Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kêu gọi đồng bào cả nước tiếp tục ủng hộ bà con lũ lụt miền Trung. (Ảnh: Việt Hưng)
Chủ tịch Quốc hội đề cập, kỳ họp thứ 2 diễn ra trong thời điểm đồng bào miền Trung đang nỗ lực khắc phục hậu quả nghiêm trọng do bão lũ gây ra. Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát và gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào vùng bị nạn.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành cũng như tinh thần chủ động và nỗ lực cao của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương đã kịp thời ứng phó trong cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống bão lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
“Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ cả về vật chất và tinh thần, khắc phục hậu quả, giúp nhân dân các địa phương bị nhiều thiệt hại sớm ổn định sản xuất và đời sống” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh ý nghĩa kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá mới đứng trước đòi hỏi rất cao về việc thực hiện nhiệm vụ quyết sách những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, Chủ tịch Quốc hội phân tích, 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, năm bắt đầu kế hoạch 5 năm 2016 – 2020.
Đất nước đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Quốc hội phải quyết tâm cao, có những giải pháp quyết liệt, đột phá để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kiểm soát nợ công, xử lý nợ xấu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tập trung vào ngân hàng thương mại, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đi qua quảng trường Ba Đình, trở lại Quốc hội để bắt đầu buổi làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 2. (Ảnh: Việt Hưng)
Tại kỳ họp này, chương trình làm luật của Quốc hội rất nặng. Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua 4 luật, 1 Nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác, trong đó có nhiều luật, nghị quyết quan trọng, điều chỉnh những lĩnh vực được dư luận đặc biệt quan tâm như: Luật về hội, Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015…
Về lĩnh vực kinh tế, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Theo thông lệ, kỳ họp cuối năm cũng là thời gian để Quốc hội xem xét, đánh giá công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; xem xét các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 và một số báo cáo chuyên đề khác.
Về công tác giám sát, Quốc hội xem xét “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và xem xét, thông qua Nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, nghe báo cáo kiến nghị cử tri; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu nêu cao trách nhiệm, phát huy trí tuệ để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, thực hiện trách nhiệm với cử tri.
P.T