Tại hiện trường, khi chúng tôi có mặt thì thấy có hai chiếc máy xúc đang làm việc hết công suất, kèm theo đó là khoảng một chục chiếc xe tải hối hả vận chuyển đất chạy trên đường, khói bụi bay mù mịt. Quan sát cho thấy, trên một diện tích khá rộng, hàng chục đám ruộng đã bị đào xới một cách không thương tiếc, nhiều chỗ bị khoét sâu cả mét.
|
Doanh nghiệp ngang nhiên đào ruộng lấy đất ở xã Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên |
Trước sự việc này, chúng tôi đã liên lạc với lãnh đạo UBND huyện Cẩm Xuyên thì được biết, trên khu vực địa bàn xã Cẩm Quang không có bất kỳ mỏ đất nào và huyện cũng không cấp phép cho đơn vị, cá nhân nào khai thác đất. Ngay sau đó, UBND huyện đã cử ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Trưởng phòng TN&MT đến kiểm tra, lập biên bản đình chỉ, nhưng phía Công ty Cổ phần Gạch ngói Cầu Họ vẫn ngang nhiên cho xe, máy hoạt động.
Theo ông Đặng Trọng Sơn, cán bộ Công ty Cổ phần Gạch ngói Cầu Họ, sau khi thỏa thuận, chi trả tiền đền bù cho các hộ dân, phía Công ty đã làm tờ trình, kèm theo phương án cải tạo lên UBND xã Cẩm Quang. Sau khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương, Công ty đã thuê người và phương tiện vào tiến hành khai thác. Nếu không có gì thay đổi thì khoảng một vài tháng nữa, công việc sẽ hoàn tất.
Cùng có mặt tại buổi làm việc, ông Nguyễn Kỳ Tình, cán bộ địa chính xã Cẩm Quang xuất trình một số tài liệu, trong đó có tờ trình gửi UBND huyện Cẩm Xuyên xin phê duyệt phương án cải tạo đất. “Sau khi có đơn của các hộ dân và thôn, chúng tôi nhất trí cho Công ty tiến hành công tác cải tạo đồng ruộng. Trong quá trình khai thác, UBND xã cũng đã tiến hành giám sát và mới đây có đoàn cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường vào kiểm tra”.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định rằng, cho đến nay, huyện chưa nhận được bất kỳ văn bản đề nghị nào của UBND xã Cẩm Quang. “Nếu có văn bản của UBND xã thì đương nhiên tôi phải biết, bởi tôi là người phụ trách và có nhiệm vụ xem xét, tham mưu đề xuất phương án xử lý với lãnh đạo huyện về lĩnh vực này. Việc khai thác đất khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là vi phạm”.
Điều đặc biệt, theo nội dung tờ trình và phương án cải tạo chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phía Công ty Cổ phần Gạch ngói Cầu Họ sau khi tiến hành bóc lớp đất mặt có độ dày 0,2 m thì chỉ được khai thác với độ sâu từ 0,3 – 0,4 m. Thế nhưng, trên thực tế, các đám ruộng đã bị đào sâu xuống cả mét.
Không riêng Công ty Cổ phần Gạch ngói Cầu Họ mà trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, các lò gạch hầu như dùng “chiêu thức” cải tạo san lấp mặt bằng để khai thác đất trái phép nhằm tránh nộp ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tưới tiêu ruộng lúa. Các vùng đất của nhiều địa phương sau khi khai thác làm gạch đã trở thành ao hồ, đất đai cằn cỗi, đất hữu cơ thành đất vô cơ, ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Theo Văn Hảo – Trần Đông/ Công an Nghệ An