Lao Động - Việc Làm

Cả ngàn người Nghệ An – Hà Tĩnh lao động 'chui' ở Angola

Từ đầu tháng 4-2013 đến nay, đã có ít nhất sáu lao động trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trở thành nạn nhân trong lúc đang mưu sinh tại đất nước Angola.




Những nạn nhân này, hoặc là tử vong do bệnh tật, tai nạn lao động, thậm chí bị cướp, rồi bị giết, bị đẩy vào động mại dâm nhưng may mắn trốn thoát như trường hợp của em T.T.T.T (SN 1993, ở xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) trốn thoát ngày 20-3 vừa qua. Đó là chưa kể đến có hàng nghìn lao động Việt vì mưu sinh đang phải chịu cảnh cơ cực, làm việc trong điều kiện vệ sinh an toàn lao động không đảm bảo, bị cảnh sát sở tại bắt vào các trại tị nạn.


Trong khi cộng đồng người Việt ở Angola cũng như đồng bào trong nước chưa hết bàng hoàng trước cái chết đột ngột của các anh Nguyễn Đức Cao (SN 1988, trú xóm 7, xã Nghi Kim, TP. Vinh) và Nguyễn Công Nguyên (SN 1984, trú phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò) vào giữa tháng 3 (thi thể đã được đưa về quê nhà mai táng vào ngày 5-4) thì mới đây, lại thêm những cái chết thương tâm khác. Sáng 12-4, anh Phan Văn Sơn (SN 1973, trú xóm Phúc Long, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên) đã đột tử tại đất nước này mà chưa xác định được nguyên nhân. Cùng ngày, anh Hồ Cảnh Sơn (45 tuổi, ở xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu) tử vong do sốt rét ác tính sau hai tuần nằm điều trị tại Bệnh viện Prenda Luanda (Angola). Trước đó, ngày 8-4 anh Trần Nam Tuấn (42 tuổi, trú phường Lê Lợi, TP. Vinh) cũng đã bỏ mạng ở Luanda do bệnh sốt rét.


Những nạn nhân này nói riêng và lao động Việt Nam đang làm việc tại Angola (chủ yếu làm thợ nề tại các công trình xây dựng) đều nhập cảnh bằng con đường du lịch, xuất khẩu lao động “chui”, bất hợp pháp thông qua các cò môi giới với chi phí từ 5.500 – 6.000USD. Phần lớn họ đều là lao động chính trong gia đình, hoàn cảnh khó khăn nên bấm bụng vay mượn tiền bạc, thế chấp tài sản những mong xuất ngoại đổi đời. Đến khi chẳng may rủi ro xảy ra, họ đã để lại ở quê nhà những tấn bi kịch nhói lòng, nợ nần chồng chất, con thơ mất cha, vợ trẻ góa chồng. Không chỉ bệnh tật, rủi ro trong lao động, họ còn mang nỗi lo sợ bị cướp, hoặc bị đẩy vào các nhà thổ ép bán thân. Như trường hợp của nạn nhân N.T.X (35 tuổi, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh), tử vong vào ngày 25-1-2010 tại Luanda do bị chặn cướp, sau đó bị giết chết.


Mới đây nhất, lúc 22 giờ ngày 7-4-2013, hai nhân viên phục vụ quán phở Cường Hói ở Benfica (Luanda), trong lúc đang dọn dẹp thì bị năm tên cướp có vũ khí ập vào khống chế. Rất may, lúc đó vợ chồng chủ quán ở nhà trong nhanh chóng thoát ra bằng cửa ngoài tri hô nên người dân xung quanh kéo đến vây bắt bọn cướp giao nộp cho cảnh sát Benfica. Theo một người Việt đang lao động tại đây, tình trạng người Việt bị cướp ở một số địa phương như Luanda, Benguala, Lonbito… diễn ra thường xuyên, ban ngày lẫn ban đêm.


Không chỉ vậy, ban ngày họ bị vắt kiệt sức tại các công trường, buổi tối không được ngủ yên giấc vì cảnh sát nước sở tại tổ chức truy bắt gắt gao những người nước ngoài cư trú bất hợp pháp bởi phần lớn lao động Việt ở đây đều nhập cảnh bằng con đường du lịch. Theo anh Phạm Anh Đức (quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh), người từng bị bắt vào trại giam Viana ở Luanda thì tại trại này, bình quân có khoảng 500 người Việt Nam bị tạm giữ. Trong khi đó, thông tin từ anh Khoa (ở Hưng Tây, Hưng Nguyên), người vừa trở về từ Angola vào ngày 15-4 thì cho rằng, mỗi lần bị bắt, nếu có đủ 500 kwanza (tiền Angola) sẽ được thả ra, song ngày hôm sau vẫn có thể bị bắt trở lại. Luật pháp nước sở tại quy định là vậy.


Phút thư giãn hiếm hoi của lao động Việt Nam tại Angola

Phút thư giãn hiếm hoi của lao động Việt Nam tại Angola.



Những con số về lao động Việt Nam tử vong hoặc đang bị hành xác tại Angola chắc hẳn sẽ chưa dừng lại như trong thời gian qua. Bởi theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại Nghệ An có khoảng 600 lao động đang làm việc tại nước này, trong khi Hà Tĩnh là gần 1.200 người. Ông Nguyễn Xuân Thái, Phó trưởng phòng Phòng Việc làm – An toàn lao động và Bình đẳng giới thuộc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, cho biết Angola hiện là một thị trường tự do, nghĩa là chưa có ký kết hợp tác lao động với Việt Nam.


Theo khuyến cáo, đây cũng là một trong những thị trường có nhiều rủi ro, môi trường làm việc không an toàn và có nhiều dịch bệnh cũng như các tệ nạn xã hội khác. Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức khác nhau, lao động trên địa bàn vẫn lén lút sang bên đó làm việc. Tại Kỳ Anh, nhiều gia đình có cả bố, mẹ, con cái và nhiều người trong họ hàng cùng sang Angola tìm kiếm cơ hội đổi đời.


Trong khi đó, ông Đặng Cao Thắng, Phó giám đốc Sở LĐ- TB&XH Nghệ An, thì cho rằng đến thời điểm hiện tại, ngành LĐ-TB&XH chưa cấp phép và giới thiệu cho doanh nghiệp nào đưa người lao động tại Nghệ An sang Angola làm việc. Tất cả các trường hợp xuất khẩu lao động tại đất nước này đều đi theo con đường bất hợp pháp. Để khuyến cáo người dân cũng như chấn chỉnh lại hoạt động đưa người lao động sang Angola trái phép, ngày 8-4, Sở LĐ-TB&XH đã có thông báo gửi các huyện, thị về việc kiểm tra, báo cáo số lao động trên địa bàn đi làm việc tại Angola. Thời gian tới, sở và các ngành chức năng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý các cơ quan, tổ chức và cá nhân đưa người đi xuất khẩu lao động, đặc biệt là sang Angola để giảm thiểu những rủi ro đáng tiếc.


Theo Công An TPHCM

Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP