Quá trình thí điểm đã cho thấy sự cần thiết, tính thực tiễn và khả thi của PAR Index, song để áp dụng thống nhất cho các bộ, tỉnh, TP thì cần được hoàn thiện hơn nữa bảo đảm tính thực chất, khách quan, chính xác.
Công cụ quản lý, đánh giáViệc áp PAR Index thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020. Điều này được thể hiện qua các mục tiêu của PAR Index: Đánh giá toàn diện, thực chất, khách quan; xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong thực hiện các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC và đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ CCHC bằng định lượng. Đối với cấp bộ, PAR Index được thiết kế với 7 lĩnh vực chung nhất của các bộ. Từ 7 lĩnh vực đó được chia thành 30 tiêu chí và 79 tiêu chí thành phần. Đối với cấp tỉnh, PAR Index được thiết kế với 8 lĩnh vực theo đặc điểm tổ chức thực hiện CCHC tại địa phương. 8 lĩnh vực lại được chia thành 32 tiêu chí và 85 tiêu chí thành phần.Theo thang điểm 100, kết quả thí điểm PAR Index của 3 bộ cho thấy, Bộ Công thương đạt cao nhất với 63,7 điểm; Bộ TN-MT đạt thấp nhất với 52,32 điểm. Trong 6 tỉnh, tỉnh Cần Thơ đạt cao nhất với 82,08 điểm; tỉnh Thái Bình đạt thấp nhất với 62,79 điểm. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, công tác thí điểm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về CCHC, huy động sự tham gia của người dân, tổ chức vào quá trình đánh giá kết quả CCHC; xây dựng được báo cáo CCHC năm 2011 có tính định lượng cao, phản ánh trung thực và đầy đủ kết quả CCHC của các bộ, tỉnh, TP trực thuộc TƯ; xác định được kết quả CCHC năm 2011 tương đối khách quan, chính xác làm căn cứ để xếp hạng chất lượng CCHC của các bộ, các tỉnh.Hoàn thiện công cụ Tại Diễn đàn quan hệ đối tác CCHC mang chủ đề “Tăng cường công tác theo dõi – đánh giá trong CCHC” do Bộ Nội vụ và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức mới đây, nhiều đại diện các bộ, tỉnh, thành đã khẳng định PAR Index có tính khả thi cao; đồng thời chỉ ra một số điểm cần điều chỉnh để có hiệu quả hơn. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Vĩnh Phúc Nguyễn Thanh Chính cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đồng tình cao với sự cần thiết phải ban hành PAR Index nhằm chuẩn hóa tiến tới hiện thực hóa nội dung, nhiệm vụ CCHC trước yêu cầu phát triển mới.Tuy nhiên, PAR Index là công cụ pháp lý đầu tiên của nhà nước ta nhằm theo dõi, đánh giá công tác CCHC của các cơ quan, đơn vị, lại có hệ thống các tiêu chí và tiêu chí thành phần, được thiết kế với nhiều thang điểm khá phức tạp, qua nhiều kênh theo dõi, đánh giá nên rất khó theo dõi, tổng hợp, đánh giá, nghiệm thu ở nhiều cơ quan, đơn vị. Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ cho rằng, số lượng yếu tố đem ra đánh giá không quan trọng bằng trọng số của từng yếu tố phải phù hợp. Tùy vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội, mỗi yếu tố sẽ có trọng số khác nhau theo từng năm. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hân, cán bộ của UNDP cũng bày tỏ, cần lưu ý yếu tố đặc thù của mỗi địa phương khi đánh giá. Thậm chí nên điều chỉnh một số tiêu chí đánh giá vì mức độ giàu – nghèo của mỗi địa phương khác nhau thì không thể đầu tư bộ phận “một cửa” như nhau.Về vấn đề này, TS. Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) khẳng định, việc thực hiện cơ chế một cửa không hẳn là ở tỉnh giàu là thực hiện tốt. Vấn đề là nơi đó có quyết tâm với CCHC hay không. Trước một số ý kiến băn khoăn cho rằng PAR Index thiên về việc “tự đánh giá” của cơ quan hành chính nhà nước, TS. Đinh Duy Hòa cho biết các kết quả đều được Bộ Nội vụ thẩm định. Thời gian tới, khi triển khai rộng khắp, có thể Bộ sẽ thành lập một hội đồng đánh giá với sự tham gia của nhiều bộ. Bộ Nội vụ cũng sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện nội dung PAR Index theo hướng điều chỉnh lại nội dung một số tiêu chí, tiêu chí thành phần, thang điểm đánh giá cho sát với thực tế; đồng thời, xác định lại các đối tượng điều tra, khảo sát cho phù hợp với yêu cầu thực tế đánh giá của cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm tính thực chất, khách quan, chính xác của việc điều tra xã hội học. Dự kiến, trong năm 2013, PAR Index sẽ được áp dụng thống nhất cho các bộ, các tỉnh, TP trực thuộc TƯ. Dù có khá nhiều ưu điểm, song PAR Index cũng không phải là bộ chỉ số duy nhất đánh giá việc CCHC ở các cơ quan nhà nước. Sắp tới sẽ có thêm các bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ y tế, giáo dục công lập do các bộ chuyên ngành thực hiện và một bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân với các cơ quan hành chính do Bộ Nội vụ thực hiện. Do đó, PAR Index càng cần hoàn thiện, để cùng với các bộ chỉ số khác góp phần theo dõi, đánh giá sát sao công tác CCHC trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
Hiền Chi