|
Nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương (ảnh) cho rằng, nếu cán bộ, đảng viên có hành vi “mua” điểm cho con thì rõ ràng đây là một biểu hiện suy thoái, và nếu không xử lý nghiêm khắc sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào uy tín của Đảng.
Vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một loạt các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La vẫn đang làm nóng dư luận hơn lúc nào hết, khi hầu hết những thí sinh được nâng điểm để đỗ vào những trường đại học (ĐH) tốp đầu của cả nước lại đều là con, cháu, người thân của các cán bộ, lãnh đạo tại các địa phương. Nhiều ý kiến cho rằng cán bộ, lãnh đạo “mua” điểm cho con dù bằng cách này hay cách khác đều phải bị xử lý nghiêm, loại bỏ khỏi bộ máy, thậm chí khởi tố nếu vi phạm pháp luật.
Trao đổi với Thanh Niên, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương cũng nhấn mạnh, dù việc mua điểm của cán bộ, lãnh đạo này là chủ động hay không thì họ đều có trách nhiệm và cần phải xử lý nghiêm, nhất là trong bối cảnh Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ 13 đang tới gần.
“Rõ ràng là họ có quyền họ mới “chạy” được”
Dư luận đang rất bức xúc khi hầu hết những thí sinh được nâng điểm để đỗ vào các trường ĐH trong kỳ thi THPT 2018 vừa qua lại là con, cháu, người thân của các cán bộ, lãnh đạo tại các địa phương. Ông bình luận thế nào về việc này?
Tôi cho rằng đây là một hiện tượng không bình thường và đối với cán bộ, đảng viên thì hành vi “chạy”, “mua” điểm cho con là một biểu hiện của suy thoái. Có thể coi hành vi này vào biểu hiện của loại suy thoái đạo đức, lối sống trong đó có việc chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy thành tích, chạy danh hiệu, đặc biệt là sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân, trục lợi.
ẢNH: NGỌC THẮNG |
Hành vi mua điểm cho con cháu, nếu có mà không được xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. Vì anh là đảng viên, cán bộ, là lãnh đạo mà lại có hành vi lo lót cho con cháu mình là anh không thanh liêm.
Rõ ràng là họ có quyền họ mới “chạy” được, chứ người dân thường thì làm sao “chạy” được?
Như vậy, cán bộ, lãnh đạo địa phương “mua” điểm cho con, dù theo cách này hay cách khác đã vi phạm các quy định của Đảng, thưa ông?
Ban Chấp hành T.Ư vừa ra Nghị quyết hội nghị T.Ư 7 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là ủy viên T.Ư. Cấp ủy Đảng các cấp từ xã, huyện cho tới cấp tỉnh đều phải có trách nhiệm phải gương mẫu, trong đó quan trọng nhất là không được tham nhũng, không chạy chức, chạy quyền, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; không được lợi dụng chức vụ quyền hạn và để người thân lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi.
Tất nhiên, trong vụ việc này rõ ràng có phần trách nhiệm rất lớn trong quy chế tổ chức, kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, nhưng tôi cho rằng chính bản thân, gia đình các cán bộ, đảng viên lãnh đạo các địa phương đã không gương mẫu, không làm gương cho người khác.
Nhưng cũng có ý kiến nói rằng nhiều cán bộ, lãnh đạo có thể bị “oan”, vì bản thân họ không chỉ đạo nâng điểm cho con, cháu mà có thể cấp dưới làm để lấy lòng cấp trên?
Đúng là có thể có trường hợp cán bộ, lãnh đạo không chủ động tác động để con cháu được nâng điểm mà cán bộ cấp dưới muốn tranh thủ để lấy lòng cấp trên. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong trường hợp này cán bộ lãnh đạo vẫn có lỗi.
Chẳng hạn như trường hợp xe biển xanh đón vợ vị bộ trưởng nọ ở sân bay mới xảy ra gần đây, tôi đã phát biểu, dù giải thích theo cách nào thì anh là bộ trưởng, anh vẫn có lỗi. Nếu như không phải chủ trương của anh mà vợ anh, cấp dưới của anh vi phạm thì cũng là do anh kỷ luật không nghiêm.
Trong trường hợp này, nếu như có cấp dưới nào tự ý nâng điểm cho con ông bí thư tỉnh thì rõ ràng anh không nghiêm họ mới dám làm như thế. Và để cấp dưới làm sai, là người đứng đầu địa phương, anh càng phải chịu trách nhiệm.
Không đưa vào cấp ủy khóa tới nếu chưa có kết luận rõ ràng
Vậy quan điểm của ông về việc xử lý đối với những trường hợp cán bộ, lãnh đạo “mua” điểm cho con như thế nào?
Quan điểm của tôi là các cơ quan chức năng phải vào cuộc, làm rõ sai phạm để xử lý nghiêm. Nếu cán bộ, lãnh đạo có sự chỉ đạo, tác động thì phải kỷ luật, xử lý. Còn nếu sai phạm là do cấp dưới chủ động thì kỷ luật, xử lý cấp dưới.
Tuy nhiên, nói theo cách nào thì bản thân họ là cán bộ, đảng viên, là lãnh đạo họ phải có trách nhiệm trong vấn đề này chứ không thể nói là không có trách nhiệm được. Ít nhất là phải kỷ luật, còn nặng nhẹ thế nào thì phải có sự điều tra, làm rõ trách nhiệm dựa trên chứng cứ và xử lý theo quy định pháp luật.
Cả xã hội đang chờ kết luận các cơ quan chức năng liên quan tới các trường hợp là con, cháu của cán bộ, lãnh đạo. Theo ông, về mặt Đảng, chúng ta có thể xử lý được không?
Các cấp ủy, tổ chức Đảng như ủy ban kiểm tra, ban tổ chức các cấp có thể vào cuộc, kiểm tra. Chúng ta đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ 13, công tác cán bộ càng phải làm chặt chẽ. Tôi cho rằng, phải rà soát tất cả những trường hợp có dư luận về việc nâng điểm cho con cháu. Rà soát, kiểm tra lại để có kết luận rõ ràng. Nếu chưa có kết luận thì phải kiên quyết không đưa vào cấp ủy.
Dư luận cho rằng, nếu như vụ việc này không được xử lý một cách nghiêm minh sẽ để lại nhiều hệ lụy rất xấu?
Trước hết, sự gian lận này đang làm hỏng cả hệ thống giáo dục. Bởi nền giáo dục gian lận sẽ đào tạo nên những người dốt, không có năng lực, hữu danh vô thực dù bằng cấp rất cao, ai cũng ĐH cả. Nó tạo ra một thế hệ tương lai không phải là những nhân tài thực sự mà là những người không có năng lực. Chưa kể, sự gian lận này sẽ kéo theo nó là chạy chức, chạy quyền. Anh không có năng lực thì đến lúc ra đời, anh lại phải lo lót để được vào chỗ này, chỗ kia. Người ta chẳng đã nói: Nắng mưa là tại ông trời, con mình học dốt tìm người đưa lên?
Một điều nữa, hành vi mua điểm cho con cháu, nếu có mà không được xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. Vì anh là đảng viên, cán bộ, là lãnh đạo mà lại có hành vi lo lót cho con cháu mình là anh không thanh liêm. Chất lượng cán bộ của Đảng như vậy là quá thấp mà không xử lý thì người dân sẽ mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Ý kiến Làm quyết liệt để chỉ ra sai phạm
Hành vi “mua” điểm rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, tôi cho rằng, cần phải xử lý. Bởi nếu xử lý không nghiêm thì sẽ nhờn pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, nếu như có người khác “mua” điểm giúp hoặc nâng điểm giúp thì khác, còn nếu bản thân cán bộ, lãnh đạo trực tiếp đi mua điểm thì phải xử lý nặng hơn. Muốn vậy, cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ từng trường hợp một. Vấn đề quan trọng lúc này là phải vào cuộc quyết liệt để tìm ra sai phạm cụ thể. Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng Xử lý không nghiêm, người ta sẽ còn làm
Quan điểm của tôi là phải làm rõ để xử lý và công khai danh tính của những người vi phạm, bất kể người đó là ai. Bởi đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tác động ghê gớm tới niềm tin của nhân dân trong xã hội. Nếu như không xử lý nghiêm thì sẽ dẫn đến “nhờn” pháp luật và sau này, người ta sẽ còn làm, những vụ việc tương tự sẽ còn diễn ra. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh |
Tác giả: Lê Hiệp
Nguồn tin: Báo Thanh niên