Tại cuộc họp báo giới thiệu Nghị quyết 36a về chính phủ điện tử mới được ban hành chiều qua, 20/10, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ Vi Quang Đạo cho biết, Thủ tướng, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ thường xuyên có ý kiến yêu cầu đơn vị làm sao tổ chức “phủ sóng” thông tin Chính phủ rộng rãi hơn.
“Trên tinh thần đó, từ tháng 10 vừa rồi, trang thông tin điện tử Chính phủ (www.chinhphu.vn) đã thử nghiệm trên facebook một trang web tin tức/phương tiện có tên “Thông tin Chính phủ”. Trước đó, cũng trên facebook, chúng tôi đã thử nghiệm “Diễn đàn Cạnh tranh Quốc gia” – ông Đạo cho biết.
Những thông tin đưa lên facebook chủ yếu là các thông cáo báo chí, các thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, cũng như một số hoạt động của Chính phủ. Lâu nay, những thông tin này vẫn được gửi mail cho báo chí nhưng mỗi báo chỉ khai thác một phần theo nhu cầu của mình.
Facebook “Thông tin Chính phủ” sẽ đăng toàn văn các văn bản để cộng đồng facebooker, người sử dụng internet và toàn thể mọi người quan tâm được biết, được tiếp cận.
Ông Đạo cũng cho biết kế hoạch “dài hơi” để truyền thông trên facebook. Theo đó, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã làm việc với đại diện facebook tại Việt Nam để tìm hiểu các ứng dụng trên mạng xã hội này. Tới đây, tùy vào kết quả thử nghiệm, Chinhphu.vn sẽ lập dự án, hợp tác chính thức với facebook để khai thác ứng dụng này để thông tin tuyên truyền rộng rãi hơn về hoạt động của Chính phủ.
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà trao đổi cụ thể về chương trình Chính phủ điện tử triển khai theo Nghị quyết 30a mới ban hành. Nghị quyết đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng Chính phủ thiết lập mạng xã hội – chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Xác định là “phải làm” mạng xã hội để tăng khả năng tương tác giữa chính quyền với người dân, ông cho biết, việc triển khai trên thực tế không dễ dù ý tưởng đã có.
Việc Chính phủ ra Nghị quyết 30a để phát triển Chính phủ điện tử được xem là quyết tâm “nối lại” Đề án 112 về tin học hóa hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã vướng lùm xùm trước đây mà Trưởng ban điều hành đề án Vũ Đình Thuần phải nhận án tù vì làm sai phạm, thất thoát nhiều tiền bạc của nhà nước trong quá trình triển khai đề án.
Giờ, thay vì giao Văn phòng Chính phủ đứng ra xây dựng các phần mềm để kết nối với các địa phương, đồng thời các địa phương cũng phải sử dụng chung các phần mềm để quản lý văn bản, giấy tờ như thời làm Đề án 112, Chính phủ phân công nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương với mục tiêu, tiêu chí cụ thể để đánh giá chính phủ điện tử. Còn lại phần mềm hệ thống, phần cứng thiết bị là để các cấp tự mua sắm và tổ chức để doanh nghiệp CNTT tham gia.
Việc phát triển chính phủ điện tử, theo đó, sẽ tập trung vào ba nhóm lĩnh vực: nhóm liên quan trực tiếp tới số đông như đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường; nhóm tạo tác động sâu rộng như quản lý doanh nghiệp, đầu tư; và nhóm hoạt động dễ phát sinh tiêu cực như thuế, hải quan, dịch vụ công…
Và trang facebook “Thông tin Chính phủ” là một phần trong chương trình phát triển Chính phủ điện tử theo tinh thần của Nghị quyết 30a lần này.
P.Thảo/ Dân Trí