Trong nước

Chính thức phê duyệt tách MobiFone khỏi VNPT

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết Thủ tướng đã thông qua đề án tái cơ cấu VNPT theo hướng tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn này.

“Thủ tướng và các cơ quan tham mưu đã làm việc rất thận trọng. Chiều qua, Thủ tướng đã thông qua đề án tái cơ cấu VNPT theo hướng tách MobiFone ra khỏi VNPT. Bộ TT&TT sẽ đại diện chủ sở hữu của VNPT và công ty viễn thông di động MobiFone. Thủ tướng cũng chỉ đạo nhanh chóng cổ phần hóa đúng lộ trình”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Có thể nói, tái cơ cấu VNPT là vấn đề được xã hội quan tâm trong suốt thời gian qua, vì đề án này ảnh hưởng không chỉ 4,5 vạn cán bộ công nhân viên chức của VNPT mà còn có tác động tới hàng chục triệu người đang sử dụng dịch vụ của MobiFone và Vinaphone.

MobiFone, VNPT, phê duyệt, Chính phủ
Phiên họp Chính phủ ngày 1/4 (Ảnh: Chính phủ.vn)

Trước đó, cũng tại phiên họp báo Chính phủ tháng 3/2014, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông báo đã có kết luận về Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, trên tinh thần “đồng ý với đề nghị” của Bộ TT&TT.

“Chiều qua, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan báo cáo tình hình, đồng thời đã đưa ra kết luận cuối cùng cho đề án.Tinh thần chung, Chính phủ đồng ý theo đề nghị của Bộ TT&TT là tách phần viễn thông di động ra để chuẩn bị cho cổ phần hóa đúng theo lộ trình, kế hoạch. Phần còn lại tiếp tục củng cố làm sao cho cả 2 cùng mạnh, tiếp tục giữ thương hiệu và phát triển ngày càng tốt hơn”, Bộ trưởng Nên trả lời báo giới. Ông cũng cho biết sẽ có văn bản chính thức trong thời gian sớm nhất về vấn đề này.

Như vậy là sau nhiều lần trình nhưng chưa được phê duyệt, cũng như nhiều kịch bản được đặt ra như nên tách mạng nào, giữ mạng nào ở lại VNPT, cuối cùng thì dư luận cũng đã thở phào với kết quả “chung kết” của một trong những đề án Tái cơ cấu quan trọng nhất, được quan tâm nhất hiện nay. Một khi đi vào thực tế, đề án Tái cơ cấu VNPT sẽ có thể làm thay đổi toàn bộ cục diện thị trường viễn thông VN hiện nay, thậm chí là mang đến sự đột phá mới.

Quyết định tách MobiFone được đông đảo giới chuyên gia nhận định là hợp lý, bởi như chính lời giải thích của ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT thì Tập đoàn này đã tiến hành phân tích rất kỹ việc nên tách mạng nào trong quá trình xây dựng Đề án, đánh giá ưu và nhược điểm của từng lựa chọn trên góc độ tài chính, kinh tế, sự ảnh hưởng đến khách hàng…. Sau nhiều lần tham vấn và thảo luận cùng Bộ TT&TT, hai bên đã đã thống nhất tách MobiFone cùng một số đơn vị khác. Lựa chọn này vừa đảm bảo cho MobiFone có thể tiếp tục phát triển, vừa tạo điều kiện cho phần còn lại của Tập đoàn VNPT, trong đó có mạng VinaPhone phát triển lành mạnh.

Có chung quan điểm với vị đại diện VNPT, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cũng chia sẻ rằng tách MobiFone sẽ có nhiều điểm lợi như mạng này đang có sẵn thương hiệu khá mạnh. Một khi tách ra, MobiFone sẽ có thể tiến hành cổ phần hóa nhanh hơn, giúp tăng tốc cho chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp trọng yếu của Chính phủ. Hơn nữa, MobiFone đang hoạt động khá độc lập với Tập đoàn so với doanh nghiệp còn lại là VinaPhone. Một doanh nghiệp mạnh như MobiFone cũng sẽ sớm vượt qua các khó khăn ban đầu để ổn định hoạt động, kinh doanh và trở nên tương đối mạnh để cạnh tranh với hai doanh nghiệp viễn thông lớn là Viettel, VNPT (tức VinaPhone), tạo nên thế chân vạc cho thị trường viễn thông.

Bản thân VNPT sau khi tách MobiFone và một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả cũng sẽ trở nên năng động hơn, thích ứng nhanh hơn với môi trường cạnh tranh hội nhập.

Ngược lại, việc cổ phần hóa Vinaphone sẽ gặp nhiều khó khăn khi định giá doanh nghiệp, bởi đây vốn là doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc, tài sản có nhiều đan xen cùng hệ thống VNPT địa phương. Thêm nữa, Vinaphone chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoạt động kinh doanh độc lập, chưa từng quản lý một mạng thông tin di động hoàn chỉnh. Hệ thống bán hàng, cung cấp dịch vụ hiện nay đang phải dựa nhiều vào lực lượng và cơ sở vật chất của các VNPT tỉnh, thành phố. Do đó việc tách Vinaphone ra khỏi Tập đoàn để thành lập một doanh nghiệp viễn thông mới, độc lập, có sức vươn, cạnh tranh ngang bằng với Mobifone và Viettel sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian mà khả năng thành công vẫn là một ẩn số.

Ngày 17/7/2012, Thủ tướng CP đã ký Quyết định số 929 về việc phê duyệt đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015″. Trên cơ sở này, Bộ TT&TT đã tập trung chỉ đạo Tập đoàn VNPT xây dựng đề án tái cơ cấu, theo hướng tách một trong hai mạng MobiFone hoặc VinaPhone ra khỏi VNPT, tuân thủ đúng quy định về sở hữu chéo của pháp luật về viễn thông. Tuy nhiên, việc trình đề án hoàn thiện lên Chính phủ đã bị chậm vì đề án phải qua chỉnh sửa nhiều lần. Câu hỏi lớn nhất cho đến phút cuối vẫn là nên tách MobiFone hay Vinaphone, dù xét trên nhiều phương diện, MobiFone là phương án ưu việt hơn.

Bản thân doanh nghiệp cũng tỏ ra sốt ruột vì tương lai “dùng dằng” này. Ông Lê Ngọc Minh, Phó tổng giám đốc VNPT kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone có tâm sự thẳng thắn rằng doanh nghiệp này đã hoàn toàn sẵn sàng, chủ động nếu phương án VNPT đề xuất được Chính phủ phê duyệt. “MobiFone không chỉ là một tổ chức đã thành danh mà còn có quy mô doanh thu, lợi nhuận tương đối lớn, nhân lực ổn định, đông đảo, cạnh tranh tốt trên thị trường”. “Một doanh nghiệp như vậy có nhu cầu tự chủ, độc lập ngày càng cao để có thể chủ động phát triển, tìm kiếm đa dịch vụ”. Trong thời gian chờ đợi “số phận” được quyết định, doanh nghiệp rất khó xây dựng các chiến lược kinh doanh, ổn định tâm lý cho người lao động.

Sẽ đẩy nhanh cổ phần hóa

Trước quan ngại của một số chuyên gia về việc MobiFone sau khi tách khỏi VNPT lại quay về kịch bản Nhà nước sở hữu 100% vốn, ông Phạm Hồng Hải khẳng định, quan điểm của Bộ TT&TT là tách MobiFone chính là để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa. Sau khi được Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT, Bộ sẽ chỉ quản lý MobiFone về mặt nghiệp vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, giống như đang quản lý các DN khác, như kết nối giữa các DN viễn thông, giá cước, chất lượng dịch vụ viễn thông mà thôi.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng khẳng định Bộ rất quyết tâm trong việc cổ phần hóa.” Tiến trình cổ phần hoá Mobifone sẽ sớm được diễn ra theo Quyết định số 528/QĐ-TTg ngày 14/6/2005, cũng như yêu cầu có tính tiên quyết về cổ phần hoá DNNN thể hiện trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ lớn mạnh, hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào tiến trình tái cơ cấu DNNN, góp phần đem lại hiệu quả và lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp, cho đất nước”.

Theo Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã xác định thị trường viễn thông có ít nhất 3 doanh nghiệp lớn, trụ cột để đảm bảo duy trì sự cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững. Đây là một định hướng phù hợp với thông lệ thế giới và người dùng cũng như doanh nghiệp đều được lợi từ sự cạnh tranh này.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh việc tách MobiFone ra để cổ phần hóa là “chuyện rõ ràng” và thị trường hiện đang ở thời điểm cực kỳ quan trọng: Tái cơ cấu không chỉ là chuyện bắt buộc mà còn mang tính sống còn, nếu như Việt Nam không muốn bị lạc hậu về công nghệ viễn thông, kìm hãm lợi ích của người dùng và va chạm với thông lệ quốc tế khi hội nhập. “Việc tái cơ cấu, sắp xếp lại thị trường phải trên nguyên tắc: không lấy việc bảo vệ một người chơi trên thị trường làm chính mà phải tạo ra được áp lực cạnh tranh cho những người chơi đó”, ông Thành phân tích. Tại thời điểm này, MobiFone cần cổ phần hóa để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đổi mới công nghệ và quay lại gây áp lực cho hai ông lớn còn lại. Chỉ như vậy thì thị trường mới có sự cạnh tranh đích thực, theo đúng quy luật kinh tế thị trường.

  • Trọng Cầm/ VNN

  Từ khóa: tách , MobiFone , phê duyệt , VNPT , chính thức

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP