Trung vệ Bùi Tiến Dũng lúc nhỏ như con gái và tại buổi giao lưu ngày 2.2 do Báo Thanh Niên tổ chức. |
Bùi Tiến Dũng sinh ra trong một gia đình thuần nông có 4 anh em trai ở tổ dân phố 2, TT.Đức Thọ, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh. Bố Dũng là ông Bùi Như Quang (63 tuổi) và mẹ là Dương Thị Hường (62 tuổi) quanh năm quần quật nuôi 4 anh em khôn lớn chỉ dựa vào 2 sào ruộng khoán. Khi bà Hường mang thai người con thứ 4, ông Quang hy vọng vợ sẽ sinh một đứa con gái. Nhưng khi biết là con trai, ông đã tức giận và thả ngay con gà trống nhốt trong lồng chờ để làm thịt tẩm bổ cho người vợ. Câu chuyện dở khóc dở cười này lan nhanh khắp cả thị trấn thời ấy. Bức ảnh khi Dũng còn nhỏ được gia đình lưu lại trông cậu như con gái vì để mái tóc vòng ngang vai càng chứng tỏ câu chuyện ấy là sự thật.
Tài năng bộc lộ từ nhỏ
Ông Nguyễn Xuân Đức (61 tuổi, ngụ tổ 2, TT.Đức Thọ) cho biết trước đây ông là người đưa các đội bóng đá thiếu niên nhi đồng của TT.Đức Thọ đi thi đấu. Lúc đó Dũng mới chỉ 8 tuổi. Ngay từ lần gặp đầu tiên, ông rất ấn tượng với cậu bé sinh năm 1995 này. Theo ông Đức, cả 4 anh em của Dũng đều đá bóng rất giỏi. Nhưng bản thân Dũng lại có những khả năng rất đặc biệt. Dũng chơi thuận cả 2 chân và có khả năng dùng đầu để cản phá các tình huống bóng. Ngoài ra, Dũng có thể lực tốt và luôn thể hiện bản lĩnh kiên cường khi chơi bóng. Nhìn bề ngoài trông Dũng có vẻ nhút nhát nhưng bên trong thì sắt đá. Nhận thấy tài năng của Dũng, ông Đức đã đưa cậu vào đội bóng đá nhi đồng để huấn luyện, đào tạo và thi đấu trong các giải đấu của tỉnh nhà.
Trước trận bán kết giữa U.23 Việt Nam gặp U.23 Qatar, vợ chồng ông Bùi Như Quang (63 tuổi) và bà Dương Thị Hường (62 tuổi, ngụ tại tổ dân phố 2, TT.Đức Thọ, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh), bố mẹ của trung vệ Bùi Tiến Dũng tất bật chuẩn bị mọi thứ để đón tiếp người dân địa phương đến xem trận bóng.
Năm lên lớp 6, trong một lần có đơn vị quân đội về xã tổ chức thi tuyển các cầu thủ nhí, Dũng đã thi đỗ vào lò đào tạo bóng đá Quân khu 4 (TP.Vinh, Nghệ An). Do bản tính nhút nhát, khi ra học được 3 tháng thì Dũng nằng nặc đòi về vì bị các đàn anh trước dọa ma. Tiến Dũng kể lại: “Không biết sao lúc đó tôi rất sợ ma. Tôi luôn ám ảnh bởi những câu chuyện về ma nên tâm trạng lúc nào cũng lo lắng. Khi ai nhắc đến ma là tôi chỉ muốn trốn ngay. Được bố mẹ động viên và giải thích cặn kẽ, sau 3 ngày về nhà tôi đã trở lại lò đào tạo. Bây giờ sau bao năm rèn luyện trong môi trường quân đội, tôi đã hiểu nên hết sợ rồi”.
sẽ không ngừng cống hiến
Ngoài làm ruộng, để có thêm thu nhập, mẹ Dũng còn ra chợ Hôm gần nhà để buôn bán thịt heo. Những ngày bán ế, bà mang thịt về chế biến các món ăn cho gia đình. Cũng vì lý do này mà Dũng rất thích ăn món thịt kho do mẹ nấu. Sau 6 tháng được đào tạo ở Quân khu 4 thì đội bóng giải thể, Dũng về nhà và tiếp tục thi đấu cho đội của huyện.
Đến năm 2013, nghe tin Trung tâm bóng đá Viettel (Hà Nội) về thi tuyển cầu thủ, Dũng lập tức ứng tuyển và được lò đào tạo này nhận. Khoảng cách địa lý ngày càng xa hơn, dù thương con nhưng bố mẹ Dũng cũng đành chấp nhận vì đam mê trái bóng của người con út. Thương bố mẹ, Dũng quyết tâm rèn luyện và học tập thật tốt từ việc chơi bóng đến học văn hóa.
Mẹ của Tiến Dũng nói rằng, khát khao của con trai là luôn cố gắng trở thành một cầu thủ giỏi, có thu nhập ổn định. Dũng hứa khi có tiền, sẽ đưa bố mẹ ra Hà Nội ở để tiện chăm sóc và xem anh thi đấu. Vợ chồng bà Hường càng yên tâm khi thấy con trai nhút nhát ngày nào đã trưởng thành hơn khi được đào tạo trong môi trường quân đội. Anh cũng thăng tiến không ngừng khi được gọi vào các đội tuyển U và ở giải đấu châu Á vừa qua, thêm một lần nữa chàng cầu thủ mang áo số 4 được ông thầy người Hàn Park Hang-seo tin dùng suốt mùa giải.
‘Chúc con trai của bố là trung vệ Bùi Tiến Dũng chân cứng đá mềm, kiến thiết nhiều đường bóng cho đồng đội để vượt qua đối thủ, tiến thẳng vào trận chung kết’, ông Bùi Như Quang, nói.
Trong trận tứ kết gặp U.23 Iraq, khi thấy con trai sút quả luân lưu cuối cùng, bà Hường đã la lên: “Dũng ơi, sao con to gan thế”, rồi ngất xỉu. Còn bố của Dũng thì tim như thắt khi con trai ông góp công đưa U.23 VN vào bán kết. Tại buổi giao lưu ngày 2.2 do Báo Thanh Niên tổ chức, khi được hỏi về điều này, Dũng cho biết: “Tôi rất thương cha mẹ đã tảo tần lo cho tôi. Tôi chỉ biết nói rằng tôi sẽ sống và tiếp tục cống hiến thật tốt để không phụ lòng các bậc sinh thành và niềm tin của người hâm mộ”.
Tác giả: Phạm Đức
Nguồn tin: Báo Thanh niên