Đây là vấn đề lớn, vừa liên quan đến môi trường sinh thái biển, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, lao động của hàng vạn người dân nên tác động của nó không chỉ ở vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị, an ninh.
Đáng chú ý, liên quan sự việc, nhiều thông tin dư luận đang hướng về khu kinh tế Vũng Áng – Fomusa, từ đường ống dẫn thải đến những phát ngôn gây bức xúc (lãnh đạo Công ty cổ phần Hưng Nghiệp Formusa Hà Tĩnh đã tổ chức họp báo công khai xin lỗi tới toàn thể người dân Việt Nam về những phát ngôn của ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại công ty và khẳng định, những phát biểu đó không phải là phát ngôn chính thức của công ty, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của Formusa với Chính phủ và người dân Việt Nam).
Hành động đó của Công ty Formusa là đáng ghi nhận bởi lời xin lỗi, sự nghiêm túc là văn hóa ứng xử cần phải có, nhất là trong bối cảnh sự nghi ngờ, bức xúc của dư luận đang hướng về công ty này.
Rõ ràng, trước thảm họa cá chết hàng loạt, một kết luận khoa học là cần thiết, đó cũng là sự chờ đợi của hàng triệu người dân song việc này đòi hỏi sự thận trọng, chặt chẽ với các cơ sở, căn cứ xác đáng. Tuy nhiên, với người dân, trong lúc này điều quan trọng là sự tỉnh táo từ suy nghĩ đến hành động.
Nguyên nhân gây cá chết hàng loạt có liên quan đến đường ống xả thải của công ty Formusa hay không, chúng ta không nên quá nôn nóng và cả trong hai giả thuyết (có hoặc không có) cũng đều cần sự tỉnh táo để suy nghĩ, hành động đúng mực, đúng pháp luật.
Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này bởi hiện đang có trào lưu nhắm vào Formusa để kích động lòng căm phẫn, gây chia rẽ giữa chính quyền và nhân dân nước ta với vùng, lãnh thổ nước bạn.
Trên mạng internet đã xuất hiện cái gọi là “thư ngỏ” với nội dung kích động mọi người xuống đường tập hợp vào ngày 1-5 tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đồng thời “mọi người ở bất cứ nơi nào có thể biểu thị với một biểu ngữ trong tay và một tài khoản Facebook”.
Lấy lý do bảo vệ môi trường, thư ngỏ đề dẫn: “Chưa khi nào Việt Nam phải đối mặt cùng lúc với nhiều thảm họa về môi trường đến như thế. Vì nhiều lý do như: đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, thay đổi khí hậu… Và nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu sự quan tâm của chính mỗi người dân đến môi trường sống của mình”, từ đó thư “khuyên người dân xuống đường”…
Chúng ta cần hết sức cảnh giác với những thư ngỏ kiểu này, nội dung kêu gọi, kích động người dân xuống đường, lý do nói là chung tay bảo vệ môi trường, phản ứng trước thảm họa cá chết hàng loạt ở biển miền Trung song thực chất, đằng sau đó là âm mưu nguy kiểm của kẻ xấu.
Các đối tượng xấu lợi dụng sự bức xúc của người dân, sự thiếu kiềm chế và nhiều khi là suy nghĩ và hành động theo đám đông để kéo họ xuống đường, tụ tập, từ đó gây sức ép đến các cấp chính quyền và kích động, gây ra những hành vi phá rối nguy hiểm.
Điều này đã từng xảy ra hồi tháng 5-2014 khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Khi đó, các đối tượng xấu cũng kích động, đánh vào “lòng yêu nước”, kêu gọi người dân xuống đường, đồng thời kích động công nhân ở nhiều nhà máy, khu công nghiệp, gây ra các vụ bạo động, đập phá tài sản.
Hậu quả không những gây thiệt hại về tài sản đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn gây đình trệ sản xuất, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ đối ngoại của nước ta với nước khác.
Nhìn ra nước ngoài, nhiều cuộc biểu tình, xuống đường bị lợi dụng gây rối, bạo động gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, chính trị, ngoại giao. Như những cuộc biểu tình chống Nhật tại Trung Quốc năm 2012, khi căng thẳng tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông leo thang.
Chính sự quá khích và giận dữ của một nhóm người Trung Quốc đã phá cơ hội công ăn việc làm của họ, phá hủy tài sản là mồ hôi công sức của chính người Trung Quốc làm ra dưới sự giúp đỡ của Nhật Bản và thương hiệu Nhật Bản. Sau sự kiện này, Toyo Tire & Rubber – nhà cung cấp lốp của Toyota đã thu hẹp sản xuất tại Trung Quốc. CEO của công ty, ông Kenji Nakakura cho biết: “Cuộc biểu tình ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mạnh hơn vào Trung Quốc của chúng tôi. Nếu phải mở rộng sản xuất, Toyo Tire sẽ cân nhắc các nước khác”.
Yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo là lẽ thiêng liêng. Bức xúc trước đời sống người dân khi tôm cá chết hàng loạt, điều cần thiết là sự sẻ chia với đồng bào bị thiệt hại, không tiêu thụ cá chết, không tiếp tay cho sai phạm. Còn nguyên nhân cần chờ cơ quan chức năng có kết luận chính thức.
Công ty Formusa có liên quan đến việc xả thải làm cá chết hay không, chúng ta cần bình tĩnh, không hành động quá khích, không nghe theo kẻ xấu tụ tập gây rối mà cần để cơ quan chức năng có biện pháp xử lý đúng pháp luật, có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đời sống nhân dân.
Mọi hành động dưới danh nghĩa “yêu nước, bảo vệ môi trường” mà hành động không đúng là vừa vi phạm pháp luật, vừa gây mất trật tự, an ninh kinh tế, ảnh hưởng đến vấn đề chính trị, ngoại giao, tức tự ta làm hại ta, mắc mưu kẻ xấu. Đó là điều phải hết sức cảnh giác.