Lần đầu tiên kể từ sau ngày giải phóng, một chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới với những thay đổi toàn diện từ thiết kế, nội dung đến hình thức được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Với những mục tiêu như đổi mới toàn diện phương pháp dạy học và sáng tạo, chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất người học, lần đổi mới này được kỳ vọng là cơ hội cho giáo dục Việt Nam chuyển mình, hội nhập khu vực và thế giới.
Lớp học “truyền thống” hết thời
Tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Định hướng giáo dục trong tương lai” do tổ chức giáo dục Embassy Education tổ chức ở TPHCM sáng 11-10, hơn 200 cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã được bà Sarah Elizabeth Ippel, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc điều hành Học viện Công dân toàn cầu (Hoa Kỳ), chia sẻ về các mô hình dạy học sáng tạo đã áp dụng tại hơn 80 quốc gia trên thế giới.
Diễn giả cho biết, vào cuối thế kỷ 20, nhiều quốc gia vẫn duy trì mô hình lớp học “truyền thống” với tất cả lớp học được thiết kế giống nhau từ vị trí kê bàn giáo viên, bàn học sinh theo một trật tự cho trước.
Tuy nhiên, với yêu cầu đổi mới và sáng tạo đặt ra trong thời đại mới, không gian lớp học được mở rộng tối đa, không còn không gian chuẩn hóa chung cho tất cả phòng học.
Ở đó, người học được “nhúng” mình vào thế giới tự nhiên, mọi không gian từ hành lang, vườn rau, nhà ăn đều có thể trở thành lớp học. Cái học sinh tiếp thu không phải là kiến thức mà là phương pháp, giúp khơi dậy ở các em lòng say mê, cảm hứng cho việc học tập suốt đời.
Phòng giảng dạy Stem của Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) . Ảnh: LÊ DUY |
Ở góc độ khác, TS Stephanie Pace Marshall, Chủ tịch sáng lập Học viện Toán học và Khoa học (bang Illinois, Hoa Kỳ), cho rằng giáo dục hiện đại phải hướng đến việc khơi dậy sự tử tế và tiềm năng của mỗi người học.
“Tôi từng nghe học sinh của tôi nói không làm được cái này, cái kia. Hoặc, giáo viên phản ánh bạn này học được môn toán, bạn kia không. Vậy vì sao chúng ta không giúp các em giải phóng tiềm năng đó, khơi dậy bản chất sáng tạo - vốn là tài nguyên riêng của mỗi người”, TS Stephanie Pace Marshall nói.
Nhìn lại nền giáo dục Việt Nam, nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học thừa nhận đa số vẫn đang vận hành mô hình lớp học “thầy giảng, trò chép”. Ở đó, học trò không có thói quen chất vấn thầy cô. Em nào phản biện được xem là thiếu lễ phép.
“Vì vậy, trước khi hướng đến mục tiêu đổi mới, tôi nghĩ chúng ta phải xóa bỏ nhiều rào cản, trong đó hàng loạt vấn đề được đặt ra như văn hóa, quy tắc ứng xử, tổ chức không gian lớp học, chứ không đơn thuần chỉ là cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy”, vị hiệu trưởng bày tỏ.
Đề cao tính chủ động, sáng tạo
Còn nhớ, tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã chia sẻ câu chuyện trong chuyến công tác đến Israel.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu thắc mắc với đại diện nước bạn rằng bí quyết nào giúp đất nước họ thành công. Đại diện nước bạn đã chỉ tay về phía bãi biển, nơi đám trẻ nhỏ đang chơi đùa và trả lời: “Bí quyết của chúng tôi nằm ở đó”.
Họ giải thích, đó là những đứa trẻ không bao giờ hài lòng với những điều người khác trình bày sẵn. Chúng luôn đặt câu hỏi tại sao như vậy và có thể làm khác được không? Tính tranh luận, phản biện trở thành nét văn hóa hình thành ngay từ nhỏ, trở thành tiền đề cho sự sáng tạo khi lớn lên.
Điều đáng mừng, theo PGS-TS Dương Bá Vũ, thành viên Ban Phát triển chương trình GDPT mới, chương trình sẽ sử dụng 4 mức độ “biết, hiểu, vận dụng và vận dụng cao” để kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong chương trình mới, việc học không nhằm mục đích “biết để hiểu” mà là “biết để làm”.
Tuy nhiên, ông Vũ cũng thừa nhận trong các thang bậc đánh giá, có yếu tố có thể đo lường được như kiến thức, kỹ năng, nhưng có yếu tố không đo lường được là thái độ người học.
Thực tế này đòi hỏi người giáo viên phải có ý thức không ngừng học hỏi, tự bồi dưỡng chuyên môn, đồng thời phối hợp tốt với phụ huynh để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Với chương trình GDPT mới, một giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng thời điểm triển khai đã cận kề, ngành giáo dục trước tiên cần chuẩn bị tâm lý chủ động cho giáo viên.
Chỉ khi tâm lý “ngại đổi mới” được thay đổi, giáo viên mới chủ động tiếp cận, làm quen với các mô hình, phương pháp giáo dục mới. Khi đó, mục tiêu đổi mới sẽ đạt hiệu quả.
Chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới phương pháp giảng dạy, bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (quận 1), cho biết thời gian đầu khi triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, bản thân hiệu trưởng phải là người chủ động “truyền lửa” cho giáo viên. “Không thể kỳ vọng tất cả giáo viên đều tích cực tiếp nhận phương pháp mới. Tôi cho giáo viên thời gian làm quen, tìm hiểu, song song với việc tạo dựng đội ngũ nòng cốt giúp lan tỏa tinh thần đổi mới”, bà Bùi Minh Tâm cho biết. |
Tác giả: Minh Quân
Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng