Bị cáo Trần Thị Sáu hầu tòa sáng 2/7 nghe phán quyết về hành vi giết con từ 22 năm trước. Ảnh: Diệp Thanh |
Ngày 2/7 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử và tuyên phạt Trần Thị Sáu (49 tuổi, trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) mức án chung thân về tội giết người.
Sáu là bị cáo trong vụ án đầu độc khiến hai con ruột của mình tử vong rồi bỏ trốn suốt 22 năm, dưới vỏ bọc của một con người mới.
Hồ sơ cho thấy vụ án đau lòng xảy ra vào tháng 4/1996. Do cuộc sống gia đình có nhiều mâu thuẫn, chồng thường xuyên cờ bạc, lười lao động, không quan tâm đến vợ con, Trần Thị Sáu cảm thấy bế tắc và nảy sinh ý định đầu độc hai con gồm năm tuổi và một tuổi rồi tự tử.
Nghĩ là làm, ngày 1/4/1996, Sáu đưa hai con đi chơi, thăm các gia đình họ hàng ở trong thôn. Người đàn bà vay mượn một hàng xóm 4.000 đồng rồi mua hai gói thuốc chuột, 10 gói thuốc tẩy sán heo, hai chiếc bánh nướng và một chai nước cam.
Ba mẹ con cứ đi mãi, tới khi trời nhá nhem tối thì dừng lại ngồi nghỉ trên đê Trung Hòa.
Tại đây, Sáu xé hai gói thuốc chuột đổ vào chai nước cam, lắc đều lên rồi đưa cho các con uống. Dắt các con đi thêm được một đoạn, người đàn bà này tiếp tục đổ hết số thuốc sán heo vào nửa chai nước cam còn lại rồi uống hết. Cả ba ngấm thuốc rồi mê man, bất tỉnh.
Đến 23 giờ 30 cùng ngày, lực lượng Công an xã Trung Hòa đi tuần tra qua khu vực đó, phát hiện nên đưa Sáu đi cấp cứu, còn hai cháu đã tử vong.
Sau khi tỉnh lại, lợi dụng lúc mọi người không để ý, Sáu bỏ trốn vào Nam. Người đàn bà này cắt đứt mọi liên lạc với người thân, xin vào làm thuê cho một quán phở.
Quá trình lẩn trốn, Sáu gặp được một người đàn ông quan tâm, có tình cảm với mình nên đã dọn về sống chung như vợ chồng và sinh được hai người con trai.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, cho đến ngày 2/2/2018, Trần Thị Sáu cũng như những người hàng xóm tại Lâm Đồng vô cùng bất ngờ khi lực lượng công an đọc lệnh bắt theo lệnh truy nã từ năm 1996.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) là luật sư được chỉ định bào chữa cho bị can Trần Thị Sáu kể với chúng tôi về những cuộc tiếp xúc đầu tiên trong trại giam với người mẹ tội lỗi.
Trong suốt cuộc trò chuyện với luật sư, bà Sáu khóc nhiều và không ngừng nói về nỗi day dứt, ám ảnh về tội lỗi gây ra trong quá khứ, cướp đi mạng sống của 2 cô con gái bé bỏng.
Bà Sáu vốn là một người phụ nữ chất phác. Năm 1990, bà xây dựng gia đình với người chồng là Ngô Văn Q. (SN 1965, ở Chương Mỹ, Hà Nội). Kinh tế gia đình không dư giả vì chủ yếu dựa vào làm nông lại thêm hai cô con gái lần lượt ra đời nên cuộc sống càng lâm vào bế tắc.
Kể lại diễn biến sự việc cho luật sư, bà còn nhớ như in khi đó cô con gái 5 tuổi ngây ngô hỏi: “Mẹ ơi, sao lại uống hả mẹ?”. Bà Sáu cúi đầu nói với con: “Ba mẹ con mình uống cùng nhau, đi đâu thì có nhau”.
Một lúc sau, 3 mẹ con ôm nhau nằm xỉu đi tại lán gạch và được người dân phát hiện. Có lẽ do cơ thể người lớn sức đề kháng tốt, được rửa ruột kịp thời nên người mẹ không chết, còn hai con gái đã tử vong.
Do sức khoẻ yếu cần được điều trị nên bà Sáu khi ấy được cơ quan điều tra cho tại ngoại. Tỉnh dậy và nghĩ về tội lỗi đã gây ra, sợ đối mặt với nó cùng những lời dèm pha của bà con lối xóm, bà đã bỏ trốn vào vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng, gây dựng cuộc sống mới. CQĐT khi đó đã ra quyết định truy nã đối với Trần Thị Sáu về tội Giết người.
Sau một thời gian bỏ trốn vào Lâm Đồng, bà quen biết với một người đàn ông sinh năm 1973, hai người nảy sinh tình cảm và về chung sống với nhau nhưng không có hôn thú. Quyết rũ bỏ quá khứ, bà đăng ký tạm trú tại vùng kinh tế mới với một tên khác là Trần Thị Hương (SN 1971).
Nỗi day dứt suốt 22 năm của người phụ nữ từng giết hại 2 con gái. |
Theo luật sư Thơm, vào thời điểm ấy, tại những vùng kinh tế mới, việc quản lý hành chính rất lỏng lẻo, nên bà Sáu dễ dàng sống dưới danh nghĩa một người hoàn toàn khác, che giấu vĩnh viễn thân phận của bà mẹ giết con Trần Thị Sáu.
Năm 1997, bà sinh cho người đàn ông - được coi là người chồng thứ hai ấy một đứa con trai. Hai năm sau, một đứa con trai nữa tiếp tục ra đời. Tưởng rằng sẽ có cuộc sống mới để quên đi những nỗi đau cũ, nhưng có lẽ bà là người phụ nữ quá truân chuyên. Năm 2013, người chồng “hờ” qua đời vì bệnh tật khiến cuộc sống càng khó khăn mặc dù bà làm đủ các nghề như trồng rau củ quả, nông nghiệp, buôn bán, đồng nát, hái cà phê thuê…
Tâm sự với luật sư, bà cho biết, trong suốt hơn 20 năm trốn chạy ấy, không lúc nào bà quên hình ảnh hai cô con gái nhỏ đã vì bà mà vĩnh viễn không còn được sống. Bà ân hận, day dứt, nhiều lần muốn tự tử chấm dứt cuộc sống, rồi cũng có khi định về đầu thú, nhưng ngoảnh đầu nhìn lại, thấy 2 cậu con trai cần sự chăm lo, nuôi dưỡng của mẹ. Tưởng rằng chỉ cần cam chịu và nhẫn nhịn mà sống là được, nhưng tội ác bà mẹ ấy gây ra vẫn phải trả giá.
Dù xảy ra hơn 20 năm nhưng hồ sơ vụ án vẫn được Công an huyện Chương Mỹ cùng các lực lượng chức năng củng cố và kiên trì xác minh. Khi xác định được đầy đủ mối quan hệ và nơi ở của bà Sáu, Công an huyện Chương Mỹ đã cử tổ công tác vào Lâm Đồng truy bắt. Khi bị bắt, bà Sáu vẫn bình tĩnh nhận mình là Hương, không phải Sáu. Nhưng cuối cùng vẫn phải cúi đầu thừa nhận. Cơ quan điều tra sau đó đã bắt Sáu theo lệnh truy nã, di lý ra Hà Nội và phục hồi điều tra và xét xử.
Tiếp xúc với luật sư tại Trại tạm giam số 1 của Công an TP Hà Nội, bà Sáu trải lòng chia sẻ rất nhiều về cuộc sống lam lũ và đầy nghiệt ngã, về những day dứt với lỗi lầm gây ra trong quá khứ.
Theo lời luật sư, hiện bố mẹ đẻ của bà Sáu đã qua đời, người chồng cũ sau vụ việc năm ấy cũng đã rời quê đi làm ăn xa, còn 8 anh chị em của bà Sáu cũng không ai quan tâm, đoái hoài gì đến bà vì sợ điều tiếng dư luận.
Điều còn lại duy nhất đối với bà Sáu, chính là hai con trai. Người con lớn hiện đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, còn con nhỏ thì đã đi nghĩa vụ quân sự. Chính vì vậy, bà Sáu nói với luật sư bây giờ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật mà không oán thán, sẽ chịu mọi mức án để “trả nợ”, cho cuộc đời thanh thản.
Tác giả: Nhật Tân
Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội