Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì giáo viên chỉ phải thực hiện 4 loại hồ sơ, sổ sách. Nhưng trên thực tế, hiện nay họ phải thực hiện với số lượng lớn hơn nhiều, với những hồ sơ sổ sách “con”, có loại là do cấp Sở, cấp Phòng quy định nhưng phần lớn là do Ban giám hiệu.
Đó cũng chính là những sản phẩm “sáng tạo” từ tư duy của các cá nhân cán bộ quản lý.
Dường như có một sự mặc định đầy nghịch lý: Cơ quan quản lý giáo dục cấp thấp hơn và ban giám hiệu của những trường càng nhỏ bao giờ cũng tích cực đặt thêm nhiều hơn quy định, để buộc giáo viên thực hiện thêm càng nhiều loại hồ sơ sổ sách.
Giáo viên phải đánh vật với hàng loạt loại sổ sách (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Không kể bậc mầm non, thì khổ nhất có lẽ là giáo viên tiểu học. Đã phải dạy nhiều tiết/ tuần lại phải thực hiện nhiều loại hồ sơ, sổ sách hơn cấp trung học nhiều lần, giáo viên trung học phổ thông dạy ít tiết/ tuần thì thực hiện ít loại hồ sơ sổ sách hơn giáo viên dạy ở trung học cơ sở.
Ví dụ, giáo viên tiểu học bắt buộc phải có: Giáo án chính khóa (mỗi môn một giáo án), giáo án hướng dẫn học, giáo án hoạt động ngoại khóa, giáo án sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao, giáo án an toàn giao thông, giáo án giảng dạy nếp sống văn minh thanh lịch, sổ chủ nhiệm cá nhân, sổ chủ nhiệm của khối (nếu là khối trưởng), sổ hội họp. Thậm chí, có trường còn quy định sổ dành riêng cho họp hội đồng, sổ họp sinh hoạt chủ nhiệm, sổ họp sinh hoạt chuyên môn. Rồi còn sổ dự giờ, sổ điểm, lịch báo giảng. Khi thực hiện lớp 1 không chấm điểm thì giáo viên lại phải làm sổ nhận xét theo tuần…
Giáo viên còn phải thực hiện rất nhiều loại văn bản kế hoạch, báo cáo thống kê như: Kế hoạch cá nhân, kế hoạch chủ nhiệm, kế hoạch giáo viên giúp đỡ giáo viên, kế hoạch giáo viên giúp đỡ học sinh, kế hoạch tự bồi dưỡng và bồi dưỡng thường xuyên… Về báo cáo thống kê thì không nhớ nổi mỗi năm học giáo viên phải làm bao nhiêu loại báo cáo nhưng tập trung và căng thẳng nhất là vào cuối các học kỳ, cuối năm do áp lực tiến độ thời gian (chậm sẽ bị trừ điểm thi đua).
Có những mẫu báo cáo thống kê chẳng biết để làm gì nhưng đòi hỏi phải bỏ nhiều công sức để thực hiện chẳng hạn như báo cáo thống kê về số lượng và tỷ lệ điểm số bộ môn của từng giáo viên. Đếm số lượng từng điểm cách nhau 0,5 từ 0 đến 10 rồi chia tỷ lệ thật là một việc nhiêu khê không khác gì cô Tấm lựa đậu, nhất là đối với những giáo viên dạy những môn càng ít tiết/ tuần càng nhiều học sinh và không chính xác là điều chắc chắn.
Nhiều giáo viên thử ghi những con số tùy thích rồi tính tỷ lệ/ tổng số theo thống kê của nhà trường vào báo cáo nhiều năm liền nhưng không thấy ai nói gì. Điều này chứng tỏ có thể không ai đọc báo cáo này và nếu có đọc cũng không nhận biết và quan trọng hơn là nó đã khẳng định những loại báo cáo, thống kê loại này thực sự là không cần thiết.
Đến hẹn lại lên, năm nào giáo viên cũng phải làm đề kiểm tra kèm theo ma trận, đáp án môn, cấp lớp mình dạy, kể cả những môn như thể dục, công nghệ, nhạc, mỹ thuật… gửi về cho ban giám hiệu, cho Phòng Giáo dục (nếu trường trực thuộc Phòng), cho Sở Giáo dục (nếu trường trực thuộc Sở) nói là để làm “ngân hàng đề”.
Chẳng biết thực hư thế nào nhưng suốt nhiều năm như thế đến nỗi giáo viên “hết đề”, bèn quay về lấy đề cũ để gửi cũng chẳng ai có ý kiến gì thế nhưng không gửi thì sẽ bị “cắt” thi đua.
Cực nhất về hồ sơ, sổ sách có lẽ là giáo viên chủ nhiệm. Không có quy định nào của cơ quan quản lý giáo dục nhưng hiện nay dường như tất cả các trường phổ thông đều bắt buộc giáo viên chủ nhiệm phải sử dụng mẫu sổ chủ nhiệm mà theo họ nói là “của Bộ” dày gần 200 trang với nhiều nội dung không phù hợp thậm chí là vô lý nhưng bắt buộc vẫn phải ghi đầy đủ. Trong khi đó có nhiều nội dung cần thiết nhưng không có chỗ để ghi nhận do đó, để quản lý lớp có hiệu quả giáo viên chủ nhiệm phải làm thêm sổ khác.
Ngoài ra, ở từng trường tùy theo trình độ, năng lực, phẩm chất của cán bộ quản lý mà có thể có thêm ít hoặc nhiều những loại giấp phép con khác. Ví dụ: Giáo án phải viết tay mới “hợp pháp”; chỉ nhận những bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên hoặc học tập chính trị, nghiệp vụ viết tay dù biết rõ là chép của người khác, thậm chí là nhờ người khác viết giúp (biết là bài tự làm nhưng đánh và in vi tính thì coi như không nộp); chỉ điểm danh là có tham dự tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần hoặc lễ, sự kiện nào đó của trường khi mặc đồng phục (có mặt nhưng không mặc đồng phục coi như vắng)...
Còn nhiều lắm những “giấy phép con” ở từng trường rất cần mạnh dạn cắt bỏ mới mong nhà giáo được giải phóng và nghề giáo được thăng hoa.
Phát biểu tổng kết tại hội nghị trực tuyến về triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới vào chiều ngày 9.1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ mong muốn rằng các địa phương chỉ đạo các sở, phòng và đặc biệt hiệu trưởng các trường phổ thông phải chú ý đến việc giảm những vấn đề hành chính, sổ sách cho giáo viên.
"Chúng ta cũng cần ứng dụng công nghệ thông tin để các thầy cô “nhẹ gánh” đi và không phải mất nhiều thời gian, áp lực hay ức chế chỉ vì những việc liên quan đến sổ sách” - ông Nhạ đề nghị.
Tác giả: Lê Minh Hoàng(Gò Công Tây, Tiền Giang)
Nguồn tin: Báo VietNamNet