Cảng Xuân Hải |
Hoạt động chật vật
Cảng Xuân Hải thuộc xã Xuân Hải (huyện Nghi Xuân) là một cảng sông - biển có 2 bến, được xem là cửa ngõ đường thủy quan trọng thứ hai của Hà Tĩnh.
Những năm trước đây, Cảng Xuân Hải là nơi trung chuyển gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Lào, tái xuất sang Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra tấp nập. Đây từng được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy, yếu tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Bắc Hà Tĩnh.
Thế nhưng trong những năm gần đây, do sự thay đổi của tình hình kinh tế thế giới cũng như chính sách xuất khẩu trong nước, các mặt hàng qua Cảng Xuân Hải giảm mạnh.
Về xuất khẩu nếu như trước đây các mặt hàng đa dạng như: gỗ băm dăm, than đá, vật liệu xây dựng, quặng mangan, gỗ cây, lương thực, thạch cao… thì khoảng 2 năm trở lại đây thì chỉ còn lại mặt hàng gỗ băm dăm.
Đặc biệt hoạt động nhập khẩu dường như không còn.
|
Không có việc, máy móc nằm bờ và đang dần bị hoen gỉ |
Ghi nhận của PV Dân trí tại khu vực Cảng Xuân Hải vào những ngày cuối năm nhưng hết sức trầm lắng và dường như không có hoạt động nào diễn ra. Bên trong cảng là những chiếc máy xúc, máy cẩu nằm im lìm và đang dần bị hoen gỉ. Khung cảnh đìu hiu, hoang lạnh khác hẳn với những gì chúng tôi tưởng tượng về một khu cảng xuất nhập khẩu.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan cảng Xuân Hải trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất nhập khẩu tại cảng chỉ đạt 2,6 triệu USD, trong đó nhập khẩu đạt hơn 26.000 USD, chủ yếu là hàng gia công, may mặc, nguyên phụ liệu. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ đạt hơn 7,1 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 7,09 triệu USD, nhập khẩu đạt hơn 18.000 USD.
Một cán bộ Xí nghiệp cảng Xuân Hải thuộc Công ty Cổ phần cảng quốc tế Lào - Việt cho biết những năm gần đây do luồng lạch bồi lấp khiến tàu ra vào khó khăn, cũng vì thế hàng xuất nhập khẩu qua cảng giảm mạnh, gần như là không có.
“Trước đây còn có hàng xuất khẩu là gỗ hương, gỗ trắc, nhưng mấy năm nay chỉ có gỗ dăm, thạch cao… số hàng này cũng không xuất khẩu đi đâu mà chủ yếu là hàng nội địa. Doanh nghiệp than phiền khó khăn nhưng cũng chưa tìm ra cách giải quyết”, một cán bộ Xí nghiệp Cảng Xuân Hải cho biết.
Tiến thoái lưỡng nan!
Giờ nguồn hàng xuất đi chỉ có gỗ dăm và một ít thạch cao nhưng cũng chỉ nhỏ lẻ, xuất nội địa |
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Lê Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Xuân Hải cho hay, kim ngạch xuất nhập khẩu tại cảng nhiều năm nay giảm mạnh, đặc biệt là nhập khẩu rất ít ỏi.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến “thảm cảnh” trên như doanh nghiệp trên địa bàn ít, những thay đổi trong chính sách xuất nhập khẩu. Đặc biệt, theo ông Lê Trí Dũng sự bồi lắng của luồng lạch là nguyên nhân chủ yếu.
“Cảng Xuân Hải này có từ mấy chục năm nay rồi, vị trí thì cũng trung tâm nhưng do luồng lạch bị bồi lắng, không thuận lợi nên tàu lớn không thể vào được”, ông Dũng cho biết.
Cảng Xuân Hải với khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 tấn tuy nhiên hiện nay chỉ có tàu dưới 1.000 tấn mới di chuyển vào được.
“Một số doanh nghiệp từng đầu tư xây dựng hạ tầng, máy móc tại cảng để thực hiện việc xuất khẩu dăm gỗ và nhập khẩu hàng hóa nhưng do luồng lạch bồi lấp khiến tàu hàng cỡ lớn không thể cập cảng Xuân Hải nhận hàng. Nếu chia hàng lên các tàu nhỏ để tăng bo ra các tàu lớn neo đậu ngoài xa thì chi phí sẽ cao”, ông Lê Trí Dũng nói.
Hiện nay tại Cảng Xuân Hải có 3 đơn vị vận hành, quản lý gồm Chi cục Hải quan cảng Xuân Hải có 9 người, trong đó lãnh đạo có 1 Chi cục trưởng, 1 Chi cục phó. Cảng vụ Hà Tĩnh tại Xuân Hải có 4 cán bộ, nhân viên. Đơn vị Xí nghiệp Cảng Xuân Hải thuộc Công ty Cổ phần cảng quốc tế Lào - Việt có 15 cán bộ công nhân viên,
Dù hoạt động hết sức trầm lắng và dường như bị tê liệt nhưng theo các cơ quan chức năng nơi đây thì vẫn cần thiết duy trì cơ quan quản lý để hạn chế buôn lậu và làm thủ tục cho hàng hóa vì dẫu ít nhưng vẫn đang còn hoạt động xuất khẩu.
Về giải pháp để giải cứu tình trạng này, vị Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cảng Xuân Hải cho biết, phía đơn vị đã đề xuất với Hải quan Hà Tĩnh trình UBND tỉnh yêu cầu nạo vét luồng lạch để việc tàu ra vào dễ dàng hơn, thuận lợi cho việc giao thương, nhưng đến nay chưa có giải pháp.
Tác giả: Xuân Sinh
Nguồn tin: Báo Dân trí