Đặc Sản Hà Tĩnh

Chuyện cá Sú Vàng nửa tỷ và ‘bộ quy tắc ứng xử’: Bài 3

“Bắt được cá như lượm được cục vàng, vừa mừng vừa lo sợ”. Đó là tâm trạng chung của hầu hết vạn chài ven sông Lam từ xưa đến nay.


>>Mẻ lưới Sú Vàng nửa tỷ của ông bí thư chi bộ


>>Huyền thoại về cá Sú Vàng trên sông Lam



Bán cá ngay trên sông


Như là “bộ quy tắc ứng xử” đã được mặc định, ngư dân hễ bắt được Sú Vàng đều muốn bán càng nhanh càng tốt, càng bí mật càng đỡ lo.


“Vua bắt cá Sú” Đậu Xuân Lới (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) truyền đạt: bắt cá Sú Vàng phải nhanh, không nó phá lưới đi mất; bán cá Sú Vàng phải… gọn, không lắm kẻ tăm tia vào phiền nhiễu.


Ông Lới kể lại thời ông bắt được con Sú Vàng nặng tới 67kg. Mấy cha con đưa lên thuyền rồi gánh về nhà trong sự “kinh hãi” của hàng xóm và “thèm thuồng” của nhiều kẻ đố kỵ.


Cá về đặt giữa sân, người xem chen chân đứng chặt như nêm. Chủ nhà bối rối khi nhận món tiền khủng 170 triệu (thời điểm năm 1997) trước cả trăm người.


Sau đó, đương nhiên “khổ chủ” phải tự “biết điều” trích một món tiền khá lớn để “chia lộc” cho những đối tượng cần phải chia, mới mong được ổn định. Tuy nhiên việc này cũng phải ý nhị vì dễ gây “bạo động”.


Tháng 11/2007 (âm lịch), anh Nguyễn Văn Bình (xóm Trường Lam, Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và vợ may mắn bắt được con cá Sú Vàng nặng 51kg. Ngay trong đêm, sau khi kéo cá lên, 2 vợ chồng lẳng lặng chèo thuyền thẳng sang Nghệ An rồi bắt mối bán cá (hơn nửa tỷ). Thế nhưng khi vừa về đến nhà, hàng chục người đã đợi sẵn trong sân để “hỏi chuyện”.


Đương nhiên sau đó, anh Bình phải “dàn xếp” để ổn thỏa tình hình!


Xông vào nhà đòi “chia lộc”


Kể lại chuyện “hậu” bán cá Sú Vàng, anh Nguyễn Văn Bình (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tặc lưỡi: May mắn thật đấy, nhưng cũng mất ăn mất ngủ cả tháng trời.


cá Sú Vàng, quy tắc ứng xử, dân chài, xứ Nghệ, sông LamNhiều năm qua, dân chài xứ Nghệ không còn bắt gặp bóng dáng Sú Vàng trên sông Lam nữa.


Anh kể, mặc dù đã trích tiền để “chung vui” với người thân và xóm giềng tử tế, nhưng mấy đêm đầu vợ chồng con cái không sao ngủ được. Biết gia chủ vừa có món tiền lớn, từng tốp người vừa quen vừa lạ mặt chốc chốc lại gõ cửa “xin” tiền.


“Bọn họ vào viện đủ lý do để lấy tiền của vợ chồng tui. Không cho không được, mà cho tốp này lại có tốp khác, khổ hết nỗi” – anh Bình kể lại.


Phân phát không nổi, vợ chồng anh chọn kế “tử thủ”, đóng chặt cửa để ngủ. Thế nhưng câu chuyện càng kinh hãi. Bên ngoài, nhiều tiếng la hét om sòm đòi phá cửa.


“Công an xã và xóm dẹp được một tý chúng lại đến. Thậm chí chúng còn đạp cửa xông vào nhà giữa đêm. Chúng cải trang, đeo mặt nạ rồi xin tiền” – anh Bình kể lại những câu chuyện khó tin.


Ông Nguyễn Văn Thành (Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An) cũng từng trải qua những giây phút “nhạy cảm” khi cùng con cháu khiêng cá về nhà và ngã giá với thương lái trước sự chứng kiến của cả trăm người.


“Lúc đó, nhận món tiền quá lớn, lại trước chốn đông người, tui vừa mừng vừa run. Rất may là công an xã và lãnh đạo xóm đã bố trí xuống. Vả lại, người dân ở đây cũng rất trật tự nên không có chuyện xấu xảy ra” – ông Thành nhớ lại.


Tuy nhiên, sau đó ông Thành và gia đình cũng làm những “nghĩa vụ” cần thiết để “đáp lễ” xóm giềng và các thành phần khác.


Nói về “sức ép” sau khi nhận tiền bán cá, vài người dân vùng Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vẫn còn truyền tai câu chuyện một đôi vợ chồng trẻ ở Xuân Phổ, do lo sợ đã phải bỏ nhà ra Hà Nội mấy tháng trời mới dám quay về!

Theo các tài liệu, cá Sú Vàng (hoặc Sủ Vàng) còn được gọi là Cá sủ kép vây vàng, Cá Đường, Cá thủ vây vàng, Cá sủ giấy, danh pháp khoa học đầy đủ là Otolithoides biauritus. Loài cá này phân bố nhiều ở vùng biển Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.


Cá Sú Vàng sinh sống ở biển, đến mùa đẻ (tháng 1 – 4 và 9 – 10 âm lịch) sẽ vào các vùng cửa sông nước lợ cặp đôi và đẻ. Cá con ngược lên vùng nước ngọt sâu trong đất liền sống và sau khoảng 1 – 2 năm sẽ dần tìm ra biển (khi đã đạt trọng lượng lớn hơn 10 kg).


Trọng lượng đánh bắt được tại phía Bắc Việt Nam dao động trong khoảng 2 – 135 kg. Chiều dài tối đa có thể đạt được là 160cm. Cá Sú Vàng là loài cá đặc biệt quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường thế giới. Người Trung Quốc mua để làm chỉ khâu vi phẫu thuật nên giá cao.



Cao Thái

VNN

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP