Trung vệ Trần Đình Trọng vật lộn với chấn thương suốt thời gian qua |
Đầu tháng 8, trung vệ Trần Đình Trọng đã phải phẫu thuật sụn chêm lần thứ 3 và gần như chắc chắn nghỉ thi đấu đến hết năm 2020.
Trước khi liên tục dính chấn thương, cầu thủ này gần như là cái tên không thể thay thế ở hàng phòng ngự ở các lứa U cũng như ĐTQG Việt Nam.
Trong bài phỏng vấn mới đây, cựu bác sỹ tuyển Việt Nam ông Nguyễn Trọng Thủy tỏ ra khá lo lắng cho khả năng tiếp tục chơi bóng đỉnh cao của Đình Trọng sau khi hồi phục.
“Chấn thương mà Đình Trọng đang gặp phải có thể xuất phát từ việc bạn ấy trở lại thi đấu quá sớm, khi mà chấn thương cũ chưa lành và thời gian hồi phục chưa đạt mức an toàn. Điều đó khiến mọi thứ vỡ ra và bạn ấy bị nặng hơn ở phần sụn chêm.
Tôi cho rằng đội ngũ tiên lượng cho Đình Trọng đã chủ quan khi để bạn ấy thi đấu quá sớm. Về mặt lý thuyết, đầu tiên phải đánh giá được mức độ tổn thương của Trọng là nhiều hay ít.
Tưởng tượng dây chằng chéo có đứt 1000 lần và phẫu thuật 1000 lần thì nó vẫn còn nguyên 1 cọng dây chằng, nhưng sụn chêm mất đi thì sẽ vĩnh viễn không tái tạo được. Vì thế, việc quay lại với bóng đá đỉnh cao của Đình Trọng sẽ là dấu hỏi lớn”, bác sỹ Nguyễn Trọng Thủy nói.
Thực tế, trung vệ CLB Hà Nội đã quá vội vàng khi sớm quay trở lại thi đấu ở VCK U23 châu Á hồi đầu năm dù chưa bình phục hẳn.
Với tình hình như lúc này, bác sỹ Thủy cho rằng, Đình Trọng nên sử dụng các biện pháp vật lý trị liệu kết hợp với việc tiêm huyết tương giàu tiểu cầu để giải quyết chấn thương đầu gối trái.
Ngoài ra, trung vệ tài năng này cần bình tĩnh, kiên nhẫn trong tập luyện cũng như có sự trở lại theo từng giai đoạn sao cho phù hợp.
Đội ngũ y tế cũng cần phải chuẩn bị tâm lý cho những cầu thủ như Đình Trọng bởi chấn thương dây chằng là chấn thương ám ảnh nhất trong sự nghiệp cầu thủ.
Tác giả: Đình An
Nguồn tin: Báo Giao Thông