Kinh tế

Bức xúc chuyện thu phí BOT tại cầu Bến Thủy: Người dân có quyền khởi kiện?

Thu phí trái pháp luật?

Người dân hai tỉnh Hà Tĩnh – Nghệ An bức xúc trước việc phải trả tiền khi đi qua Trạm thu phí Bến Thủy 1 dù họ không hề sử dụng công trình được xây dựng theo hình thức BOT.
2_71990
Hình minh họa

Năm 2003, Tổng Cty Công trình xây dựng giao thông 4 (CIENCO 4) xây dựng đường tránh TP. Vinh theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Chiều dài 25,8 km với tổng kinh phí xây dựng 378 tỷ đồng, CIENCO 4 được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thu phí tại Trạm thu phí cầu Bến Thủy (bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh) nằm trên Quốc lộ 1A để thu hồi vốn.

Nhiều người cho rằng, việc cho phép như trên chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà Nước, nhà đầu tư và người dân bởi người dân không còn sự lựa chọn khi không đi đường tránh vẫn bị mất phí.

Chưa dừng lại, năm 2012, Trạm thu phí cầu Bến Thủy 1 lại được dùng để thu thêm tuyến đường BOT từ Nam TP Vinh đi Hà Tĩnh. Theo đại diện của CIENCO 4, phí BOT Bến Thủy sẽ thu đến năm 2032, có nghĩa là người dân nếu không đi đường BOT cũng phải mất phí 27 năm.

Nhiều người bức xúc, khi Trạm thu phí Bến Thủy nằm trên QL1A nhưng lại dùng thu phí cho đường tránh. Đồng thời, Trạm đặt gần đầu cầu và gần ngã tư đường nhưng quy định xe vào trạm phải cách nhau 8m, điều này dễ gây ách tắc khi phương tiện dừng đỗ trên ngã tư, chiều ngược lại ảnh hưởng tải trọng và tuổi thọ cầu Bến Thủy.

Mặt khác, có nhiều đường vào cầu Bến Thủy nhưng Trạm thu phí được đặt ngay đường ra vào cầu đã tạo điều kiện cho CIENCO 4 “tận thu” phí.

Theo Điều 2 Pháp lệnh Phí và Lệ phí 2001 quy định: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ…”.  Còn Điều 33 Pháp lệnh quy định chế tài khi người dân, tổ chức không chịu nộp phí thì không được hưởng dịch vụ do cá nhân hay tổ chức khác mang lại. Trường hợp này, người dân không sử dụng dịch vụ từ BOT thì họ không phải trả tiền.

Bên cạnh đó, theo chủ trương phân luồng của UBND tỉnh Nghệ An thì xe trọng tải trên 10 tấn, xe khách tuyến đường dài cố định phải đi đường tránh. Như vậy có thể hiểu, chỉ những xe này mới phải mất phí BOT.

Có thể khởi kiện ra tòa?

Việc không sử dụng đường tránh vẫn mất oan phí khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp bức xúc. Ông Nguyễn Quốc Hưng cho biết: “Nhà ở thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nhưng tôi làm việc ở TP Vinh và không hề đi đường tránh nhưng bao năm nay vẫn phải trả phí khi đi qua cầu Bến Thủy 1. Chúng tôi đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng không thấy giải quyết.

Mới đây, Cty CIENCO 4 hỗ trợ người dân 2 bên cầu Bến Thủy nhưng tôi vẫn cho rằng không thỏa đáng bởi đúng ra chúng tôi không phải mất phí BOT. Tôi đang cân nhắc nhờ luật sư tư vấn và cân nhắc khởi kiện việc mất tiền oan phí BOT.”

Bà Dương Thị Loan, sống đầu cầu Bến Thủy bức xúc: “Hằng ngày tôi đưa con đi học cách nhà 2km nhưng phải qua cầu nên ngày nào cũng mất tiền. Việc đặt trạm thu phí cũng như cách thức thu, tôi cho rằng CIENCO 4 và Bộ GTVT chỉ bao biện khi đưa ra các điều kiện như khoảng cách hay nói người dân phải chia sẻ bởi trước đó không hề tham vấn cộng đồng.

Nói điều chỉnh trạm thu phí vào thời điểm này là hết sức phức tạp và khó khả thi khi thực hiện thì chẳng lẽ bắt người dân phải chịu. Khách quan nhất là trạm thu phí đặt trên đường BOT và phải tính toán để đảm bảo lãi cho nhà đầu tư nhưng cũng không ảnh hưởng đến người dân như chúng tôi.”

Cũng vấn đề này, ông Đinh Sỹ Hoàng – một chủ doanh nghiệp gần cầu Bến Thủy 1 bức xúc: “Đặt trạm thu phí là nhằm để thu hồi vốn với những cá nhân, tổ chức sử dụng dự án BOT, nếu sử dụng thì chúng tôi vui lòng chấp nhận mất tiền bởi đó là tiền mua dịch vụ, còn không thì sao phải chia sẻ việc thu phí. Thực tế, hơn 10 năm qua dân chúng tôi sống 2 bên cầu cũng đã chia sẻ.

Sao CIENCCO 4, Bộ GTVT, Bộ Tài chính không chia sẻ cho chúng tôi. Sao Cty CIENCO 4 không đặt các trạm thu phí như các trạm thu phí từ TP HCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu. Để tránh thất thu, mặc dù nhà đầu tư đã xây dựng nhiều trạm thu phí những phương tiện đã nộp trạm thu phí trước thì xuất trình vé là không phải nộp trạm sau.”

Khi được hỏi về việc người dân có ý định khởi kiện thu phí BOT Bến Thủy 1, ông Nguyễn Thức Giáp, Trưởng Văn phòng Luật sư Thiên Thanh tại TP Vinh cho biết:

“Tôi thấy việc người dân kêu mất phí oan khi không đi trên đường BOT là có cơ sở. Người dân, doanh nghiệp có quyền khởi kiện khi thấy quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại. Đối với phí và lệ phí thì người dân phải mất phí khi hưởng một dịch vụ do người hoặc tổ chức khác mang lại được quy định tại Pháp lệnh Phí và Lệ phí có hiệu lực đến ngày 31/12/2016.”

Đức Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP