Anh T. dần phục hồi sau khi hiến 1 lá gan ghép cho con gái
Dù đã gần 1 tuần sau khi phẫu thuật hiến một lá gan để ghép cho con gái Dương Phương M. (15 tuổi), anh Dương Văn T. (39 tuổi, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) vẫn còn yếu. Theo đánh giá của bác sĩ, anh đã có sự phục hồi nhất định và cuối tuần này có thể xuất viện.
“Khi tôi quyết định hiến một phần lá gan cho con gái thì cả nhà đều phản đối. Vì lúc đó, theo bác sĩ, cơ hội sống của con gái tôi rất thấp, chỉ tính bằng vài phần trăm, thậm chí cầm chắc “án tử”. Chính vì lẽ đó, mà chỉ ít ngày trước phẫu thuật, gia đình đã quyết định không tiến hành ghép gan và xin về”, anh T. kể.
Theo người nhà của anh T., lúc đó gia đình cũng nhiều đắn đo, bởi anh vốn là trụ cột của gia đình nên nếu cắt đi một phần gan hiến cho con có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là khi tỷ lệ cơ hội sống của con anh thật quá mong manh.
Tuy nhiên, sau hơn 2 tiếng suy nghĩ và được sự tư vấn của bác sĩ, anh T. đã quyết tâm hiến 60% lá gan của mình với hi vọng con gái có cơ hội hồi sinh. “Tình phụ tử thôi thúc tôi phải làm việc đó cho dù chính khi đưa ra quyết định hiến tôi cũng không biết kết quả sẽ đi đến đâu”, anh T. chia sẻ. Và hi vọng tưởng rằng quá đỗi mong manh đó của anh T. đã thành hiện thực khi ca phẫu thuật được các bác sĩ đầu ngành thực hiện đã thành công tốt đẹp. Cả hai bố con đều có dấu hiệu phục hồi tốt.
Được biết, gia đình anh T. rất khó khăn, cả hai vợ chồng phải đi phụ hồ kiếm sống. Khi vợ đi phụ hồ chẳng may gặp tai nạn, anh T. đã phải gửi con gái Phương M. cho vợ chồng anh ruột nuôi giúp. Theo chia sẻ của gia đình, nhiều năm liên tiếp em M. là học sinh giỏi.
Tuy nhiên, đến năm 2015, M. thường xuyên kêu mệt mỏi, sau đó, da có dấu hiện vàng đen, ăn uống kém. Lúc này, gia đình đưa M. đi khám ở bệnh viện huyện nhưng không phát hiện ra bệnh. Cách đây 1 tháng, tình trạng sức khỏe của M. suy giảm nghiêm trọng nên gia đình đã quyết định đưa em xuống BV Bạch Mai khám và được chẩn đoán suy gan. Từ đó, M. được chuyển sang BV Nhi TƯ rồi Vinmec và được chuyển về BV Việt Đức để phẫu thuật.
Do gia đình quá khó khăn nên quá trình điều trị cho M. tưởng chừng đứt đoạn, gia đình đã đành chấp nhận cho con về không điều trị tiếp. May mắn, quỹ Thiện Tâm của BV Vinmec đã biết đến trường hợp của M. và đã quyết định tài trợ toàn bộ chi phí phẫu thuật và điều trị cho em.
Với nỗ lực của cả đội ngũ hơn 100 y bác sĩ, ca phẫu thuật ghép gan của bệnh nhân Phương M. vốn được coi là ca ghép khó khăn nhất từ trước tới nay, đã thành công và bệnh nhân hiện đang dần hồi phục.
BS. Nguyễn Hữu Ước, người trực tiếp tham gia ca ghép này cho biết, do bệnh nhân có nền bệnh phức tạp, đặc biệt là mắc rối loạn đông máu, vốn chống chỉ định với phẫu thuật, nên việc quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân cũng là bài toán “cân não” đối với toàn bộ kíp mổ. Hơn nữa, ngay trước phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp, nên ca phẫu thuật cấp cứu trở thành tối cấp, mọi hành động trong quá trình phẫu thuật được tính toán kỹ theo từng phút nhằm bảo đảm tính mạng bệnh nhân cũng như sự thành công của ca phẫu thuật.
Tú Uyên / Theo báo Giao thông