“Vang bóng một thời”
Thời Pháp thuộc, bưởi Phúc Trạch từng được giải thưởng trong các cuộc đấu xảo trái ngon toàn Đông Dương và được công nhận một trong 7 loài cây ăn quả đặc sản quý hiếm của cả nước. Năm 2004 bưởi Phúc Trạch được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bởi mẫu mã đẹp, múi dày, tép hồng đặc trưng hương vị thiên nhiên, thơm ngon. Vì thế nên thời kỳ thịnh vượng, diện tích bưởi cả huyện Hương Khê đã phát triển lên tới trên 1.200 ha (năm 2000), chủ yếu ở 4 xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô và Lộc Yên.
Ông Thái Lược ở xóm 6, xã Phúc Trạch nói: “Cách đây gần chục năm, gia đình tôi đầu tư trồng 30 gốc bưởi, thời điểm đó cây bưởi cho thu hoạch bình quân 300 quả/cây, bán với giá 40.000 đ/quả mỗi năm thu nhập trên 360 triệu đồng. Nhờ cây bưởi mà tôi làm được nhà cửa, sắm được các tiện nghi sinh hoạt”.
Cũng theo ông Lược, thời .điểm đó ngoài gia đình ông Lược còn có hàng trăm hộ dân trong xã thoát nghèo, có của ăn của để nhờ bưởi. Đặc sản bưởi nơi đây còn được du khách gần xa biết đến. Khi thưởng thức họ nhớ mãi hương vị đặc trưng nên mỗi mùa bưởi chín rộ du khách qua lại đều dừng chân ghé chợ Hà Tĩnh để tìm mua cho bằng được mấy quả để làm quà.
Còn với người Hương Khê, mặc dù mùa bưởi chín vào độ tháng 8, tháng 9 hàng năm, tuy thời gian này đến Tết cổ truyền còn xa nhưng hầu hết nhà có bưởi đều để lại trên cây mấy quả, khi chín hái xuống quết vôi vào cuống, đem cất đến chiều 30 Tết dâng lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Qua 2 thế kỷ hoàng kim, những gốc bưởi tổ vẫn còn tồn tại ở vườn nhà ông Lược, ông Giai, ông Thư… nhưng sự suy thoái đã hiển hiện. Thời điểm này bưởi Phúc Trạch ra hoa nhiều nhưng đậu quả rất ít, các loại bệnh xuất hiện như vàng lá, thối cổ rễ, sâu đục thân… tấn công khiến cây không “chống nổi”, mặc dù được người dân chăm bón hết mình; kể cả các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu nhằm phục tráng giống.
Trở lại vườn bưởi gia đình ông Lược với trên 30 gốc bưởi từng mang lại thu nhập khổng lồ cho gia đình, hiện chỉ còn lác đác trên cây dưới chục quả teo tóp, thậm chí nhiều cây không hề có quả nào. Do bưởi mất mùa liên tục nhiều năm nên nhiều người phải đốn bỏ để làm dó trầm.
Dó trầm “soán ngôi”
Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, Phan Văn Tính cho biết, cây dó trầm được người dân nơi đây đưa vào trồng từ cách đây hàng chục năm, song phát triển mạnh từ năm 2005. Đến nay diện tích trồng dó trầm toàn xã đạt trên 300 ha; trong đó trên 200 hộ trồng từ 1 ha trở lên.
“Do vì cây bưởi suy thoái, không mang lại hiệu quả kinh tế nữa nên nhiều hộ gia đình đã chặt bỏ vườn bưởi chuyển sang trồng cây dó trầm. Hiện tại, gần như 100% diện tích đất vườn rừng, trang trại trong toàn xã đều được phủ kín dó trầm, bình quân mỗi hộ có từ 100 cây trở lên”, ông Tính nói.
Ông Đinh Hữu Tân, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê:
Mặc dù Nghị quyết HĐND tỉnh, huyện đều nêu tập trung phát triển cây bưởi Phúc Trạch. Song vẫn chưa có giải pháp cụ thể để bảo tồn bưởi, mà thực tế dó trầm lại cho hiệu quả kinh tế cao trên đất Phúc Trạch. Vì vậy, chúng tôi đề nghị TƯ, tỉnh kịp thời có giải pháp hỗ trợ bảo tồn giống bưởi; đồng thời có văn bản khẳng định hiệu quả kinh tế, định hướng chỉ đạo phát triển cây dó trầm…
Chị Phan Thị Bốn, xóm 10, xã Phúc Trạch nói: “Còn nhớ năm 2005 mỗi cây dó trầm chỉ bán được trên dưới 10 triệu đồng thì đến năm này giá đã lên từ 70-80 triệu, những cây to lên đến 200 triệu. Cũng nhờ bán được 3 cây dó trầm mà tui cất được căn nhà trên 500 triệu đồng không cần phải vay mượn của ai một đồng nào. Với chúng tôi bây giờ dó trầm là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhất, không cây nào sánh bằng. Hiện tại tui có tất thảy trên 300 cây đủ loại lớn, nhỏ”.
Còn anh Lê Văn Vinh ở cùng xã cho biết, hơn 30 ha đất rừng của gia đình chỉ trồng keo và dó trầm, đến nay diện tích dó trầm đã lên tới vạn cây, hiệu quả kinh tế không kể hết. Ngoài gia đình bà Bốn, anh Vinh thì bà Vị, bà Mục… có những cây dó trầm mà khách mua trả đến 230-250 triệu nhưng các gia chủ này vẫn chưa bán bởi họ cho rằng giá còn tăng cao nữa.
Phó Chủ tịch HĐND xã Phúc Trạch cho hay, cây bưởi cũng như cây dó trầm đều thích nghi với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, 100% cây dó đều có trầm. Ngược lại dó trầm đưa ra trồng một số xã lân cận tuy phát triển tốt nhưng lượng trầm lại rất ít, thậm chí nhiều nơi không có trầm.
Cây bưởi Phúc Trạch ngày bị thất sủng, hiệu quả kinh tế thấp nhưng vì đây là loài cây đặc sản nổi tiếng một thời nên cần phải có phương án bảo tồn. Còn dó trầm, nông dân xem đây là cây chủ lực nên các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh cần sớm định hướng phát triển…
Nông Nghiệp