Dù mới “bén duyên” với nghề trồng cam 2 năm nay, nhưng anh Nguyễn Huy Phổ (xóm Thanh Mỹ) đã vinh dự “rinh” được giải thưởng Lương Định Của do Ban Bí thư T.Ư Đoàn trao tặng. Khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng, anh luôn trăn trở làm thế nào để xây dựng hướng phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo cuộc sống gia đình. Nhận thấy nghề trồng cam ở Thượng Lộc cho hiệu quả kinh tế, vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư trên 1 ha đất cha mẹ để lại. Sau 2 năm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, khu đất trống ngày nào giờ trở thành nơi “quây quần” của hơn 700 gốc cam, chanh và bưởi, mỗi năm lãi hơn 150 triệu đồng.
“Ban đầu chỉ dám nghĩ xây dựng mô hình để ổn định cuộc sống, nhưng đến nay, thành quả gây dựng được giúp tôi vững tin phát triển kinh tế” – anh Phổ chia sẻ.
Những năm qua, Thượng Lộc còn ghi dấu nhiều “đại gia” trồng cam ở xóm Anh Hùng như anh Phan Văn Trường, hàng năm thu về trên 200 triệu đồng; anh Đặng Việt có diện tích “khổng lồ” với 1.600 gốc… Đặc biệt, xóm Anh Hùng được coi là nơi “khai sinh” loại cây ăn quả mang lại tiềm năng kinh tế cho địa phương với 70 hộ trồng cam kinh doanh và 75% hộ trồng xen dắm. Tiếp nối thành công từ mô hình của xóm Anh Hùng, nghề trồng cam được nhân rộng toàn xã. Các xóm lân cận như Sơn Bình, Nam Phong, Vĩnh Xá, Thanh Mỹ cũng nhanh chóng bắt nhịp với xu thế phát triển chung, biến hàng trăm ha vườn rừng tạp thành những khu vườn kiểu mẫu.
7 năm về trước, sản xuất nông nghiệp ở Thượng Lộc gặp nhiều khó khăn, đời sống người dân “thiếu trước, hụt sau”. Dù đã đứng chân trên đất Thượng Lộc 15 năm, nhưng cây cam tại thời điểm đó không mang lại hiệu quả. Suốt thời gian dài “cầm chừng”, những năm 2005-2007, một số hộ dân trong xã “liều” đưa cam chanh có nguồn gốc từ Khe Mây (Hương Đô, Hương Khê) về trồng thử. Giống cam này bén duyên đất Thượng Lộc đến bất ngờ. Từ hình thức trồng tự phát ban đầu, đến nay, xã có 275 hộ trồng cam. Riêng vụ cam 2013, Thượng Lộc thắng lớn với 1.500 tấn cam chanh, nhiều gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Người trồng cam ở Thượng Lộc đang ươm giống cam chanh |
Việc xây dựng và phát triển mô hình trồng cam đã thổi luồng sinh khí mới vào mảnh đất Thượng Lộc khô cằn, sỏi đá. Điều đáng nói, nguồn thu từ trồng cam bỏ xa nhiều “đối thủ” cây ăn quả khác khi trung bình mỗi mùa, các hộ thu về xấp xỉ 100 triệu đồng/3-5 ha. Không chỉ thay đổi diện mạo một xã miền núi, cam mang lại lợi ích kinh tế lớn, góp phần cải thiện đời sống người dân. Bên cạnh đó, Thượng Lộc tiếp tục lấn sân sang cây bưởi.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Văn Việt: “Dù chưa đến mùa thu hoạch, nhưng bưởi Thượng Lộc hơn 80 ngàn đồng/quả vẫn… chẳng có ai bán. Đặc biệt, gần tết, giá bưởi tăng chóng mặt với mức 120 ngàn đồng/quả”.
Mặc dù vậy, nhưng không có nghĩa mọi việc đều “xuôi chèo, mát mái”. “Nuôi” vườn cam từ khi gieo giống đến ngày ra quả ngọt thường trực bao nỗi lo: sâu vẽ bùa, bệnh chảy mủ, thối rễ, vàng lá gân xanh… Nếu chẳng may cam bị bệnh, chủ vườn lại ra TP Vinh (Nghệ An) mua thuốc trị do thị trường Hà Tĩnh chưa cung ứng. Cam cũng chẳng phải “dễ tính” như nhiều loại cây ăn quả khác mà kén úng, kén hạn nên vấn đề cân bằng nguồn nước tưới luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, nhiều gia đình phải khoan giếng, chủ động tưới tiêu. Hàng năm, xã tổ chức tập huấn, phổ biến cách chăm sóc cam và các loại cây ăn quả khác cho người dân.
So với những năm trước nông dân phải tự túc, năm nay, xã được tỉnh và huyện, mỗi cấp hỗ trợ 10.000 cây giống. Năm 2013, dân đăng ký trồng 15.000 cây, nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014, số lượng đăng ký đã lên tới 20.000 cây. Theo kế hoạch, khoảng 2-3 năm sau, địa phương sẽ xây dựng chợ chuyên bán cam, bưởi Thượng Lộc. Đầu ra sản phẩm sẽ rộng mở hơn bởi người dân Thượng Lộc đang quyết tâm xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả.
“Dù chất lượng cam Thượng Lộc được đánh giá ngang ngửa cam Khe Mây, Nghĩa Đàn (Nghệ An) nhưng mới chỉ xâm nhập thị trường qua truyền miệng. Cuối năm nay, việc xây dựng thương hiệu cam Thượng Lộc sẽ hoàn tất. Có thương hiệu mới đảm bảo đầu ra, giúp cam của chúng tôi có chỗ đứng nhất định” – niềm vui rạng ngời trong ánh mắt của vị Chủ tịch Hội Nông dân xã.
Thùy Dương