Trưa 23/5, rất nhiều người dân bắt gặp cụ Choan đội nắng, kéo lá cọ trên đường. Cụ đi xin lá về, nhờ người dựng cho cái lều nhỏ để ngủ.
Cụ Choan có bốn người con (hai trai, hai gái) thì ba người con đầu sống trong cùng tổ dân phố với cụ, cô con gái út sống trong Nam. Chồng cụ Choan mất đã hơn 25 năm, cụ sống với con trai thứ là ông Trần Văn Lĩnh, 54 tuổi. Nhiều người nói cụ Choan bị vợ chồng ông Lĩnh ngược đãi hơn người ở. Lúc cụ khỏe mạnh, vợ chồng ông Lĩnh bắt làm đủ thứ việc, khi cụ già yếu lại hắt hủi, đuổi ra khỏi nhà.
Có nhà ngang, nhà lớn, nhưng ông Lĩnh đuổi mẹ ra khỏi nhà
Đứa con bất hiếu
Theo lời cụ Choan, sau nhiều lần bị con trai thứ đuổi ra khỏi nhà, cụ về sống với con trai đầu là Trần Văn Sinh, 58 tuổi. Những lúc rượu chè, đứa con trai này cũng chửi mắng, đuổi cụ…
Khoảng tháng 3/2015, trước khi đưa vợ ra Hà Nội chữa bệnh, ông Lĩnh gọi cụ Choan về trông nhà cửa. “Sau khi vợ chồng nó chữa bệnh về, tui luôn bị thằng Lĩnh mắng, đuổi ra khỏi nhà. Có lần tui bị nó đấm sưng cả mặt…”, cụ Choan buồn bã.
Ông Đặng Xuân Chiên, tổ trưởng tổ dân phố 2, xác nhận ông Lĩnh đã nhiều lần đuổi, ngược đãi cụ Choan. Cụ thể, ngày 22/4 ông Lĩnh ném tấm bìa các-tông cứng vào mặt mẹ, khiến cụ Choan chảy máu. “Từ khi bị lập biên bản về hành vi ngược đãi, đuổi mẹ ra khỏi nhà, vợ chồng ông Lĩnh vẫn đe dọa cụ, thậm chí không cho cụ ăn, ngủ”, ông Chiên cho biết.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Lĩnh tỏ thái độ tức giận, nói năng xúc phạm và thừa nhận hành vi đánh, đuổi mẹ ra khỏi nhà. Ông Lĩnh cho rằng, việc mẹ báo cáo với chính quyền bị con đánh là một “thủ đoạn”, khiến ông phải chịu hậu quả lớn… “Chuyện nhỏ nhặt… mà bà lại viết đơn, báo cáo công an”, ông Lĩnh nói về mẹ mình.
Bà Trần Thị Hà, con gái cụ Choan cũng tố: “Vừa mắng mẹ, cậu Lĩnh sẵn cái gì là cầm đánh mẹ. Khi bị công an xuống lập biên bản, cậu ấy nói đánh mẹ bằng bìa lịch, nhưng khi tôi hỏi, bà vừa khóc vừa nói đang nằm trên giường thì bị đấm vào mặt”.
Nhất quyết không cho mẹ trở về
Từ khi bị con trai đuổi ra khỏi nhà, ban ngày cụ Choan về nhà con gái ăn cơm, ban đêm đi ngủ nhờ nhà hàng xóm bởi bà Hà ở nhà chồng, không có nhà riêng. “Nếu có về nhà ông Lĩnh, cụ Choan chỉ được ngủ ở ngoài hiên, ngoài thềm…”, một người dân nói.
Hỏi về trách nhiệm nuôi mẹ già, ông Lĩnh trả lời: “Mẹ tôi đã bỏ tôi ra ở với bác, giờ tôi nhất quyết không cho về nữa”. Còn bà Lê Thị Năng (vợ ông Sinh) thì phân trần: “Chồng tôi hay rượu chè. Mẹ chồng đến ở thì vừa khổ bà và khổ vợ chồng tôi”.
Bà Trần Thị Hà nói, chị em bà giờ như “mặt trăng với mặt trời”, khó để họp gia đình. Cụ Choan muốn về dựng một căn nhà trên mảnh đất của ông Lĩnh để sống những ngày cuối đời vì trước đây đất đó là của cụ, nhưng ông Lĩnh không chịu…
Ông Hồ Phúc Châu, Trưởng công an thị trấn Cẩm Xuyên, xác nhận đã ba lần triệu tập ông Lĩnh lên lấy lời khai về hành vi đánh, đuổi mẹ đẻ. Hiện công an thị trấn yêu cầu ông Lĩnh không được ngược đãi mẹ và sẽ kiểm điểm trước toàn dân khu phố 2.
Ông Đặng Xuân Long, Bí thư tổ dân phố 2, cho biết: “Khi còn khỏe, cụ Choan là một người chăm làm, hay giúp đỡ người khác. Con cái cụ có của ăn, của để mà lại đối xử bất hiếu với cụ như thế”.
LIÊN HOÀNG
CHÍNH QUYỀN ĐÃ QUÁ NHẸ TAY Điều 70, khoản 2, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của con đối với cha mẹ như sau: “có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình” – và điều 111 luật này cũng quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ: “Con đã thành niên không sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ trong trường hợp cha mẹ không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình”. Như vậy, các con của cụ Choan (ông Lĩnh và ông Sinh) đã vi phạm nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ. Hành vi ngược đãi mẹ của ông Lĩnh và ông Sinh đã vi phạm điều 10, Nghị định 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Mức xử phạt với hành vi này từ 1.000.000đ đến tối đa là hai triệu đồng, kèm theo biện pháp khắc phục như buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu. Ngoài ra, với hành vi buộc thành viên gia đình phải ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ, điều 17 của Nghị định 110 cũng quy định ngoài việc bị xử phạt hành chính bằng tiền (mức tối đa đến 1.000.000đ), người vi phạm còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu. Trong khi đó, hành vi này của hai người con cụ Choan đã được chính quyền cơ sở gồm tổ trưởng, công an thị trấn Cẩm Xuyên biết rõ nhưng chỉ nhắc nhở và lập biên bản mà không xử lý vi phạm hành chính là quá nhẹ tay với hai ông Lĩnh và Sinh. Về việc cụ Choan muốn cất nhà trên phần đất của mình (phần đất mà bà Trần Thị Hà xác nhận đó là tài sản của cụ) thì chính quyền địa phương cần vào cuộc để buộc ông Lĩnh trả lại đất cho cụ Choan, hoặc hướng dẫn cụ khởi kiện ra TAND huyện. LS Vũ Thị Hoài Vân |
Báo Phụ Nữ