Vốn là một cô gái nhỏ nhắn, khéo ăn khéo nói nên dù mới chỉ là nhân viên hợp đồng tại Trường dạy nghề Việt – Đức nhưng Phạm Thị Hồng Khánh (SN 1980, trú tại khối 9, phường Nguyễn Du, Tp Hà Tĩnh) có mối quan hệ khá thân với nhiều người. Với đồng lương eo hẹp nên để nhanh chóng đổi đời, Khánh đã chọn cho mình con đường kiếm tiền bằng… “đánh đề”. Càng chơi càng thua, càng thua càng “khát” gỡ, lâu dần thành “nghiện”, của nả trong nhà cứ thế “đội nón ra đi”. Ngay cả căn nhà của vợ chồng cũng được Khánh đem đi thế chấp để lấy tiền trả nợ. Hết cách xoay xở, Phạm Thị Hồng Khánh nghĩ đến cách lừa người quen để có tiền trả nợ và thoả mãn “cơn nghiện đánh đề” của mình.
Người đầu tiên Khánh nhắm đến là chị bạn đồng nghiệp cùng trường. Với chiêu bài “cần tiền cho chị dâu làm việc trong ngành Ngân hàng đầu tư buôn bán ô tô”, Khánh vay của đồng nghiệp 2 lần với tổng số tiền 200 triệu đồng với lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày. Sau đó, cũng với chiêu bài này, Khánh tìm đến chị bạn tên T và vay số tiền 126 triệu đồng với lãi suất 4.000đồng/triệu/ngày. Tất cả số tiền này, Khánh đều sử dụng vào mục đích trả nợ, tiếp tục thoả mãn cơn khát làm giàu bằng… lô đề!
Để tạo lòng tin, mỗi lần vay tiền Khánh đều viết giấy biên nhận hẳn hoi. Thậm chí, với chị T, khánh còn trả trước 15,12 triệu đồng tiền lãi của một tháng. Tất cả những người cho vay tiền, đều được Khánh hứa hẹn “khi nào cần thì báo trước một tuần”. Thế nhưng, khi biết Khánh bị Trường dạy nghề Việt Đức đuổi việc vì có hành vi chiếm đoạt tiền học phí của học sinh, những người cho Khánh vay nợ tìm đến đòi tiền thì mới ngã ngửa vì biết tiền thị đã vay chẳng phải để đầu tư kinh doanh gì và không có khả năng chi trả.
Phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Thị Hồng Khánh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của TAND thành phố Hà Tĩnh ngày cuối năm, rất đông người tham gia. Tại tòa, bị cáo Khánh thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Thời điểm vay tiền, Khánh không có khả năng thanh toán và cũng chưa nghĩ tới việc kiếm tiền trả. Do nợ tiền đánh đề và để có tiền tiếp tục đánh đề, Khánh đã đưa ra thông tin không đúng sự thật để chiếm đoạt tiền của người bị hại.
Với hành vi phạm tội của mình, Phạm Thị Hồng Khánh đã phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Điều đáng nói là hình thức lừa đảo bằng vay tiền với lãi suất cao không mới, đã có nhiều vụ án được đưa ra xét xử, các cơ quan thông tấn báo chí liên tục đưa ra lời cảnh báo nhưng chỉ vì lòng tham, nhiều người vẫn tiếp tục “tự nguyện” làm người bị hại. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, lãi suất 3.000đ/triệu/ngày thì sau 1 năm, số tiền lãi đã lớn hơn tiền gốc. Vay kiểu này có mà bán nhà trả lãi!
Thăng long
Baohatinh