Xã hội hóa chợ
Trung tâm thương mại (TTTM) chợ Hội, thị trấn Cẩm Xuyên (huyện Cẩm Xuyên) là một trong ba chợ hạng 1 của Hà Tĩnh được đầu tư theo hình thức xã hội hóa (XHH), đã đưa vào hoạt động đầu năm 2013, do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công thương miền trung đầu tư xây dựng với số vốn 200 tỷ đồng. Thay cho chợ Hội xập xệ, xuống cấp trước đây là một TTTM khang trang, gồm 1.300 ki-ốt và hệ thống nhà hàng, mặt bằng kinh doanh văn minh hiện đại. Chị Nguyễn Thị Minh, một tiểu thương kinh doanh trong chợ và những người kinh doanh hàng vải, quần áo đều vui vẻ cho biết: Buôn bán bây giờ thuận lợi hơn trước đây nhiều, không phải lo về nguy cơ cháy nổ hay hư hỏng hàng hóa, lại thoát cảnh nắng bụi, mưa lầy. Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Công thương miền trung Phạm Anh Tuấn, chợ Hội đang xây dựng các chuỗi phân phối hàng Việt Nam chất lượng cao và phấn đấu trở thành trung tâm kết nối hàng hóa bắc Trung Bộ. XHH đầu tư chợ Hội đã thật sự làm thay đổi bộ mặt thương mại huyện Cẩm Xuyên. Cuối năm 2015, được sự hỗ trợ của tỉnh và thị xã Kỳ Anh, chủ đầu tư, doanh nhân Bạch Thị Hường đã đưa vào hoạt động TTTM – chợ thị xã Kỳ Anh quy mô hạng 1 với 1.200 ki-ốt, vốn đầu tư 160 tỷ đồng. Chợ đã tạo điểm nhấn thương mại trên địa bàn, xóa bỏ được hai chợ khác trong nội thị đã xuống cấp, vốn là điểm đen giao thông trên quốc lộ 1.
Nhờ việc tham mưu đắc lực của ngành công thương, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng chợ kịp thời nên công tác XHH đầu tư chợ trên địa bàn đã có chuyển biến rõ rệt, thu hút được nhiều DN tham gia. Điển hình về quy mô phải kể đến Tổ hợp thương mại chợ thị xã Hồng Lĩnh do Công ty TNHH Như Nam đầu tư, số vốn 470 tỷ đồng (chưa kể 100 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ mặt bằng, giao thông). Dự kiến, tháng 10-2016, tổ hợp sẽ hoạt động giai đoạn 1 (số vốn 178 tỷ đồng), gồm ba đình chợ (1.500 ki-ốt), khu chợ trời 8.000 m2, 54 nhà liền kề thương mại cùng các hệ thống phụ trợ,… Giám đốc Công ty Như Nam Đặng Ngọc Bảo cam kết sẽ bảo đảm việc kinh doanh lâu dài cho tiểu thương, với giá thuê ki-ốt hợp lý, theo quy định của tỉnh; tổ chức bốc thăm vị trí. Để thu hút khách hàng, chợ sẽ bán các loại thực phẩm sạch, đầu tư máy kiểm tra độc tố thực phẩm bán ra, bán theo giá niêm yết, sử dụng 100% bao giấy đựng hàng hóa.
Gần đây các thành phần kinh tế, nhất là hợp tác xã (HTX) tham gia đầu tư vào phân khúc chợ hạng ba khá rầm rộ, nhất là khi tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Tiêu biểu có HTX Trường Tân ở TP Hà Tĩnh đầu tư chợ Trung Đình (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) và chợ Trại ở Hộ Đỗ (huyện Lộc Hà) với tổng vốn 20 tỷ đồng, bảo đảm điều kiện kinh doanh lâu dài cho hàng trăm tiểu thương. Huyện Hương Sơn cũng có nhiều DN, HTX đầu tư và tham gia quản lý các chợ Hà Tân, Nầm, Sơn Long, Rạp, Sơn Thủy và Chùa với tổng vốn XHH hơn 25,5 tỷ đồng. Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh Trần Nhật Tân cho biết: Đây là những chợ nằm trong số 17 chợ đã hoàn thành đầu tư mới theo hình thức XHH với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 521 tỷ đồng, trong đó nguồn XHH 468 tỷ đồng (gần 90%); chưa kể bốn chợ đang đầu tư và hoàn thiện thủ tục với số vốn khoảng 359 tỷ đồng từ nguồn XHH. Hà Tĩnh còn kêu gọi các nhà đầu tư ngoài tỉnh có tiềm lực và kinh nghiệm quản lý xúc tiến đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn. Trong số này có HTX Đầu tư xây dựng quản lý kinh doanh chợ Hải An (Bắc Giang) đầu tư chợ Chiều (huyện Thạch Hà) kinh phí hơn 160 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2017.
Chuyển đổi mô hình quản lý chợ
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai hiệu quả Đề án phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng NTM, do HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết phát triển kịp thời, sát thực tế. Sở Công thương còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghiệp vụ, quản lý chợ, kinh doanh thương mại và kỹ năng bán hàng cho hàng nghìn người. Chỉ trong vài năm gần đây, Hà Tĩnh đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý sang cho HTX quản lý 73 chợ, DN quản lý bảy chợ trong tổng số 107 chợ phải chuyển đổi mô hình. Các chợ sau chuyển đổi và nhất là sau XHH đầu tư đã chuyển biến tích cực, hạ tầng thương mại đầu tư bài bản, trở thành điểm nhấn thương mại cho địa phương và tạo việc làm mới cho người dân, thu ngân sách tăng cao. Nhiều chợ đạt chuẩn NTM trong lúc ngân sách không phải bỏ tiền hoặc bỏ ra rất ít. Thí dụ, chợ TP Hà Tĩnh (hạng 1) hiện chưa chuyển đổi mô hình quản lý, Nhà nước phải “nuôi” bộ máy Ban quản lý hơn 160 người, trong khi các chợ hạng 1 khác đã chuyển đổi, Nhà nước không phải trả lương. Điều đáng nói, sau khi XHH đầu tư, các chợ đã cơ bản khắc phục được những bất cập về phòng cháy, chữa cháy; vệ sinh môi trường, thu gom rác thải,… Do có chính sách ưu đãi về giá cả, thời gian thuê ki-ốt… cho nên đã tạo điều kiện cho tiểu thương đồng thuận, hăng hái tham gia kinh doanh, buôn bán, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, làm đòn bẩy kích thích sản xuất, tiêu dùng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi mô hình hay XHH đầu tư xây dựng chợ thời gian qua ở Hà Tĩnh còn gặp không ít khó khăn. Tiến độ chuyển đổi mô hình quản lý chợ tại các địa phương, trong đó có TP Hà Tĩnh,… còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra.Thực tế cho thấy, lãnh đạo một số huyện ngại thay đổi hoặc không muốn làm vì ảnh hưởng đến lợi ích nhóm. Không ít tiểu thương lo lắng chuyển sang chợ mới phải đóng phí nhiều, sợ thay đổi địa điểm bán hàng bị mất khách,… Một số nhà ở vị trí gần chợ được hưởng lợi, khi chợ dời đi nơi khác đã phản ứng quyết liệt, thậm chí cấu kết, kích động phản đối, lôi kéo đám đông khiếu kiện vượt cấp hay chống đối, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và tiến độ triển khai chủ trương XHH đầu tư, xây dựng chợ. Nếu cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng không xử lý kịp thời, rất dễ bùng phát thành điểm nóng, như đã xảy ra ở chợ Kỳ Anh, chợ Hội hay một số chợ khác. Một số chợ chỉ giao quản lý trong thời gian quá ngắn (5 năm) cho nên các HTX không mạnh dạn đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ. Chưa kể nhiều DN, HTX thiếu kinh nghiệm, năng lực quản lý, thiếu vốn đầu tư nhưng vẫn được chọn, làm ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển đổi mô hình hay XHH đầu tư xây dựng chợ của địa phương. Hà Tĩnh cần rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện và cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để đưa hệ thống chợ, TTTM phát triển xứng tầm.
Đến năm 2020, định hướng đến 2025, Hà Tĩnh có 169 chợ, gồm bốn chợ hạng 1, chín chợ hạng 2, 156 chợ hạng 3, chấm dứt hoàn toàn tình trạng chợ tạm, chợ tự phát. Nguồn: Quyết định 4112/QĐ-UB của UBND tỉnh Hà Tĩnh |
Bài và ảnh: THÀNH CHÂU