Hàng xóm láng giềng nhà bà Mùi ắt hẳn ai cũng tròn mắt ngạc nhiên trước thái độ thay đổi 180 độ của bà với con dâu chỉ sau 2 năm. Cái ngày con trai bà Mùi mới cưới vợ, chẳng ngày nào là bà không đi khắp xóm giềng rêu rao con dâu bà cãi nhem nhẻm thế nọ, con dâu bà không biết trên dưới thế kia, rồi bà sắp không sống nổi với con dâu nữa rồi,…
Người ngoài đánh giá thì thấy con dâu bà cũng bình thường, chứ chẳng phải phường hỗn láo, vô văn hóa gì. Thế mới biết bà Mùi hồi ấy là một bà mẹ chồng khó tính và hay xét nét.
Thế mà giờ đây bà bỗng dưng bà thay đổi phắt cung cách cư xử với con dâu, đủ thấy con dâu bà cao tay thế nào. Hẳn cô nàng phải có bí kíp gì đó vô cùng kỳ diệu thì mới có thể lấy lòng được bà mẹ chồng gớm ghê nhường ấy. Nghĩ vậy, mấy chị em cùng chung cảnh ngộ trong xóm liền đến lôi Ngọc – con dâu bà Mùi ra tra hỏi.
Hỏi thì Ngọc cười khổ thưa rằng “em chẳng có bí quyết gì cả”. Hỏi nữa, thì cô bảo, cách làm của cô vô cùng đơn giản, không thể gọi là mưu cao kế sâu gì. Đầu tiên, khi về làm dâu, cô luôn giữ vững lòng kính trọng với bố mẹ chồng, bởi ông bà là người sinh dưỡng chồng mình, cho dù ông bà đối xử với cô chưa được tốt.
Nhiều khi phải đêm nằm ôm gối khóc một mình, nhưng cô vẫn ngậm tăm không nói với ai, kể cả chồng. Bởi nói ra chẳng may chồng bênh bố mẹ thì coi như cô bị cô lập, còn dính tiếng nói xấu mẹ chồng, mà chồng bênh cô thì bố mẹ chồng lại càng ghét cô hơn cũng nên. Cô xác định, để cải thiện mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, bản thân cô phải tự lực cánh sinh, quyết không dựa dẫm vào ai.
Ảnh minh họa
Trước những áp lực, căng thẳng với bố mẹ chồng, cách đáp lại của cô vô cùng đơn giản: lấy nhu thắng cương. Bố mẹ chồng khó tính là việc của ông bà, còn việc của cô là phải làm tốt bổn phận của mình trước đã. Không những thế cô còn luôn bày tỏ sự quan tâm chân thành đối với bố mẹ chồng mọi lúc mọi nơi như con gái ruột của ông bà vậy. Bởi tất cả những thành kiến mẹ chồng có với cô, chung quy cũng bởi suy nghĩ“khác máu tanh lòng”.
Bố mẹ chồng đau ốm thế nào, Ngọc luôn là người biết đầu tiên, và quan tâm săn sóc đến bệnh tình của ông bà, còn hơn là chồng cô – con trai ông bà. Đi đâu ra ngoài, cô luôn nói tốt về bố mẹ chồng, không bao giờ than vãn, kể xấu nửa lời. Đi xa về, cô luôn có quà cho ông bà theo sở thích. Cô đối xử với ông bà không khác gì bố mẹ đẻ của mình cả, chẳng tính toán thiệt hơn, không đòi hỏi ông bà phải đối xử lại với mình như thế.
Trước những lời lẽ khó nghe, thậm chí là sai lệch của bố mẹ chồng về mình, Ngọc không bao giờ cãi tay đôi. Cô luôn im lặng, nhưng lại tìm lúc thích hợp khác để “dốc bầu tâm sự” với mẹ chồng. Cô sẽ thành khẩn nhận lỗi những điều cô thấy bản thân mình đã sai, còn vấn đề gì không đúng cô cũng thẳng thắn giải thích luôn cho bà hiểu. Và hẳn sau đó mẹ chồng sẽ nói lại bố chồng về những lời cô tâm sự.
Cô cũng luôn tìm cách gợi chuyện để “làm thân” với mẹ chồng, nhẹ nhàng tâm sự với bà về những điều khó khăn trong cuộc sống, kể cho bà nghe vài câu chuyện vui vui nơi công ty, hay “buôn dưa” với bà những tin tức thú vị quanh xóm. Lúc đầu mẹ chồng Ngọc còn hờ hững, lạnh nhạt, nhưng cô vẫn không bỏ cuộc. Dần dà bà cũng phải “đổ gục”, và những cuộc chuyện trò ấy đã góp phần đáng kể kéo gần khoảng cách giữa Ngọc và mẹ chồng.
Tất nhiên, để bày tỏ lòng yêu quý với những người ghét mình như xúc đất đổ đi, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ cộng với một tấm lòng chân thành và không phải ai cũng làm được. Nhưng vì Ngọc làm được, nên cô đã thành công có được sự yêu thương của bố mẹ chồng.
Vậy là chẳng cần chồng làm cầu nối, tự bản thân Ngọc đã cải thiện được quan hệ với bố mẹ chồng. Chỉ đến khi “đại sự” đã thành, cô mới tâm sự lại với chồng về tất cả những gì mình trải qua, những lúc tủi thân khóc thầm, những việc cô đã làm để “đánh cắp trái tim” của bố mẹ chồng. Chồng Ngọc nghe xong thì nể vợ sát đất, lại càng yêu và chiều vợ hơn.
Bây giờ, hễ vợ chồng Ngọc mà cãi nhau là thể nào bố mẹ chồng cũng đứng về phe Ngọc, mắng chồng cô cho mà xem. Ngọc đi làm về chẳng cần phải tất bật lao vào cơm nước, dọn dẹp nữa vì tất cả đã có mẹ chồng lo. Con của 2 vợ chồng cô cũng một tay ông bà chăm bẵm, săn sóc. Bố mẹ chồng Ngọc ra ngoài thì một câu “con dâu tôi”, 2 điều “con dâu tôi”, vui vẻ và tự hào lắm.
Ngọc kể xong thì mấy nàng dâu ai nấy cũng gật đầu: “Đúng là cách đối phó này “lạ” thật, đối phó mà chẳng phải đối phó, nhưng lại mang đến hiệu quả không ngờ”. “Đối xử bằng tình yêu thương thì kẻ mù có thể thấy, kẻ điếc có thể nghe”, Ngọc đã luôn tâm niệm như vậy, và giờ sự đền đáp dành cho cô chính là gia đình chồng đã trở thành gia đình thứ 2 đúng nghĩa của cô.
Sen Trắng / Theo Trí Thức Trẻ