Ông đã ra đi khi nhựa sống đang căng tràn, chỉ vì một loạt bom của giặc Mỹ vào ngày 25-12-1967 tại cầu Cấm, Nghi Lộc, Nghệ An.
Nhiều khi nghĩ về cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra trên đất nước Việt Nam suốt 20 năm ròng, tôi cứ tự hỏi: Có còn sự phi nghĩa nào hơn thế nữa không, khi những người nghệ sĩ chỉ biết múa, hát, diễn kịch đê làm vui làm đẹp cho đời cũng bị kẻ thù sát hại? Còn có sự dã man nào hơn thế không, khi bàn chân của nữ nghệ sĩ múa Mạnh Tường-người mà ai cũng ca ngợi về vẻ đẹp của thân hình và những động tác múa-lại bị bom thù cắt ngang,lủng lẳng, đầm đìa máu? Và chị cũng như cha tôi cùng nhạc công Dương Danh Lạc, đầu bếp Nguyễn Văn Sửu đã hy sinh ngay sau đó.
Cố bộ trưởng Huy Cận chúc mừng Đoàn Văn công Hà Tĩnh tại Nhà hát Lớn Hà Nội
“Nếu bố con còn sống, chắc chắn ông đã trở thành nghệ sĩ ưu tú. Chú mê ông diễn lắm. Ông giống như một Lâm Tới trong điện ảnh vậy. Rất nổi tiếng với những vai phản diện, nhưng vẫn đóng tốt những vai khác”. Chù Hùng, một diễn viên của Đoàn Văn công Hà Tĩnh nay nghỉ hưu ở Sơn Hà, Hương Sơn đã nói như vậy. Không phải lần đầu tôi nghe những lời này từ các đồng nghiệp của cha và khán giả thời đó, nhưng hôm nay, trong cuộc hội ngộ của các thế hệ văn nghệ sĩ Đoàn Văn công Hà Tĩnh nhân 50 năm thành lập Đoàn, tôi mới thấy hạnh phúc và tự hào vô cùng. Tôi hạnh phúc vì có một người cha đã cháy bỏng đam mê và cống hiến hết mình cho sân khấu. Theo lời các đồng nghiệp cũ, ông đã từng đảm nhận vai Bảy Sẹo, một trùm sỏ ác ôn nguỵ trong vở: “Bến nước quê hương”, vai sĩ quan Mỹ trong trích đoạn “ Nguyễn Văn Trỗi”, vai Đại uý nguỵ trong “Một mạng người”… Sự hoá thân vào nhân vật của ông đạt đến nỗi đã gây nên những căm ghét của khán giả đối với những kẻ đã giày xéo lên quê hương, những kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc. Từ lời nói, dáng đi, vẻ mặt cùng với hoá trang, phục trang, ông đã để lại những hình ảnh khó quên trong khán giả.Và tôi chợt nhớ những lời mẹ tôi phàn nàn về cha ngày tôi còn thơ bé “ Người hiền thế, đóng gì không đóng, toàn đóng những kẻ ác”. Nỗi lo cơm áo thường ngày cho bà mẹ gìa và 3 đứa con thơ để chồng yên tâm làm nghệ thuật khiến bà không được xem hết các vai diễn của chồng mình vì theo lời các đồng nghiệp, ông còn đảm nhiệm vai bác sĩ trong vở “Đêm gần sáng” vai ông nông dân trong vở: “Cô gái Núi Nài” của cố tác giả Phan Lương Hảo. “Đến cả những vai này, ông cũng đóng rất đạt, nhất là vai nông dân, cứ y như là ông nông dân ngoài đời thật. Vở này mới tập xong, chưa kịp trình diễn thì bố con hy sinh. Sau đó người khác thay thế song cũng chỉ tàm tạm thôi, không được như bố con đâu”. Giọng chú Hùng như chùng lại.
Thời thanh niên cha tôi từng tham gia quân đội. Trở về quê hương, vồn là người rất mê đàn hát, ông nhanh chóng cùng bạn bè thành lập đội văn nghệ của vùng sơ tán. Ông rất thích chơi đàn măng-đô-lin với những bản nhạc của Pháp như: “Xuân với tuổi trẻ” “Trên lưng ngựa”, các bản nhạc của Văn Cao “ Sông Lô” “Bắc Sơn”. Cha tôi đến với Đoàn Văn công Hà Tĩnh ngay từ những ngày đầu thành lập. Không khí hoạt động văn hoá văn nghệ của những ngày xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở Miền Nam trên mảnh đất Hà Tĩnh đã cuốn hút ông. Thế là đang làm nhân viên cho Công ty Bách Hóa thị xã, ông xin chuyển hắn sang Đoàn Văn công Hà Tĩnh. Những chuyến lưu diễn cùng Đoàn về các miền quê trong tỉnh, ông và cả Đoàn đã vượt qua cảnh đói khổ, thiều thốn. Có cô vào Đoàn còn đi chân đất, có người áo chưa đủ ấm, không ít cô chú 13,14 tuổi đã đi theo Đoàn, người nhỏ tý. Vì là Đoàn ca múa kịch tổng hợp nên nhiều người như “xuyên tâm liên”, múa, hát, kịch…đều tham gia cả. Lúc ấy Đoàn có các nhạc sĩ sáng tác nhạc ( nhạc sĩ Lê Hàm), tác giả kịch bản (cố tác giả Phan Lương Hảo). Diễn viên rất đông đảo, từ ca, múa, kịch. Nhạc công, đội ngũ hoá trang, phục vụ đông đủ . Nhiều người sau này đã thành danh như NSUT Xuân Năm, NSUT Thanh Bảng, nhạc sĩ Mạnh Chiến, nhạc sĩ Đình Hùng…Đoàn trưởng Nguyễn Vĩnh Toại và các diễn viên Sĩ Nghệ, Thanh Mai, Xuân Ngô, Khánh Cẩm, Hoài Thanh, Thanh Quang, Ngọc Liên, O Thích, O Hợi, O Minh …đã được người dân nhớ mãi. Tuy nghèo nhưng tình đồng chí đồng đội luôn ấm áp, chia ngọt sẻ bùi, nhường nhau từng chỗ ngủ ấm êm, cho nhau từng tấm ni lông, giúp nhau từng đồng tiền bát gạo. Niềm yêu say nghệ thuật đã giúp họ vượt lên tất cả. Những chuyến lưu diễn của Đoàn đã làm sôi động các vùng quê. Nghe tiếng loa truyền, nhà nhà thi nhau nấu cơm ăn sớm để đi xem Văn công Hà Tĩnh diễn. Lũ trẻ bao giờ cũng đến trước, dành cho mình một chỗ tốt nơi bãi cỏ. Không ghế ngồi, không rạp, thậm chí đội mưa mà người dân vẫn say sưa háo hức xem hết buổi biểu diễn. Kết thúc đêm diễn, cha tôi nhiều lần “bị” các cô thôn nữ theo về tận nhà trọ để xem gương mặt của diễn viên chính sau khi tẩy trang với những lời trầm trồ thán phục.
Mừng mừng tủi tủi ngày gặp lại sau 50 năm
Các văn nghệ sĩ thời ấy ai cũng rất quý trọng và chăm lo gia đình, mẫu mực trong đời sống, hoà mình với nhân dân. Cha tôi cũng vậy. Trở về đời thường, ông là đứa con rất mực hiếu thảo, người chồng hết lòng yêu thương vợ, người bố chuẩn mực, người bạn, người hàng xóm thân tình. Hết buổi tập, ông đưa cả ba con gái ra hố bom đầu làng tắm cho các “tiên đồng”, dạy các con học bài, sửa sang lại mái nhà bị dột. Lần nào đi diễn về, ông cũng có quà cho các con. Hình ảnh chiếc váy hoa màu xanh nhạt có những cánh hoa nhỏ ông mua cho tôi vào lúc chưa đầy 3 tuổi có lẽ còn được tôi lưu lại trong trí nhớ nhờ cái cảm giác sợ hãi vì bị thức dậy lúc nửa đêm. Chỉ bởi muốn được nhìn thấy cô con út mặc chiếc váy do chính tay mình chọn, ông đã không đợi được đến sáng mai. Và tôi, một đứa trẻ chưa đầy 3 tuổi đang trong giấc ngủ mê mệt đã khóc toáng lên vì bị thức dậy.
Lần ấy, sau chuyến tập huấn và biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Đoàn đã được cố Bộ trưởng Bộ VHTT Huy Cận đến tặng hoa chúc mừng. Cha tôi còn viết thư về kể được Bác Hồ cho nhiều quà bánh, sẽ mang về cho các con. Không ngờ ước mong đó của người không thành hiện thức. Hôm ấy là ngày Nô-en, Mỹ tuyên bố ngừng bắn nhưng Đoàn về chưa kịp đến quê nhà thì 17 h chiều, từ trên trời cao, máy bay của chúng đã thả một loạt bom vào chiếc xe ca thứ 2 của Đoàn (chiếc thứ nhất đã về đến quê nhà từ sáng hôm đó). Tan tác những ánh đèn và màn nhung sân khấu, đứt đoạn những vai diễn, tắt lịm những giai điệu dân ca ví dặm, gãy lìa những vũ điệu. Chỉ có máu, nước mắt và những tiếng khóc xé lòng
Rồi nỗi đau của 4 gia đình liệt sĩ cũng như nỗi đau của cả dân tộc những năm tháng đó dần được nguôi ngoai. Chỉ cò khi nào đất nước im tiếng súng, thôi bom rơi đạn nổ thì lời ca mới thật sự được bay bổng, ngân vang, ngân xa. Giai điệu hoà bình đã được tấu lên, 37 năm rồi trên khắp đất nước ta. Đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh hôm nay đã có những chuyến biểu diễn trong và ngoài nước, với đội ngũ diễn viên trẻ, hùng hậu, những thiết bị âm thanh, ánh sáng hiện đại, trang phục đa dạng, đa màu sắc. Những giải Vàng, giải Bạc hội diễn trong nước và quốc tế, những giai điệu vũ điệu vừa tiên tiến vừa đậm đà bản sắc đã nói lên những cống hiến, lao động không mệt mói suốt nửa thập kỷ của đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.
Và tôi luôn cảm thấy, trong những ngày này, hình bóng cha tôi thấp thoáng trong nụ cười và nước mắt của bạn bè ngày hội ngộ.
Bùi Minh Huệ
Báo Hà Tĩnh