Hình ảnh mưa lũ Hà Tĩnh trung tuần tháng 10.2020. |
Kẻ Gỗ xả lũ thần tốc, hạ du ngập chìm trong biển nước
Do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa kết hợp với rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới nên toàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa to đến mưa rất to. Lượng mưa đo được tại các trạm thủy văn từ 7h ngày 15/10 đến 17h ngày 21/10/2020: TP Hà Tĩnh 1.383,6mm; Thạch Đồng 1.221,5mm; Kỳ Anh 870mm; Hoành Sơn 799,6mm; Hồ Kẻ Gỗ 1.260mm; Sông Rác 1.107mm...
Nước lũ dâng cao phương tiện duy nhất để người dân lựa chọn là thuyền bè. |
Mưa lớn cực đoan, kết hợp với việc hồ Kẻ Gỗ xả lũ “thần tốc” hết công suất chẳng mấy chốc các huyện, thành phố: Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh. Chìm ngập trong biển nước. Thời điểm cao nhất (ngày 20/10) có đến 118 xã, phường, thị trấn (42.456 hộ/151.288 người) của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt lũ. Riêng khu vực hạ du Kẻ Gỗ hầu hết các địa phương đều bị ngập, nhiều nơi ngập sâu từ 2-3 mét, nhiều gia đình phải chịu ngập sâu trong nước nhiều ngày vì nước rất chậm; gây thiệt hại người và tài sản trên 3.000 tỷ đồng.
Đường phố ở T. P Hà Tĩnh mênh mông nước. |
Ngày 20/10, ông Phạm Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) thông tin, lượng mưa giảm, hồ Kẻ Gỗ giảm lưu lượng xả lũ, song lũ rút chậm, so với hôm qua (19/10) chỉ giảm được 20-25 cm, duy chỉ có vùng xã Cẩm Mỹ giảm xuống được khoảng 70 cm.
Tâm lũ đợt này tập trung ở huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh – nơi ảnh hưởng trực tiếp của hồ chứa nước Kẻ Gỗ. Trong những ngày qua (19-22/10), chính quyền và người dân đang quay cuồng trong lũ dữ. Hàng chục nghìn hộ dân ngập sâu trong lũ, có nơi nước chạm đến nóc nhà. Cơn đại hồng thủy đi qua đã để lại muôn vàn sự mất mát, đau thương với 6 người chết, thiệt hại tài sản trên 3 ngàn tỷ đồng. Nhiều gia đình trắng tay, từ đồ gia dụng, ti vi, tủ lạnh đến trâu bò, lợn gà cửa nhà cây cối, hoa màu kể cả số lương thực đã thu hoạch đều trôi theo dòng lũ.
Dân sống nóc nhà chờ nước rút. |
Trở lại nhà sau những ngày di trú, bà Phạm Thị Quế (thôn Phái Đông, xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) mất trắng 100 con gà, 100 con vịt và toàn bộ gần 1 tấn lúa đã xốc lên mùi chua nồng vì 4 ngày trời ngập nước lũ.
Bà Quế cho biết: “Số lúa này không ăn được nữa nhưng công sức cả một mùa của mình bỏ đi sao được. Mấy hôm nhờ các chú công an, bộ đội trên huyện về làm giúp, nay toàn bộ đã phơi phong để xay ra làm thức ăn cho chăn nuôi. Đợi trời “lặng” mưa gió, tôi sẽ gây lại đàn gà, đàn vịt chứ người nông dân biết làm gì nữa đâu”.
Dân khóc ròng vì lúa nảy mầm. |
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo vào ngày 24/10 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các ngành chức năng vẫn cho rằng, việc xả lũ vừa qua hoàn toàn khoa học, đúng quy trình, và khẳng định: “Trong quá trình điều tiết, hồ Kẻ Gỗ đã tham gia chậm lũ cho hạ du với dung tích khoảng trên 200 triệu m3”. Ở đây chúng tôi chưa bàn về vấn đề này.
Nhớ lại trận lũ lịch sử năm 2010 – là cơn lũ thiết lập nên mức lũ lịch sử tại thời điểm đó. Theo đó, các địa phương vùng hạ du Kẻ Gỗ cũng bị ngập nặng, trên diện rộng, gây thiệt hại ghê gớm, nhưng mực nước còn thấp hơn mốc lịch sử lần này đến cả mét.
Như vậy, xem ra, tác nhân gây ngập lụt sâu, trên diện rộng địa bàn hạ du Kẻ Gỗ, ngoài các yếu tố về thời tiết, xả lũ còn có một nguyên nhân hết sức quan trọng, đó là hiện tượng ách tắc dòng chảy. Nếu đúng vậy, thì có lẽ chúng ta đang "mắc nợ" người dân nơi đây một công trình tiêu thoát lũ đúng tầm!
Công trình cấp bách 10 năm ì ạch vẫn chưa làm được!
Đi sâu tìm hiểu những vấn đề liên quan, gặp gỡ những người có trách nhiệm, với mong muốn tìm ra một giải pháp cứu nguy vùng hạ du Kẻ Gỗ mới biết, từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đề cập, quan tâm đến vấn đề này.
Người dân xúc động khóc khi nhận được hàng cứu trợ kịp thời của các đoàn thiện nguyện. |
Trong đợt lũ tháng 10/2010, kết hợp với xã lũ công trình gây ngập lụt nghiêm trọng vùng hạ du, ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân trong vùng. Xét đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 31/5/2011, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 868 TTg – KTN đồng ý cho UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lập phê duyệt dự án tăng cường khả năng thoát lũ, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng ngập lũ ở hạ du công trình thủy lợi Kẻ Gỗ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký.
Sau một thời gian thông qua các bộ, ngành, hoàn tất các thủ tục, ngày 27/10/2016, Bộ Trưởng Bộ NNPTNT có văn bản số 9071/ BNN-KH gửi Bộ KHĐT về việc bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng dự án tăng cường khả năng tiêu thoát lũ, giảm ngập úng cho vùng hà du Kẻ Gỗ. Theo đó, Công trình được bố trí vốn vào danh mục dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ NNPTNT quản lý giai đoạn 2017 – 2020 là 150 tỷ đồng/995,68 tỷ đồng để thực hiện ngay một số hạng mục cấp bách nhất của dự án thoát lũ hạ du Kẻ Gỗ.
Thế nhưng, đến thời điểm này đã hơn 10 năm, dự án cấp bách này vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân nào dẫn đến kết cục oái ăm đó là câu hỏi băn khoăn của dư luận.
Sau khi tìm hiểu được biết, tháng 7/2016, Bộ Nông nghiệp đã có văn bản số 6431/BNN ngày 28/7/2016 đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh ưu tiên đối với các hạng mục cấp bách và phân kỳ đầu tư phù hợp cho Dự án, tăng cường khả năng tiêu thoát lũ vùng hạ du công trình thủy lợi Kẻ Gỗ. Nhưng khi Bộ Nông nghiệp bố trí vốn cho dự án tại văn bản số 9071/BNN_KH ngày 27/10/2016 thì Hà Tĩnh lại đề nghị chuyển tiền sang dự án Ngàn Trươi - Cẩm Trang.
Điều này được thể hiện: Ngày 30/10/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn số 5666/UBND-NL về việc bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020, trong đó có đoạn: “Xuất phát từ thực tế UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ NNPTNT cố gắng xem xét, giúp đỡ bố trí ngồn vốn trái phiếu Chính phủ… Trường hợp hợp khả năng nguồn vốn trái phiếu CP không thể cân đối được cho cả hai dự án (Ngàn Trươi và thoát lũ Kẻ Gỗ - PV) thì đề nghị Bộ ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2 dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang…”
Điều này cho thấy, xem ra những người có trách nhiệm chưa quan tâm đúng mức đến những hiểm họa từ lũ lụt tại vùng hạ du Kẻ Gỗ!
Dân dọn dẹp sau lũ. |
Giá như, chúng ta tiên lượng được tình hình, có trách nhiệm hơn với tài sản và tính mạng của người dân, thực hiện dự án tiêu thoát lũ vùng hạ du Kẻ Gỗ một cách nghiêm túc, thì hậu quả cơn lũ lịch sử năm 2020 sẽ giảm thiểu đáng kể mức độ thiệt hại, người dân đỡ mất mát biết chừng nào. Trách nhiệm này hoàn toàn thuộc về một số tổ chức, cá nhân mà trực tiếp đó là Trưởng Ban quản lý ĐTXD các công trình NN-PTNT Hà Tĩnh.
Cần lắm một quyết sách thoát lũ hạ du
Lũ lụt xảy ra ở Hà Tĩnh vùng hạ du Kẻ Gỗ nói riêng do nhiều nguyên nhân, bao gồm thủy triều, mưa lũ. Trong những năm gần đây, các điều kiện khí hậu bất thường đã gây ra các hiện tượng mưa cực đoan về cường độ, tần suất và hình thái, cùng với nước biển dâng dẫn đến các nguy cơ ngập lụt. Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, cùng hệ thống xả lũ qua hệ thống tràn Kẻ Gỗ, Bộc Nguyên, lại gặp lúc triều cao, dẫn đến tiêu thoát lũ vùng hạ du diễn ra rất chậm. Thêm vào đó là sự biến đổi dòng chảy, làm cho lòng dẫn các con sông bị quanh co, uốn khúc; mặt cắt thoát lũ, các cửa sông bị bồi lấp và thu hẹp nên khả năng tiêu thoát kém. Việc chặt phá rừng đầu nguồn, chất lượng độ che phủ rừng đầu nguồn bị suy giảm là nguyên nhân dòng lũ nhanh chóng đổ về hồ Kẻ Gỗ và Bộc Nguyên tạo thêm áp lực xả nước và gây lũ lụt cho vùng hạ lưu.
Thành phố Hà Tĩnh ngập chìm trong biển nước. |
Mặt khác, việc xây dựng các ao đầm nuôi trồng thủy sản tự phát, sự phát triển nhanh về hạ tầng bao gồm giao thông và nhà cửa đã thu hẹp các trục tiêu thoát lũ và gây lũ lụt cục bộ cho nhiều vùng. Nhận thức của một số bộ phận nhân dân chưa tốt, dẫn đến việc đổ rác thải bừa bãi xuống các hệ thống tiêu, thoát lũ làm cản trở đến dòng chảy.
Ngoài các nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chính yếu đó là do việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu quy hoạch, mặt cắt tiêu thoát lũ bị bồi lấp, lấn chiếm, thu hẹp, không được nạo vét thường xuyên và tổng thể… nên khả năng tiêu thoát lũ kém, gây nên tình trạng ngập sâu dài ngày. Việc đầu tư cho nạo vét, xử lý, tu bổ, nâng cấp hệ thống tiêu, thoát lũ hàng năm chưa tương xứng với quy mô, nhiệm vụ của công trình.
Chủ trương đầu tư nhằm tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập lụt cho vùng hạ du hồ Kẻ Gỗ; củng cố hệ thống công trình phòng, chống lũ giảm ngập úng cho thành phố Hà Tĩnh; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo lũ để kịp thời có phương án đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du Kẻ Gỗ là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chiến lược quan trọng; đảm bảo điều chỉnh hài hòa nguồn nước lũ về các trục tiêu thoát chính sau hạ du công trình Kẻ Gỗ, cải thiện giao thông thủy, giải quyết thực trạng ngập sâu, dài ngày cho một số khu vực dân cư trong mùa mưa lũ và tiêu thoát nhanh cho hệ thống Kẻ Gỗ; đảm bảo tần suất thoát lũ, thích ứng với nhiệm vụ quy hoạch, phát triển KT-XH và một phần ứng phó với nước biển dâng do biến đổi khí hậu toàn cầu; góp phần cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái cho vùng hạ du Kẻ Gỗ. Đây cũng là dự án phù hợp với nguyện vọng của nhân dân địa phương, phù hợp với chủ truơng và chính sách của Đảng, Nhà nước.
Hy vọng, Bộ NNPTNT sẽ có quyết sách cấp bách cứu nguy vùng hạ du Kẻ Gỗ một ngày sớm nhất.
Nguồn tin: thoivietbao.vn