Thế giới

Các nước lớn tẩy chay hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc bị nhiều nước lớn tẩy chay vì cho rằng nó khó có thể phát huy hiệu quả.

Đại diện các nước tham gia lễ ký kết hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Ảnh: AFP.

50 nước ngày 21/9 chính thức lần lượt đặt bút ký một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hiệp ước này bị các cường quốc hạt nhân phản đối, song những người ủng hộ nó lại ca ngợi đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử, theo AP.

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân kể trên được 122 quốc gia tại Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng 7 sau hàng loạt phiên đàm phán do Áo, Brazil, Mexico, Nam Phi và New Zealand chủ trì.

Tuy nhiên, không quốc gia nào trong 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel, đồng ý tham gia.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên án hiệp ước vì cho rằng nó thực tế có thể gây thêm trở ngại vì tạo ra sự chia rẽ.

"Vào thời điểm mà thế giới cần duy trì đoàn kết để đối phó với các mối đe dọa gia tăng, nhất là mối đe dọa nghiêm trọng bắt nguồn từ chương trình hạt nhân Triều Tiên, hiệp ước trên đã không tính đến những thách thức an ninh khẩn cấp", NATO cho biết.

Theo tổ chức này, tìm cách cấm vũ khí hạt nhân thông qua một hiệp ước mà không có bất kỳ quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nào tham gia sẽ không mang lại hiệu quả và không giúp ích cho nỗ lực thu hẹp kho vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Trong khi đó, Mỹ, Anh và Pháp khẳng định hiệp ước sẽ không hiệu quả và cuối cùng, nó chỉ khiến họ mất đi khả năng hạt nhân nhưng vẫn thúc đẩy "những nhân tố xấu", như lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi hiệp ước là "hão huyền" và "gần như vô trách nhiệm". Đại diện các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ đều vắng mặt tại buổi lễ ký hiệp ước.

Ngay cả Nhật Bản, quốc gia từng hứng chịu hai vụ ném bom nguyên tử thời kỳ Thế chiến II, cũng không ủng hộ hiệp ước với lý do nó "khác biệt" so với cách tiếp cận của họ.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lại miêu tả hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân là thỏa thuận đầu tiên mang tính lịch sử về giải trừ quân bị đa phương trong vòng hơn hai thập kỷ qua.

"Hôm nay, chúng ta chúc mừng một cột mốc quan trọng. Chúng ta giờ đây phải tiếp tục đi trên con đường khó khăn hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân", ông nhấn mạnh.

Tác giả: Vũ Hoàng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP