Trong nước

"Cách tính giá nước sạch mới khuyến khích sử dụng tiết kiệm, đảm bảo công bằng xã hội"

Ngày 26/6/2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1828/QĐ-UBND về việc quy định giá bán nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, các thị trấn và vùng phụ cận. Dù đã có lộ trình nhưng dư luận vẫn băn khoăn khi vấn đề an toàn dùng nước của một bộ phận người dân đô thị chưa được giải quyết triệt để.

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo Hà Tĩnh với ông Nguyễn Văn Quý – Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước và xây dựng Hà Tĩnh sẽ làm rõ thêm điều này.


– Xin ông cho biết xuất phát từ lí do nào mà chúng ta lại tiến hành tăng giá nước sạch?


Việc điều chỉnh tăng giá bán nước sạch đã được UBND tỉnh chấp thuận theo lộ trình 2 năm/lần, lần gần nhất chúng ta điều chỉnh là ngày 1/7/2010. Nguyên tắc xác định giá tiêu thụ nước sạch là phải được tính đúng, tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ trên cơ sở các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và lợi nhuận định mức hợp lý của khối lượng nước thương phẩm, song, phải phù hợp quan hệ cung cầu nước sạch và điều kiện phát triển KT-XH.


Việc tăng giá nước có tác dụng khuyến khích đơn vị cấp nước sạch nâng cao chất lượng dịch vụ và phấn đấu giảm chi phí, giảm thất thoát nước đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời khuyến khích khách hàng sử dụng nước tiết kiệm. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là: so với năm 2010, hiện nay, giá nguyên vật liệu đầu vào (hóa chất) đã tăng bình quân từ 1,25 – 1,29 lần, giá điện tăng 1,37 lần, còn nhân công tăng 1,43 lần; mức tính tỉ lệ khấu hao tài sản từ 50% đã tăng lên 100%. Sự biến động của các yếu tố cấu thành giá nước sạch đều tăng từ 15% trở lên nên việc tăng giá nước là tất yếu.


– Vậy đối tượng và giá bán nước mới được tính như thế nào, thưa ông?


Quyết định 1828/QĐ-UBND của UBND tỉnh phân theo 5 nhóm đối tượng gồm: hộ gia đình/dân cư/sinh viên thuê phòng trọ; các trường học/nhà trẻ/mẫu giáo/bệnh viện/trạm y tế; các cơ quan hành chính sự nghiệp/lực lượng vũ trang/an ninh; các hoạt động sản xuất vật chất và xây dựng; các hoạt động kinh doanh – dịch vụ. Ngoài phân định rõ nhóm đối tượng dùng nước, quy định lần này còn có điểm mới là áp dụng cách tính lũy kế tăng dần (như điện sinh hoạt) cho mỗi 10m3 nước tiếp theo với nhóm đối tượng hộ gia đình/dân cư/sinh viên thuê phòng trọ. Chẳng hạn như với khu vực thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và vùng phụ cận, trong 10m3 đầu tiên có giá 5.500 đồng/m3, trên 10m3 đến 20m3 có giá 6.800 đồng/m3, trên 20m3 đến 30m3 có giá 9.200 đồng/m3 và trên 30m3 có giá 10.200 đồng/m3… Chi tiết mời xem bảng sau:

`Cách tính giá nước sạch mới khuyến khích sử dụng tiết kiệm, đảm bảo công bằng xã hội`

– Việc tính giá nước theo lũy kế tăng dần như giá điện phải chăng chúng ta cũng hạn chế sử dụng nước như sử dụng điện?


Trước hết phải nói thế này, với các mức giá cho các nhóm đối tượng trên, theo cách tính đơn thuần thì chúng tôi đã lỗ tới 470 đồng/m3 nước thương phẩm. Ví như năm 2012 này, chúng tôi dự kiến sử dụng 7,2 triệu m3 nước thương phẩm với giá bình quân cho các đối tượng sử dụng nước là 6.651 đồng/m3 thì doanh thu đạt khoảng 47 tỷ đồng trong khi chi phí để có nó là 51,3 tỷ đồng. Trở lại vấn đề, việc đưa ra các mức lũy kế tăng dần đó không nhằm ngoài mục đích giúp khách hàng nâng cao ý thức sử dụng nước theo hướng tiết kiệm; về phía công ty cũng phải chú trọng công tác quản lý hơn để giảm tối đa việc thất thoát nước. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả của việc đưa ra biểu giá trên là nhằm đảm bảo công bằng xã hội, tức là người có thu nhập cao hơn, sử dụng nhiều nước hơn thì đương nhiên anh phải trả cho những mức giá cao hơn.


– Tuy đã có lộ trình nhưng hiện nay, khi một bộ phận người dân khu vực thành phố Hà Tĩnh và vùng phụ cận vẫn chưa thoát khỏi cảnh thiếu nước thì việc tăng giá cứ thấy có gì đó không phải lắm?


Chúng tôi từng dự kiến cuối tháng 6, sau khi hoàn thành việc lắp đặt tuyến ống truyền tải nước thô từ Bộc Nguyên về Đại Nài thì chúng ta sẽ chấm dứt cảnh thiếu nước cho một số vùng cuối nguồn thành phố và phụ cận. Song, do công tác GPMB phục vụ thi công dự án cấp nước giai đoạn 2 không như mong muốn nên có thể phải kéo dài tiến độ thêm một tháng nữa. Đặt vấn đề tăng giá lúc này thoạt nghe có vẻ trai trái, nhưng xét cho cùng lại có cái hay của nó, tức là khi áp dụng cách tính lũy tiến thì sẽ khuyến khích người dùng tiết kiệm hơn đồng nghĩa áp lực cấp nước vùng trung tâm sẽ giảm đi và như vậy sẽ có thêm nguồn để điều chuyển ra vùng xa, vùng ngoài. Đến đây lại thấy, chính người dân chứ không phải ai khác đã tự điều chuyển nước cho nhau. Tuy quy định giá bán nước mới từ ngày 1/6 nhưng thực tế cuối tháng 6 mới chốt đồng hồ nên hóa đơn thu tiền là trong tháng 7.


– Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện ý nghĩa này!


Hải Xuân

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP