Cần Giúp Đỡ

Can Lộc: Cậu bé mù ước mơ trở thành thầy giáo

Ngôi nhà nhỏ của em Trần Việt Hoàng (14 tuổi, học sinh lớp 7A trường THCS Đồng Lộc) nằm sát sau ngọn đồi ở thôn Liên Tân, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Hoàng là con út trong gia đình có hai chị em. Khi em vừa lọt lòng, cũng vì gia cảnh quá khó khăn nên người bố đã bỏ đi, mọi gánh nặng đè lên đôi vai gầy yếu của người mẹ.

Bị viêm võng mạc, không có tiền chữa trị nên đôi mắt Hoàng vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Tuy nhiên, cậu học trò nhỏ vẫn cố gắng theo kịp các bạn sáng mắt và luôn đứng trong tốp 4 của lớp 7A trường THCS Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Cuộc sống gian khó, nhưng hai chị em Hoàng luôn ngoan ngoãn và học hành rất chăm chỉ. Đến học kỳ I năm lớp 4, đôi mắt Hoàng tự nhiên mờ dần. “Cháu bị viêm võng mạc, hồi đó không có tiền chữa trị. Có lần gom góp được ít tiền ra Hà Nội, bác sĩ nói đã quá muộn, hai mẹ con ôm nhau khóc, tui không còn muốn sống nữa. Nhưng con trai đã nắm lấy tay mẹ và nói: ‘Mẹ mà đi, con với chị và bà ngoại sẽ không ai nuôi”, chị Trần Thị Sen (47 tuổi, mẹ Hoàng) nhớ lại.

Đối diện với bóng tối, Hoàng hoảng sợ, mặc cảm. Được sự động viên của gia đình, em cùng mẹ tới Hội người mù huyện Can Lộc học chữ nổi Braille để mong có ngày trở lại trường. Nhưng học xong chữ nổi, Hoàng không thể xin học tiếp vì các trường từ chối tiếp nhận với lý do học sinh mù không thể theo kịp các bạn bình thường.

tranviethoang1.jpg

Hoàng đang mò mẫm từng ký hiệu trên chữ Braille. Ảnh: Hùng Lê.

Lúc ấy, chị Sen đã làm đơn gửi Phòng Giáo dục huyện, trình bày nguyện vọng muốn được đi học của con trai. Nhìn vào sự quyết tâm của người mẹ và nghị lực tiềm ẩn trong cậu học trò nhỏ, vị trưởng phòng đã đồng ý cho Hoàng về học tiếp kỳ II của lớp 4 ở trường Tiểu học Đồng Lộc.

Những ngày đầu trở lại lớp, thấy các bạn đọc, viết vanh vách, còn mình phải mò mẫm từng ký tự, Hoàng rấm rứt khóc vì thấy mình thua thiệt quá. Về sau, mỗi ngày cậu bỏ ra 3 tiếng để học chữ Braille. Lên lớp có thầy cô, bạn bè giúp sức, ở nhà chị gái chỉ bảo tận tình nên dần dần Hoàng đã thích nghi với việc học con chữ trong bóng tối.

“Chữ Braille rất nhiều ký tự và khó nhớ, lúc đầu em tính theo ký hiệu, bây giờ quen rồi thì cảm nhận là có thể biết được. Khi đi học, nếu cô giáo đọc chậm thì có thể em ghi kịp, còn đọc nhanh thì không thể. Giờ ra chơi, em lên hỏi, nhờ cô giáo đọc lại để ghi. Khi về nhà thì có một vài người bạn tới giúp để em không bị lỡ bài”, Hoàng chia sẻ.

Suốt 7 năm học, Hoàng đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, luôn nằm trong tốp 4 của lớp. Cậu học đều các môn, nổi trội là Vật lý và Sinh học. Trong ngôi nhà được hội người mù của huyện xây tặng, vật dụng đáng giá nhất chính là những chiếc giấy khen của hai chị em. Chị gái Hoàng là Trần Thị Hà đang là sinh viên năm cuối ĐH Nông Lâm Huế.

Trong mấy năm qua, mọi nguồn thu nhập của gia đình đều trông vào 4 sào ruộng, hết vụ mùa người mẹ đi làm thuê để lấy tiền mua sách vở, nuôi các con và chữa bệnh cho bà. Hoàng và chị gái ý thức được hoàn cảnh nên luôn phụ giúp mẹ. Hằng ngày đi học về, tuy đôi mắt mù nhưng em vẫn chăm sóc người bà bị bệnh thận nằm một chỗ.

Ngoài nỗ lực của bản thân, Hoàng còn được sự trợ giúp rất lớn từ thầy cô và bạn bè. Suốt 2 năm nay, mẹ em vì vướng bận công việc không thể chở đi học, cô bạn cùng lớp gần cạnh nhà là Nguyễn Thị Phương Anh đã tình nguyện chở cậu đi. Cứ đúng 6h sáng, cô học trò nhỏ luôn đến trước ngõ chở cậu bạn đi tới trường.

tranviethoang2.jpg

Nắng cũng như mưa, cô bạn nhỏ Phương Anh luôn đồng hành chở Hoàng đi học mỗi ngày. Ảnh: Đức Hùng.

“Hoàng học rất giỏi, em thấy khâm phục khả năng và nghị lực phi thường của bạn ấy. Sách vở bằng chữ nổi rất nặng, hôm nào cũng một cặp dày cộp, nhưng bạn ấy đều không kêu ca và than vãn một câu. Nhiều hôm đi học về xe bị thủng săm, mồ hôi nhễ nhại, em đẩy xe, bạn ấy níu đằng sau cùng theo về. Bọn em tự nhủ phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn để học thật tốt, mơ ước của em chính là trở thành một bác sĩ để cứu giúp người, trong đó có bạn em”, cô học trò xinh xắn bẽn lẽn cười.

Còn Hoàng cho biết, lúc nhỏ em ước mơ trở thành phi công có thể bay lượn trên bầu trời. Nhưng từ khi bị mù, em luôn mong sao sau này có thể trở thành người giáo viên dạy chữ Braille để giúp những người có cảnh ngộ như mình.

Nhắc đến cậu học trò khiếm thị, cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A cho biết: “Ban đầu khi nhập trường, mọi người cứ nghĩ Hoàng sẽ không theo kịp các bạn. Nhưng qua quá trình học thì em hòa nhập rất tốt, học khá và luôn nằm trong số 4 bạn đứng đầu lớp. Các bài kiểm tra môn Toán, Hoàng thường làm được 7-8 điểm”.

Đức Hùng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP