử án tôi cũng không được biết, nếu biết Tòa lấy của tôi ra chia như vậy nếu đứng trước Tòa tôi phản đối ngay. Sao lại gộp tài sản của tôi vào với tài sản hai đứa nó để chia như vậy. Mặc dù tôi đã làm đơn kêu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa có cơ quan nào giúp đỡ. Bên thi hành án thì cứ đòi thi hành, tôi nhất quyết phản đối đến cùng…”

 
Gần 5 năm qua bà Phan Thị Hợi đang mòn mỏi theo đuổi công lý (Ảnh: HP)

Mảnh đất hơn 2000 mét vuông liệu Tòa chia ra ba phần với lý do ai cũng có công tôn tạo, cải tạo như trong bản án sơ thẩm số 01/2012/DSST-HNGĐ, ngày 19-3-1012 của TAND huyện Hương Khê liệu có đúng?. Mảnh đất này bà Hợi là người chịu trách nhiệm nộp thuế, được xác nhận là đất trước thời kỳ hôn nhân,…nếu thực hiện chia như vậy là chưa phù hợp. Mặc dù mảnh đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Hợi. Nhưng xét về luật đất đai thì cũng chỉ có bà Hợi là người duy nhất mới đủ điều kiện đứng tên chủ giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất đó. Bởi lẽ, toàn bộ thuế đất, đất có trước thời kỳ năm 1993 và bà Hợi là người trực tiếp quản lý sử dụng mảnh đất đó từ trước đến nay mà không tranh chấp với bất cứ ai,…Mảnh đất đó anh Vinh và chị Huy không ai có đủ điều kiện để có thể được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận quyền sử dụng.

Hơn nữa, năm 2003 anh Nguyễn Viết Vinh và chị Đậu Thị Huy đã bán chỗ ở là mảnh đất liền kề với đất nhà bà Hợi, diện tích 1000 mét vuông để có tiền đi chữa bệnh. Sau đó hai người được bà Hợi cho ở nhờ, ở chung cùng với bà Hợi. Đến năm 2005 thì hai người quyết định sống ly thân, chị Huy về nhà ngoại ở còn anh Vinh vẫn ở với bà Hợi từ đó cho tới nay. Bỗng nhiên bà Phan Thị Hợi cho con ở nhờ chỉ hai năm, sau đó đất, tài sản của bà cũng bị Tòa gộp vào chia làm ba phần (?!). Việc TAND huyện Hương Khê cho rằng quá trình sinh sống cả ba người đều có công cải tạo, mở rộng khu đất và chia khu đất hơn 2000 mét vuông đó cho ba người như vậy liệu rằng đã thấu tình, đạt lý?. Câu trả lời này có lẽ xin nhường lại cho TAND tỉnh Hà Tĩnh, TAND huyện Hương Khê và bạn đọc suy ngẫm.

Sở dĩ vì sao vụ việc này lại có những dấu hiệu sai như vậy, lý do là trong phiên Tòa xét xử ngày 19-3-2012 do bà Phan Thị Hợi vắng mặt, việc tranh tụng, xét hỏi tại phiên Tòa đã không được thực hiện, vì thế quyền lợi, lợi ích của bà Hợi – là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan trong vụ án, đã không được đảm bảo đúng pháp luật.

“Tôi không mong gì hơn, chỉ mong Tòa về trực tiếp tại địa phương xác minh lại nội dung, nguồn gốc đất, tài sản rồi quyết định đem ra chia như vậy. Nhất trí rằng có thể tài sản thì cũng dành cho con cái hết vì chết cũng không thể mang theo, nhưng tôi đang sống, tôi cũng là một công dân thì tại sao quyền và lợi ích hợp pháp của tôi lại bị coi nhẹ như vậy. Năm lần bảy lượt lên Tòa án tỉnh hỏi thì họ đùn sang Cục thi hành án tỉnh, phía Cục thi hành án thì bảo không đủ thầm quyền giải quyết, vậy tôi phải hỏi ai đây?…”. – bà Hợi nói.

Thời gian gần đây, dư luận đang hết sức băn khoăn trước những vụ án oan thấu trời bỗng nhiên được sáng tỏ. Hệ quả của nó một phần đó là sự tắc trách của các cơ quan chức năng tham gia xử lý. Đó là những bài học xương máu, là hồi chuông cảnh báo dành cho những cơ quan, cá nhân tắc trách trong khi thi hành nhiệm vụ dẫn tới oan sai cho người khác. Đồng thời đó cũng là sự răn đe đối với những hành vi cố tình “bẻ cong” công lý, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, trước sau cũng không thoát khỏi lẽ đúng của chân lý, của pháp luật.

Mòn mỏi theo đuổi vụ việc từ năm 2009 đến nay bà Phan Thị Hợi vẫn chưa thể tìm thấy công lý. Đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cần sớm chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm vụ việc.

Báo Pháp luật & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin.

>> Chuyện lạ tại huyện Hương Khê: Quý tòa mang nhà hỗ trợ cho hộ nghèo ra chia

Hoàng Phạm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP