Những vụ tai nạn thảm khốc nơi xứ người.
Sáng ngày 5/5/2013, một chiếc xe khách do tài xế người Thái Lan điều khiển chở 16 người Việt Nam bị gặp tai nạn tại tỉnh Rayong, cách Bangkok hơn 220 km. Hậu quả làm 3 người thiệt mạng (gồm một tài xế Thái Lan) và 14 người Việt khác bị thương. Hai người Việt Nam tử vong là anh Nguyễn Xuân Quốc (thôn Phúc Trường, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc) và Phan Công Dũng (46 tuổi, trú tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Hôm chúng tôi về lại xóm Phúc Trường, xã Trường Lộc (huyện Can Lộc), gặp và chứng kiến nỗi đau người thân của những nạn nhân xấu số trong vụ tai nạn nói trên. Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Xuân Bính (54 tuổi, xóm Phúc Trường) chìm trong tang tóc kể từ lúc hay tin người con trai là anh Nguyễn Xuân Quốc (26 tuổi) tử vong trong vụ tai nạn thảm khốc tại Thái Lan. Kìm nén nỗi đau, ông Bính kể lại: “Khoảng 12 giờ trưa 5/5 nhận được hung tin, tôi như bị sét đánh ngang tai”.
Hiện gia đình ông Bính không thể sang Thái Lan để đưa thi thể con trai về được nên chỉ biết trông chờ vào sự giúp đỡ của cơ quan chức năng và cộng đồng người Việt ở bên đó. Cũng tâm trạng bất an, anh Nguyễn Huy Ân (40 tuổi, trú xóm Phúc Trường) là chồng của chị Nguyễn Thị Hoa (28 tuổi), một trong 16 nạn nhân người Việt gặp tai nạn trên chuyến xe khách cho biết anh đã nhận được tin vợ mình bị tai nạn từ lúc 10 giờ sáng hôm kia. 9 giờ sáng 7/5, chị Hoa đã điện về bảo là chỉ bị chấn thương ở chân, hiện tinh thần và sức khỏe đã bình ổn trở lại.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND xã Trường Lộc cho biết, hiện chính quyền địa phương đã nhận được thông tin vụ tai nạn nghiêm trọng ở Thái Lan. Riêng đối với trường hợp tử vong khi đưa được thi thể nạn nhân về, UBND xã sẽ phối hợp cùng gia đình lo mai táng chu đáo cho người xấu số.
Số người lao động chết ở Angola ngày càng gia tăng.
Chỉ tính trong khoảng thời gian 2 tháng trở lại đây (tháng 3 – 4/2013), liên tục có hàng chục lao động đi làm việc “chui” ở Angola bị tử nạn với nhiều lý do khác nhau.Theo ông Hồ Cảnh Sáu, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lương – huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) Ngày 14/4/2013, anh Hồ Cảnh Sơn ở xã Quỳnh Phương đã qua đời tại Angola vì bệnh sốt rét ác tính. Trước đó, ngày 12/4, anh Phan Văn Sơn (xã Hưng Tây, Hưng Nguyên) bị tử nạn tại Angola. Hôm 4/4, anh Nguyễn Công Nguyên (trú P. Nghi Hòa, TX Cửa Lò) cũng bị tử vong ở Angola. Một ngày sau (5/4), anh Nguyễn Đức Cao (xã Nghi Kim, TP Vinh) bị tử vong ở Angola do bệnh sốt rét. Ngày 18/3, anh Đậu Xuân Trường (quê xã Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng bỏ mạng ở Angola. Mới đây nhất chiều 8-5, những người lao động từ Angola báo về cho biết anh Nguyễn Văn Hùng (trú xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), một lao động “chui” ở Angola, bị tử vong trong một vụ sập công trình xây dựng.
Theo người nhà lẫn chính quyền địa phương thì những lao động này đều đi xuất khẩu lao động “chui” sang Angola qua một số đường dây môi giới XKLĐ bằng đường du lịch.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH Nghệ An và Hà Tĩnh khẳng định: Hiện Bộ LĐ TB&XH và ngành LĐTBXH hai tỉnh chưa cho phép bất kỳ một đơn vị nào đưa lao động sang Angola làm việc. Hầu hết các lao động đều bị lừa sang Angola làm việc với nhiều ngành nghề khác nhau mà không được bảo hộ. Trong số đó có nạn nhận bị lừa sang ép bán dâm như trường hợp của cô sinh viên Trần Thị T. (20 tuổi), trú tại xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) bị một đối tượng là người quen lừa sang Angola với mục đích để bán dâm cho khách làng chơi. T. được gia đình phát hiện kịp thời cứu ra khỏi “động quỷ” trở về nhà an toàn và đã viết đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng.
Vào đầu tháng 5/2013, Công an TP Hà Tĩnh đã điều tra làm rõ một đối tượng nhận tiền và hồ sơ của 6 công dân ở xã Kỳ Giang và Kỳ Tiến (Kỳ Anh) để đi XKLĐ sang Bồ Đào Nha với tổng số tiền 28.000 USD nhưng không làm thủ tục đi XKLĐ cho các lao động. Các lao động đã gửi đơn tố cáo gửi lên cơ quan Công an điều tra xử lý.
Xuất khẩu lao động với mong muốn thay đổi cuộc sống nghèo khó là ước mơ chính đáng, nhưng nạn XKLĐ “chui” lại đang là vấn đề nhức nhối hiện nay, khi mà cuộc sống của họ không được sự bảo hộ của pháp luật, nhiều người đã phải bỏ mạng ở xứ người, nhiều cô gái rơi vào “động quỷ”, bị ép bán dâm, nhiều gia đình khuynh gia bại sản thực sự đang là hồi chuông cảnh tỉnh.
Sớm có biện pháp mạnh ngăn chặn nạn XKLĐ trái phép.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, khẳng định: “Trước thực trạng trên, mới đây chúng tôi đã lên tiếng cảnh báo về việc XKLĐ sang Angola. Để tránh những rủi ro và thiệt hại không đáng có, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và ĐSQ Việt Nam tại Angola khuyến cáo các công dân Việt Nam cảnh giác trước những quảng cáo, hứa hẹn của các công ty, cá nhân môi giới việc làm, hết sức thận trọng trước khi quyết định đi lao động tại Angola. Nếu công dân Việt Nam nghi ngờ hoặc phát hiện thấy cá nhân hoặc công ty nào có dấu hiệu lừa đảo thì đề nghị thông báo cho các cơ quan hữu quan (Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB & XH hoặc Bộ Công an) để biết và xử lý”.
Do vậy tất cả các cá nhân và doanh nghiệp tổ chức đưa lao động sang Angola hay bất cứ một quốc gia nào khi chưa được cấp phép chính thức thì tất cả đều là bất hợp pháp, phải bị trừng trị nghiêm trước pháp luật.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, nhằm ngăn chặn những đối tượng lừa đảo đưa người lao động sang nước ngoài để trục lợi, không để hậu quả người dân phải gánh chịu.
Lê Dũng
Công Luận