Điện thoại cũ thậm chí được bán lẫn giữa nhiều vật dụng khác như thắt lưng, kính mát, radio cũ. Do trời quá nóng, mọi người nhanh tay lựa chọn cho mình món hàng ưa thích rồi nhanh chóng rời đi. Theo một chủ hàng, người mua chủ yếu là học sinh, sinh viên, thợ sửa chữa, đôi khi có cả những người sưu tầm đồ cổ.
Bên cạnh điện thoại còn sử dụng được, người ta còn bày bán cả những thiết bị hư hỏng. Theo chị Thanh, chủ một sạp hàng tại đây, những người mua đồ hỏng hầu hết là thợ sửa chữa, hoặc sinh viên các khoa điện tử ở một số trường đại học. Họ mua về lấy linh kiện là chủ yếu.
Bên cạnh Nhật Tảo, điện thoại cũ còn được bày ở nhiều đường khác như Nguyễn Kiệm. Những người hay lui tới đây thường gặp một cụ ông xách theo chiếc giỏ, trên đó là hàng chục điện thoại “cục gạch” cách đây hơn thập kỷ vẫn còn sử dụng được, thậm chí nếu may mắn, bạn sẽ tìm được một chiếc Sony Ericsson P1i còn nguyên bút cảm ứng đi kèm, hay chiếc Siemens SK65 có thiết kế xoay tựa hình cánh quạt… với giá chỉ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Một sạp hàng được sắp xếp khá sơ sài. Theo một người bán, mỗi ngày họ bán được một đến hai chiếc, hôm nhiều thì khoảng 4 – 5 chiếc.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là người mua đã tìm kiếm được thứ mình cần. Hoài Nam, một sinh viên khoa Điện tử Viễn thông Đại học Sài Gòn, cho hay anh đã tìm được chiếc điện thoại Motorola cổ mình thích và tìm được rất nhiều linh kiện điện tử trong các thiết bị tưởng chừng như vứt đi này. “Nếu mua mới, chắc chắn túi tiền sinh viên là không đủ”, anh nói.