Trong lúc kiểm tra phương tiện trên xa lộ Hà Nội, quận 2 (TP.HCM), vào chiều 23/7, Đội CSGT Cát Lái phát hiện chiếc Mercedes GLS đậu sai quy định. Lực lượng chức năng kiểm tra nhưng tài xế đóng cửa bỏ đi.
Một lúc sau, người đàn ông tên Cường xuất hiện nhận là chủ chiếc xe và không chịu bước xuống làm việc. "Anh không rời được, cái xe của anh là 5,2 tỷ. Bọn em (CSGT - BTV) làm đúng pháp luật, em cẩu xe thì anh đồng ý. Tài sản của anh một đống đây, em bảo anh xuống xe, anh xuống làm sao được", người tên Cường nói khi cảnh sát yêu cầu anh ta rời phương tiện để cẩu xe về đồn.
"Nếu Trung (CSGT) cam kết chịu tất cả trách nhiệm liên quan đến tiền bạc của anh, xe của anh thì anh đồng ý. Xuống làm sao được, 5 tỷ mấy của anh làm sao xuống được", người tên Cường kiên quyết không xuống xe.
Ngay sau đó, CSGT đã tiến hành cưỡng chế, niêm phong ôtô và cẩu xe về đồn.
Yêu cầu chủ xe ra khỏi ôtô là phù hợp
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết quy trình tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông được quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Cụ thể, khoản 1 điều này quy định việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết: Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
"Theo quy định này, nếu có căn cứ ra quyết định xử phạt thì CSGT không được quyền cẩu xe. Tuy nhiên, tài xế rời khỏi hiện trường, chủ xe lại không hợp tác, nên việc cẩu xe là có căn cứ. Việc yêu cầu người trên xe xuống ôtô để cẩu phương tiện an toàn là phù hợp", luật sư Hưng nêu quan điểm.
Người đàn ông tên Cường kiên quyết không xuống xe. Ảnh: An Huy. |
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng nhằm đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, ngay tại thời điểm phát hiện vi phạm và tiến hành kiểm tra, nếu chủ xe không có mặt thì CSGT có thể gọi xe cẩu đến.
Khoảng thời gian này có thể tùy vào sự linh động của người có thẩm quyền xử phạt do hiện không có quy định cụ thể chủ xe vắng bao lâu thì cẩu xe. Thông thường, CSGT có thể dùng loa thông báo khoảng 15-20 phút, nếu không có chủ xe đến thì phải cưỡng chế.
Phải bồi thường nếu tài sản thiệt hại
Đối với trường hợp người vi phạm không đồng ý cho cẩu vì trong xe có tiền mặt hoặc tài sản giá trị lớn, theo luật sư Hùng, trước khi tiến hành cẩu xe, lực lượng chức năng phải niêm phong, lập biên bản ghi nhận hiện trạng…
Quá trình cẩu phải đảm bảo an toàn, thậm chí là phải trông coi phương tiện, nếu có mất mát hư hỏng thì người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Luật sư Hưng chỉ ra Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu.
Theo luật sư Hưng, nếu tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu, phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Cường bị buộc xuống xe để giao phương tiện cho lực lượng chức năng cẩu về đồn. Ảnh: An Huy. |
Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ phải được niêm phong thì cần tiến hành ngay trước mặt người vi phạm; nếu người vi phạm vắng, phải tiến hành niêm phong trước mặt đại diện gia đình, đại diện tổ chức, đại diện chính quyền và người chứng kiến.
Luật sư Hưng cho rằng trong các tình huống này, CSGT cần làm đúng điều lệnh, điều lệ và tôn trọng người dân. Tuy nhiên, CSGT cũng cần có biện pháp mạnh tay, như cưỡng chế với người không hợp tác.
Về phần người vi phạm thì cần chấp nhận theo quy định. Nếu chứng minh CSGT làm sai, có quyền khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có.
Tác giả: Hoài Thanh
Nguồn tin: zing.vn