Kinh tế

Chi 31 tỉ đồng mỗi ngày nhập trái cây Thái

Tính trung bình, mỗi ngày người Việt chi 31 tỉ đồng để mua rau củ quả từ xứ chùa vàng.

Nhiều loại trái cây Thái đang cạnh tranh trực tiếp với trái cây Việt /// Ảnh: Ngọc Dương

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong 2 tháng đầu năm, VN chi 164 triệu USD (tương đương 3.720 tỉ đồng), tăng 54,7% so cùng kỳ năm 2016, để nhập rau củ quả. Tính trung bình, mỗi ngày người Việt đang chi 62 tỉ đồng để mua rau quả ngoại.

Trái cây nhập từ Thái tăng gấp đôi

Trong đó, lớn nhất là thị trường Thái Lan, trong 2 tháng VN nhập khẩu các mặt hàng rau củ quả từ thị trường này lên đến 82,6 triệu USD, chiếm hơn 50% giá trị nhập khẩu rau củ quả của cả nước (tương đương 31 tỉ đồng/ngày). Sau Thái Lan, nhập rau quả từ Trung Quốc đạt 31 triệu USD, chiếm hơn 19% giá trị nhập khẩu cả nước. Tính chung, rau củ quả nhập từ Thái và Trung Quốc chiếm gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của cả nước.

Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu năm, nhập khẩu rau củ quả từ Thái Lan về VN tăng hơn 42 triệu USD, gấp đôi so cùng kỳ năm trước. Chi đến 31 tỉ đồng để mua trái cây Thái mỗi ngày, song với người tiêu dùng Việt, thông tin về trái cây có xuất xứ từ Thái Lan lại khá mơ hồ, đa số đều cho rằng đó là trái cây Việt giống của Thái.

Sáng 14.3, chị Nguyễn Thị Hồng (Q.1, TP.HCM) đang lựa mua xoài keo Thái tại chợ Bến Thành tỏ ra băn khoăn: “Hình như xoài này giống Thái trồng tại VN, cả nhà tui đều thích giống xoài này bởi ăn giòn, ngọt thích hơn giống xoài Việt”. Tuy nhiên, bà Hai Thảo, người bán trái cây tại chợ, khẳng định xoài này được nhập từ Thái Lan 100% chứ không phải giống Thái trồng tại VN. Ngoài xoài, bà Thảo cho biết các loại trái cây “trái vụ” đang bán tại chợ như măng cụt, bòn bon, chôm chôm, quýt vàng, nhãn và cả táo xanh nhỏ đa số là hàng Thái.

Không chỉ tại chợ, ngay tại siêu thị, cách “rao” hàng cũng khiến người tiêu dùng có sự nhầm lẫn. Tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM), trưa 14.3, chị Phan Thanh Minh cầm gói 500 gr me Thái với giá 65.000 đồng phân vân: “Mình biết hàng này là của Thái, ngoài bao bì ghi rõ là me ngọt Thái Lan nhưng không hiểu sao, bảng giá treo trên kia lại ghi hàng xuất xứ VN”. Đúng như lời chị Minh, trên bao bì gói me ngọt Thái Lan ghi sản phẩm, đóng gói và phân phối bởi một công ty thương mại tổng hợp tại TP.HCM, song bảng giá trên quầy lại ghi me ngọt Thái xuất xứ VN. “Người bán thường rao là giống Thái trồng tại VN cho người mua có cảm giác hàng tươi mới. Đặc biệt với khách du lịch, đến VN mua trái cây Việt ăn thì đúng hơn là ăn trái cây Thái, nên cứ giới thiệu vậy lâu riết thành quen”, bà Thảo lý giải.

Theo ông Hùng – nhà cung cấp sỉ trái cây các loại tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Q.Thủ Đức, TP.HCM), trái cây Thái thường ngọt, ít hạt, hoặc hạt lép nên đắt gấp đôi người mua vẫn thích hơn trái cây Việt cùng loại. Chợ Miệng Kênh (Pak Khlong Talat) là chợ bán sỉ các loại rau hoa quả lớn nhất ở Bangkok (Thái Lan), hoạt động 24/24 giờ, là nơi cung cấp nguồn trái cây xuất khẩu cho nhiều thị trường trong đó có VN. “Trái cây được đưa về tập trung tại chợ này bạt ngàn, muốn bao nhiêu cũng có, hàng tốt xấu được giới thiệu rõ ràng, không dễ bị nhầm. Chợ lại tổ chức có tour khách du lịch tham quan nữa, nên sang đó nhìn chợ rất thích, sạch sẽ không nhếch nhác như các chợ đầu mối nông sản Việt lẫn lộn hàng ngon dở vậy đâu”, ông Hùng cho biết.

Trái ngoại đè trái nội

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, phân tích ngoài năng lực cạnh tranh, năng suất thấp do sản xuất manh mún, trái cây Việt đang đối diện nghịch cảnh “chính người Việt đang tự hại lẫn nhau” bằng việc người trồng phun thuốc trừ sâu vô tội vạ, ngâm tiêm thuốc kích thích quả chín sớm. Thứ nữa, chính các siêu thị trong nước lại đòi hỏi mức chiết khấu quá cao, từ 15 – 20%, rồi phí tạo mã hàng cho một sản phẩm lên đến 20 triệu đồng, chi hỗ trợ dịp sinh nhật siêu thị, chi cho đứng đầu kệ (nếu không sẽ bị “nhét” vào dưới gầm quầy) khiến hàng Việt thất thế.

GS Nguyễn Quốc Vọng, chuyên gia nông nghiệp cho rằng VN có nhiều tiềm năng cho sản phẩm rau quả, nhưng đất đai phần lớn lại tập trung cho mặt hàng lúa gạo, mang lại giá trị gia tăng không cao. Ngành nông nghiệp khi đã xác định lại chiến lược sản xuất và xuất khẩu rau quả thế nào sẽ có quy hoạch và các biện pháp hỗ trợ kèm theo với ngành này tương xứng.

Chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa cho rằng trái cây Việt ngoài một số sản phẩm được chọn xuất khẩu thì đa số các mặt hàng trùng với trái cây Thái đều không có thương hiệu, sản xuất manh mún và ngay ngành nông nghiệp trong nước cũng chưa có các động tác đồng bộ tập trung cho sản phẩm trái cây, công bố trái nào đạt chất lượng để người tiêu dùng biết. Ngay hệ thống phân phối trong nước chưa đồng hành với nhà sản xuất trái cây nội khiến người trồng ra không biết bày bán cho ai, ngoài việc bán ngoài lề đường, đưa vào chợ.

Theo ông Phú, việc tổ chức lại sản xuất bằng cơ giới hóa là điều quan trọng cho trái cây Việt. Ngoài ra, sản phẩm phải được tổ chức bằng mô hình liên kết như một số nhà đầu tư nông nghiệp công nghệ cao với ngành rau đang làm là đầu tư và thu mua tại chỗ, tránh sản phẩm đi lòng vòng… Bên cạnh đó, phải giành lại mạng lưới phân phối, hỗ trợ nhà bán lẻ trong nước có đầu tư và thu mua trái cây Việt. Đầu tư nghiên cứu về giống trái quả có hệ thống và kiểm soát việc đưa vào ứng dụng… Quan trọng hơn là kiểm soát chặt nguồn hàng nhập khẩu bằng các công cụ kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng pháp luật nếu cơ quan gác cổng quản lý theo kiểu “mắt nhắm mắt mở” cho hàng trái cây kém chất lượng tuồn vào VN. Ông Phú nhận xét thêm: Hàm lượng đầu tư chất xám để phát triển công nghệ giống trái cây của VN chưa thực sự được coi trọng hay nói đúng hơn chưa phối hợp nhịp nhàng với nhu cầu thị trường nên giá trị gia tăng của sản phẩm thấp.

Đặc biệt, tình trạng “lệch pha”, nhà nghiên cứu cứ nghiên cứu, người trồng cứ trồng và nhà phân phối cứ sản phẩm nào có lợi nhuận tốt thì chọn khiến hàng Việt thất sủng. Đã đến lúc nhà sản xuất và phân phối trong nước phải nhắm đến thị trường trái quả nội địa với 93 triệu dân để trái cây, rau quả Việt không bị lép vế tại sân nhà.

Hằng Nga/Theo báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP