Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011 với tổng số thu cân đối xấp xỉ 963.000 tỷ đồng. Tổng số chi là 1,03 triệu tỷ đồng (bao gồm cả chi chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012).
Dù ghi nhận, kết quả thu ngân sách là “nỗ lực rất lớn”, cơ quan thẩm tra (UB Tài chính – Ngân sách) chỉ ra hạn chế là số thu NSNN vượt dự toán chủ yếu từ yếu tố khách quan, nhất là do giá cả tăng (chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 tăng 18,13% so với năm 2010, giá dầu thô tăng 28 USD/thùng so với giá dự toán, tỷ giá tính thuế thực tế cao hơn tỷ giá khi xây dựng dự toán).
Bên cạnh đó, tăng thu còn nhờ việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu và tăng thu các khoản về nhà đất. Thu từ sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu. Điều này phản ánh thu NSNN tuy tăng cao nhưng chưa bắt nguồn từ nội lực kinh tế và chưa thực sự vững chắc.
Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước 2011 là hơn 110.000 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP, thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao (5,3%).
Đây là những số liệu đã được kiểm toán và UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội công nhận qua quá trình thẩm tra. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB thẩm tra Phùng Quốc Hiển lưu ý: “Mặc dù giảm được bội chi, song các khoản chi ứng trước, nợ tạm ứng, thiếu hụt nguồn hoàn thuế đã làm cho kết quả giảm bội chi không có nhiều ý nghĩa về tài khoá”.
Trong khi đó, tổng số dư nợ công (tính đến 31/12/2011) bằng 54,9% GDP, tăng khá cao (24,8%) so với năm 2010, dù vẫn nằm trong giới hạn an toàn.
Một vấn đề khác được Kiểm toán Nhà nước lưu ý là việc nợ phải trả nước ngoài dùng để cho vay lại (cũng tính đến 31/12/2011) tương đương 12,55 tỷ USD, tăng 1,45 tỷ USD (12%) so với 2010, trong bối cảnh hầu hết các dự án được cấp bảo lãnh chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu trên 20% tổng số vốn đầu tư dự án theo quy định tại thời hạn cấp bảo lãnh. Một số dự án được cấp bảo lãnh nộp phí bảo lãnh chậm, chưa đầy đủ, một số dự án khả năng hoàn trả vốn vay kém vẫn được cấp bảo lãnh nên dẫn đến việc ứng trả nợ thay cho các dự án được cấp bảo lãnh tiếp tục có xu hướng gia tăng…
Bình luận về các con số báo cáo mức thu tăng đến 21,3% (vượt 126.804 tỷ đồng) đi liền với tăng chi (tới 8,5%, ợt 61.954 tỷ đồng), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi tăng thu, tăng chi, tăng nợ thế có hay không?
“Tăng thu 21,3% mà tóm lại là vẫn tăng nợ, điều hành như thế là không được, phải rút kinh nghiệm. Tăng thu lẽ ra phải giảm nợ chứ” – ông nhấn mạnh.
P.Thảo
Dân Trí