>> Hà Tĩnh: Bắt được cá “lạ” vẩy rắn, đầu cá sấu trong lúc đi câu
Khoảng 4g chiều 19-4, trong lúc câu cá tại sông Ba Nái, xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc, anh Bùi Văn Phù, trú tại khối phố 5, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc đã câu được một con cá có hình thù kỳ lạ. Theo lời anh Phù, để đưa được con cá lạ này lên bờ không hề đơn giản bởi con cá rất khỏe và có bộ hàm sắc lạnh. Quan sát ban đầu khi con cá được đưa lên bờ, anh Phù ước lượng nó nặng khoảng 2,5kg và dài khoảng 70cm. Một điểm đặc biệt là toàn thân cá có vẩy như rắn, đầu giống cá sấu, thân như cá lóc.
Kể lại sự may mắn khi bắt được cá lạ, anh Phù cho biết, đây là lần đầu tiên anh câu được một con cá lạ đến vậy. Ban đầu anh định mang ra chợ bán nhưng thấy con cá có nhiều điểm dị biệt nên anh Phù quyết định mang về thả tại bể nước ở nhà.
Hiện anh Phù cũng không biết chính xác tên gọi con cá này là gì. Từ khi câu được cá lạ, cuộc sống gia đình anh Phù có nhiều đảo lộn khi anh phải bỏ thời gian để đón tiếp những người hiếu kỳ tới chiêm ngưỡng con cá. “Rất nhiều người đã tới đây để xem con cá lạ, nhưng so với vẻ ngoài hung tợn của nó thì con cá này rất nhát, khi thấy có nhiều người xuất hiện ở bể nuôi, nó thường tỏ ra hoảng loạn, bơi loạn xạ”, anh Phù kể.
Theo lời của anh Phù, cũng đã có vài thương lái hỏi mua và trả giá 2 triệu đồng nhưng anh chưa đồng ý bán. Từ khi mang con cá lạ về nhà, hàng ngày anh Phù phải ngồi canh mỗi khi có người tới xem cá. Thậm chí có những người còn gợi ý với anh Phù nên mở dịch vụ đi kèm cùng với việc cho mọi người tới đây xem cá lạ, nhưng anh Phù không đồng ý. Còn về lý do vì sao không bán con cá lạ thì anh Phù tin rằng việc bắt được con cá là điều hết sức may mắn nên dù có ai trả giá cao anh cũng không bán, trừ khi người mua thực sự muốn tiếp tục nuôi con vật này còn bán cho thương lái để làm thịt thì anh không đồng ý.
Kể từ ngày nuôi cá lạ trong bể, anh Phù phát hiện ra loài cá này có những tập tính khá lạ như thường rít lên từng hồi vào ban đêm, khiến người yếu bóng vía sẽ cảm thấy lạnh sống lưng, không những thế mỗi khi đói mồi là con cá quẫy đuôi rất dữ dội. “Loài cá này rất dễ nuôi, cho gì cũng ăn đặc biệt nó rất thích ăn các loại cá, tôm nhỏ dù là tươi hay đã ôi”, anh Phù vừa nói vừa cầm một vóc cá nhỏ tới thả xuống bể nuôi.
Hiện anh Phù vẫn còn giữ chiếc cần đã câu được con cá và bảo rằng đó là kỷ niệm và anh sẽ không dùng chiếc cần này vào việc câu cá nữa, bởi sau khi câu được con cá lạ chiếc cần đã bị hỏng. “Cần của mình câu những con cá thậm chí lên tới hơn 4kg cũng không bị ảnh hưởng gì thế nhưng con cá lạ này quẫy mạnh quá nó lại dùng bộ hàm đầy răng cắn dây câu nhưng do dây câu quấn chặt nên nó không thoát được”, anh Phù nói thêm. Dù không biết rõ là loài cá gì nhưng khi kiểm tra thông tin trên mạng nhiều hàng xóm gần nhà anh Phù cũng ngờ ngợ đó là loài cá sấu hỏa tiễn, song ở khu vực chưa có ai nuôi loài cá này vì thế sẽ không có chuyện con cá được thoát ra khỏi tự nhiên. Vậy sự thật con cá lạ này từ đâu xuất hiện trên dòng sông Ba Nái vẫn là một mối nghi vấn.
Dù chưa có kết luận chính thức nhưng rõ ràng con cá lạ do anh Bùi Văn Phù bắt được trên sông Ba Nái nhiều khả năng là loài cá hỏa tiễn. Một số vùng còn gọi là cá sấu hỏa tiễn. Cũng có nơi gọi là cá mỏ vịt. Theo mô tả khoa học, thì chúng có vẩy như rắn, đầu giống cá sấu, thân như cá lóc. Khi bắt lên bờ, chúng phát ra tiếng kêu khịt khịt. Sở dĩ người ta gọi chúng là cá hỏa tiễn vì chúng có thân hình thon dài, bơi lội rất nhanh, sức phóng mạnh và rất khỏe khi ở trong môi trường nước. Chúng thích sống ở môi trường nước tĩnh vì thế dù sông Ba Nái là một dòng sông cụt nhưng dưới những lớp bèo thì đây chính là môi trường sống không thể lý tưởng hơn đối với loài cá này. Nếu so sánh đặc điểm khoa học cũng như những gì anh Phù miêu tả về con cá lạ này, dù có bộ hàm dữ tợn, nhưng chúng là loại cực nhát. Khi có tiếng động, chúng hoảng hốt phóng vút lên mặt nước như tên lửa. Ngoài ra, khi sợ hãi, cơ thể chúng cũng đổi màu nhợt nhạt. Hiện nay có không ít trường hợp loài cá này được phát hiện ở môi trường tự nhiên tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng nhiều nhất vẫn là ở miền Nam. Loài cá này ngoài việc được nuôi làm cảnh nó còn là loài cá được sử dụng vào việc chế biến thành các món nhậu với mức giá không rẻ.
Theo từ điển khoa học, loài cá hỏa tiễn có nguồn gốc Bắc Mỹ, tên khoa học là Lepisosteus Oculatus Winchell thuộc bộ Lepisosteiformes. Chúng là cá nước ngọt, sống khá nhiều ở sông, suối, ao hồ. Vì có hình thái đặc biệt, nên chúng cũng được dùng làm cá cảnh. Cá hỏa tiễn được du nhập về Việt Nam hơn 10 năm nay làm cá cảnh. Nhiều doanh nghiệp cá cảnh đã bán loài cá này mấy năm nay. Tại nhiều địa phương ở miền Nam thậm chí người ta còn tổ chức những buổi phóng sinh loài cá lạ này vào môi trường, điều này là nguyên nhân khiến cho sự xuất hiện của loại cá hỏa tiễn ở các sông hồ vùng Nam Bộ khá lớn.
Về tập tính sinh học thì loài cá này khi nhỏ thường ăn các loại côn trùng, bọ gậy. Đến lúc trưởng thành chúng ăn các loại cá con. Cá sấu hỏa tiễn là một loài sinh vật dưới nước rất nguy hiểm, sống chủ yếu ở vùng Đông Nam Mỹ. Chúng chủ yếu ăn thịt, nhưng thậm chí chúng còn ăn cả thủy cầm, chó hoang giống gấu trúc và cả những con cá sấu khác. Song hiếm khi người ta thấy những con cá sấu hỏa tiễn này tấn công người. Có lẽ cũng bởi tập tính ăn tạp gây ảnh hưởng tới môi trường mà vào năm 2013, Chi cục Thủy sản một tỉnh phía Nam còn kiến nghị cấm mua bán hoặc phóng sinh loài cá này trên địa bàn tỉnh. Ai có hành vi thả loài cá nguy hại này vào vùng nước tự nhiên sẽ bị phạt. Việc loài cá này bất ngờ xuất hiện tại con sông cụt Ba Nái cũng là một điều lạ và không loại trừ loài cá này được cố ý thả ra tự nhiên, hơn thế việc anh Phù bắt được con cá lạ đồng nghĩa với việc sẽ còn có thêm những con cá hỏa tiễn khác có mặt tại con sông này bởi điều kiện tự nhiên ở đây khá phù hợp với lối sống của cá hỏa tiễn và điều này cũng cảnh báo mạnh mẽ tới việc môi trường tự nhiên ở đây sẽ bị hủy hoại bên cạnh sức tàn phá ghê gớm của con người.
Thủy Liên