Giáo dục

Chia đôi sĩ số, tuần học 3 buổi để đảm bảo ngồi cách nhau 2 m

Nhiều trường cho biết sẽ chia nhỏ lớp học hoặc xen kẽ học trực tuyến và ở lớp để đảm bảo giãn cách 2 m.

Theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn TP.HCM, mật độ học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên tập trung trong phòng sinh hoạt, làm việc đáp ứng từ 2 m2 trở lên.

Để đảm bảo đủ an toàn cho học sinh đi học trở lại, nhiều trường xoay xở, tìm biện pháp. Trong khi đó, một số trường gặp khó khăn về cơ sở vật chất, giáo viên.

Theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn của TP.HCM, khoảng cách trẻ em, giáo viên, cán bộ nhân viên ngoài phòng sinh hoạt, phòng làm việc, phải từ 2 m trở lên. Ảnh: Quỳnh Trang.


Chia nhỏ lớp để đảm bảo giãn cách

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Trung Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Đạo (quận 5, TP.HCM), cho hay dù khó khăn, trường đang bàn bạc nhiều phương án thực hiện đúng quy định khoảng cách giữa học sinh trong lớp.

Trước mắt, thầy Hải đưa ra 2 phương án. Nếu không thực hiện bán trú, trường Minh Đạo sẽ chia mỗi lớp thành 2 lớp nhỏ, tương ứng khoảng 20 em/lớp. Một nửa học buổi sáng, nửa còn lại học buổi chiều.

Nếu thực hiện bán trú, trường không có phòng học để chia lớp. Do đó, khả năng, trường vẫn chia nhỏ lớp học nhưng chỉ cho các em đi học 3 ngày/tuần.

“Dù biết như vậy rất cực nhọc cho giáo viên, chúng tôi không còn cách nào khác. Thời gian đầu, thầy cô phải dạy nhiều hơn. Chúng tôi cũng cố gắng thực hiện tốt những tiêu chí khác”, thầy Hải nói.

Trong khi đó, cô Vũ Thị Xuân Dung, Hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM), thông tin trước khi có Bộ tiêu chí an toàn trường học, trường tính đến phương án giãn cách khi đón học sinh đến lớp.

“Chúng tôi đã chuẩn bị khi có thông tin TP.HCM dự định cho học sinh lớp 12 đến trường ngày 9/3. Nhà trường họp bàn giáo viên và đại diện phụ huynh học sinh về các biện pháp giãn cách, chia giờ học, giờ vui chơi”, Hiệu trưởng Xuân Dung chia sẻ.

Sau đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh chưa đi học. Đầu tháng 5, nếu học sinh trở lại lớp, trường áp dụng biện pháp đã chuẩn bị trước đó.

Cô Dung nói thêm trong trường hợp chỉ lớp 12 đi học, 15 lớp được chia nhỏ với 30 phòng. Mỗi học sinh ngồi một bàn riêng, đảm bảo khoảng cách 2 m.

Nhà trường huy động thêm giáo viên khối 10, 11 hỗ trợ trong các giờ bài tập nếu thầy cô khối 12 không thể kham nổi. Vấn đề này, các tổ bộ môn bàn bạc và giáo viên đăng ký.

Thêm vào đó, trường THPT Bùi Thị Xuân còn chia 15 lớp 12 ra thành ba nhóm. Mỗi nhóm đi học cách nhau 15 phút để kiểm tra thân nhiệt.

Giờ ra chơi của các nhóm lớp cũng cách nhau 15 phút. Thời gian ra chơi rút ngắn còn 15 phút thay vì 25 phút như trước đây. Giờ tan trường của các nhóm lớp này cũng cách nhau tương ứng giờ đi học.

Theo hiệu trưởng trường Bùi Thị Xuân, nếu cả 3 khối lớp 10, 11, 12 đồng loạt đi học lại, trường ưu tiên khối 12 đi học đầy đủ từ sáng thứ hai đến thứ bảy. Buổi chiều, khối 10, 11 học xen kẽ, mỗi khối đi học 3 buổi/tuần kết hợp với học trực tuyến ở nhà.

THCS - THPT Phạm Ngũ Lão (Gò Vấp, TP.HCM) cũng đang chuẩn bị các điều kiện đảm bảo an toàn, sẵn sàng đón học sinh trở lại sau thời gian nghỉ vì dịch Covid-19.

Liên quan yêu cầu thực hiện giãn cách, Hiệu trưởng Phạm Xuân Trường chia sẻ trường có thể sắp xếp để đảm bảo mật độ theo bộ tiêu chí.

“Là trường ngoài công lập, Phạm Ngũ Lão có sĩ số học sinh mỗi lớp không nhiều, khoảng 30 em. Phòng học cũng rộng. Chúng tôi có phòng trống để chia đôi lớp học”, ông Trường thông tin.

Ông nói thêm nếu làm vậy, giáo viên sẽ vất vả hơn. Nhưng trong thời kỳ khó khăn, tập thể trường THCS - THPT Phạm Ngũ Lão sẽ cố gắng để đảm bảo việc học cho học sinh. Dù vậy, việc đảm bảo giãn cách tại các trường công lập sẽ khó hơn do số lượng học sinh đông, phòng học ít.

Nhờ sĩ số học sinh mỗi lớp không lớn, trường Phạm Ngũ Lão có đủ phòng học để chia nhỏ lớp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các em. Ảnh: Nguyễn Sương.


Hà Nội chỉ thực hiện giãn cách được với học sinh lớp 9, 12

Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Mê Linh (quận 3, TP.HCM), chia sẻ dù rất muốn, nhà trường khó đảm bảo những tiêu chí về mật độ, khoảng cách giữa học sinh, giáo viên, nhân viên trong một phòng học theo bộ tiêu chí an toàn của TP.HCM.

Ông đồng ý nên có quy định như vậy để đảm bảo an toàn cho người học. Căn cứ đó, các trường cố gắng phấn đấu đạt được và sẽ rất tốt nếu đảm bảo theo bộ tiêu chí.

Song về phía trường mình, ông Hùng cho hay trường Mê Linh không đủ phòng học và giáo viên để chia nhỏ lớp. Việc kê, đóng vách ngăn giữa các học sinh, trường cũng không khả thi.

“Đóng vách ngăn đâu dễ. Cả trường có bao nhiêu phòng học, mỗi phòng bao nhiêu bàn ghế. Trường không đảm bảo được tiêu chí này, sẽ cố gắng thực hiện tốt tiêu chí khác như vệ sinh, bồn rửa tay, cho học sinh đeo khẩu trang, phòng cách ly... để có thể mở cửa trường trở lại”, ông Hùng nói.

Không chỉ tại TP.HCM, quy định giãn cách học sinh tối thiểu 1,5 m khi đi học trở lại cũng gây khó cho các trường ở Hà Nội.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết nếu cho học sinh tất cả khối lớp đi học trở lại, các trường ở khu vực nội thành khó đảm bảo học sinh cách nhau tối thiểu 1,5 m khi học trong lớp.

Vì không có biện pháp khả thi, trong kịch bản tham mưu với UBND thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất giai đoạn đầu chỉ cho học sinh lớp 9 và 12 đến lớp. Như vậy, các trường có đủ phòng, giáo viên để chia nhỏ lớp, đáp ứng việc dạy, học, đồng thời đảm bảo giãn cách theo quy định.

Các khối lớp khác vẫn duy trì việc học online, qua truyền hình, chờ đến khi tình hình dịch ổn định. Lúc đó, việc dạy, học diễn ra bình thường, không cần giãn cách.

Ông giải thích các trường khu vực nội thành Hà Nội đều học hai ca. Nếu giãn cách, mỗi lớp học chia ít nhất thành 2 lớp. Như vậy, trường không thể đủ số phòng.

Ngoài ra, hiện tại, đội ngũ giáo viên cũng đủ theo quy định. Việc chia lớp thành 2 sẽ cần gấp đôi giáo viên, khó thực hiện.

Ông Tiến nói thêm ý tưởng cho học sinh học xen kẽ ở nhà và tại trường, học cả ngày và tối, cũng là một phương án. Như vậy, một tuần, các em có thể học 3 buổi ở trường, các buổi còn lại học ở nhà theo hình thức trực tuyến và qua truyền hình.

“Hiện nay, học sinh Hà Nội học theo hình thức như vậy. Chúng tôi đánh giá là hiệu quả”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Tác giả: Nguyễn Sương-Minh Nhật

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP