Thế giới

Chuyên gia thế giới hoài nghi vắc xin Covid-19 thần tốc của Nga

Việc Nga phê chuẩn vắc xin Covid-19 sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm trên người đã khiến nhiều chuyên gia y tế thế giới lo ngại về mức độ an toàn.

Nhà khoa học làm việc tại viện nghiên cứu ở Moscow, Nga trong quá trình điều chế vắc xin ngừa Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Theo Reuters, với ý định trở thành quốc gia tiên phong trong cuộc đua toàn cầu để phát triển vắc xin ngăn chặn Covid-19, Nga vẫn chưa tiến hành các cuộc thử nghiệm quy mô lớn đối với loại vắc xin này để có thể cung cấp dữ liệu cho thấy liệu nó có hoạt động hiệu quả hay không. Các nhà miễn dịch học và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng việc Nga công bố vắc xin Covid-19 lần này có thể là một bước đi "liều lĩnh".

"Nga về cơ bản đang tiến hành một cuộc thử nghiệm ở quy mô dân số lớn", Ayfer Ali, chuyên gia nghiên cứu thuốc tại Trường Kinh doanh Warwick (Anh), nhận định.

Bà Ali cho rằng quá trình phê duyệt quá nhanh như vậy có thể đồng nghĩa với việc chưa loại bỏ được các tác dụng phụ tiềm ẩn của vắc xin. Chuyên gia cảnh báo những tác dụng phụ này tuy hiếm gặp nhưng có thể nghiêm trọng.

Francois Balloux, chuyên gia tại Viện Di truyền học Đại học London (Anh), cũng cho rằng việc công bố vắc xin là một quyết định “liều lĩnh” của Nga.

"Việc tiêm chủng hàng loạt với một loại vắc xin chưa được thử nghiệm phù hợp là bất bình thường. Bất kỳ vấn đề nào xảy ra với chiến dịch vắc xin của Nga cũng sẽ là thảm họa bởi ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với sức khỏe", ông Balloux nói.

Peter Kremsner, chuyên gia tại Đại học Y ở Tuebingen, Đức và là người đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng một vắc xin ngừa Covid-19 của CureVac, cho rằng động thái của Nga là “liều lĩnh”.

“Thông thường cần một số lượng lớn người được thử nghiệm trước khi phê chuẩn một vắc xin. Tôi nghĩ sẽ là liều lĩnh nếu phê chuẩn vắc xin trong khi nhiều người chưa được thử nghiệm”, ông Kremsner cho biết.

Theo các chuyên gia, việc Nga chưa công bố dữ liệu công khai về vắc xin ngừa Covid-19, bao gồm cách thức điều chế cũng như chi tiết về mức độ an toàn, phản ứng miễn dịch và liệu nó có thể ngăn chặn được virus corona không, khiến các nhà khoa học, giới chức y tế và công chúng cảm thấy “mù mờ”.

“Khó có thể biết liệu vắc xin của Nga có hiệu quả hay không nếu chưa công bố tài liệu khoa học để phân tích”, Keith Neal, chuyên gia về dịch bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham ở Anh, nhận định.

Giới chức Đức ngày 11/8 cũng bày tỏ hoài nghi về chất lượng và sự an toàn của vắc xin Covid-19 được Nga công bố, nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu chỉ cấp phép cho các loại thuốc khi đã trải qua thử nghiệm lâm sàng đầy đủ.

"An toàn của bệnh nhân là ưu tiên lớn nhất. Hiện chưa có dữ liệu nào về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vắc xin Nga", AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Đức cho biết.

Theo CNBC, Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, cho biết ông sẽ không dùng vắc xin Covid-19 của Nga ngoài mục đích thử nghiệm lâm sàng.

"Tôi sẽ không dùng nó, chắc chắn sẽ không dùng ngoài mục đích thử nghiệm lâm sàng vào lúc này. Họ nói rằng vắc xin đã được phê chuẩn đầy đủ, nhưng tôi nghĩ không phải như vậy”, ông Gottlieb cho biết.

Ông Gottlieb cho biết thời điểm này ông lo lắng cả về độ an toàn và hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19 do Nga phát triển. Theo ông, Nga mới chỉ hoàn tất thử nghiệm vắc xin trên 100, hoặc nhiều nhất là 300 bệnh nhân. Trong khi đó, vắc xin Covid-19 của Mỹ được thử nghiệm trên hàng chục nghìn bệnh nhân trước khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê chuẩn sản xuất hàng loạt

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar cho rằng "vấn đề không phải là ai có vắc xin đầu tiên, mà là phải có một loại vắc xin an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ và thế giới".

“Chúng tôi cần dữ liệu minh bạch và phải có dữ liệu về 3 giai đoạn thử nghiệm mới có thể chứng minh một loại vắc xin là an toàn và hiệu quả”, Bộ trưởng Azar cho biết.

ABC dẫn lời bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ, cho biết ông chưa thấy có bằng chứng nào để thuyết phục rằng vắc xin ngừa Covid-19 do Nga sản xuất đã sẵn sàng để sử dụng. Theo ông Fauci, người Mỹ cần hiểu rằng “tuyên bố từ Nga hay Trung Quốc về việc họ có vắc xin” khác với tuyên bố từ Mỹ và cần xem xét lại vấn đề an toàn.

“Việc có vắc xin và việc chứng minh vắc xin an toàn và hiệu quả là hai chuyện khác nhau”, ông Fauci nói.

Nga phản bác nghi vấn

Bên trong phòng thí nghiệm điều chế vắc xin tại Moscow. (Ảnh: Reuters)

Nga đã lên tiếng bác bỏ những lo ngại về sự an toàn của vắc xin do nước này phát triển. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko khẳng định vắc xin của Nga cho thấy hiệu quả và độ an toàn cao. Bộ trưởng Murashko nói thêm rằng tất cả tình nguyện viên đều phát triển kháng thể cao đối với Covid-19 và không ai trong số họ có các biến chứng nghiêm trọng khi được tiêm chủng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vắc xin do Viện nghiên cứu Gamaleya phát triển là an toàn và một trong những con gái của ông đã được tiêm loại vắc xin này.

"Tôi biết rằng nó hoạt động khá hiệu quả, hình thành khả năng miễn dịch mạnh và tôi nhắc lại, nó đã vượt qua tất cả các kiểm tra cần thiết", ông Putin nói trên truyền hình quốc gia Nga.

Chính quyền bang Parana của Brazil cho biết Thống đốc Ratinho Júnior dự kiến sẽ có cuộc gặp với Đại sứ Nga tại Brazil trong ngày hôm nay để thảo luận về việc sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 của Moscow. Tuy nhiên hiện chưa rõ đề xuất này có nhận được sự chấp thuận từ chính quyền Brazil hay không.

Trong khi Nga chính thức tuyên bố “chiến thắng” trong cuộc đua điều chế vắc xin Covid-19, nhiều hãng dược phẩm vẫn đang trong quá trình thử nghiệm quy mô lớn các vắc xin tiềm năng trên cơ thể người. Mỗi cuộc thử nghiệm sẽ có khoảng vài chục nghìn tình nguyện viên tham gia.

Một số hãng dược đi đầu trong cuộc đua vắc xin hiện nay gồm Moderna, Pfizer và AstraZeneca. Tất cả đều hy vọng sẽ có vắc xin ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả trước cuối năm nay.

Các hãng dược dự kiến sẽ công bố kết quả thử nghiệm cũng như dữ liệu an toàn và chuyển hồ sơ tới các nhà chức trách tại Mỹ, châu Âu và những nơi khác để xem xét, trước khi vắc xin được chính thức cấp phép.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân Trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP