Chăm sóc sức khỏe

Bội chi hơn 5.000 tỷ đồng Quỹ Bảo hiểm y tế là điều dễ hiểu

Lý do Quỹ Bảo hiểm y tế bội chi hơn 5.000 tỷ đồng khiến nhiều người bất ngờ, nhưng tôi lại thấy hợp lý so với thực trạng khám chữa bệnh hiện nay.

Như báo chí đưa tin, trong buổi giải trình trước Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội , Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và bà Nguyễn Thị Minh – Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa ra một số bất cập và số liệu gây ngạc nhiên trong việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT).

Cụ thể, trong năm 2016, số thu BHYT cho khám chữa bệnh ước tính là 64.242 tỷ đồng và số chi ước là 69.410 tỷ đồng (ước bội chi là 5.130 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số này chỉ là phần dự phòng của quỹ nên mọi hoạt động vẫn được đảm bảo.

Con số hơn 5.000 tỷ đồng kia phát sinh bởi những lý do gì?

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình trước Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. (Ảnh: VNE)

TS.Nguyễn Văn Tiên – nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban về các vấn đề xã hội cho rằng may mà có hệ thống giám định điện tử mới lộ ra tình trạng thất thoát BHYT lớn đến như vậy.Theo thống kê trong hai tháng 6,7/2016, có 1,2 triệu người đi khám bệnh 2 lần/tuần; 3 triệu người khám bệnh hằng tuần. Có trường hợp một người đi khám bệnh 800 lần trong 3 tháng, có người bệnh ở An Giang lại khám hơn 160 lần ở 20 bệnh viện khác nhau chỉ trong một quý.

Chính vì kẽ hở trong khâu quản lý nên tình trạng trục lợi bảo hiểm mới diễn ra. Việc kiểm soát lượt người bệnh đi khám chữa bệnh, lấy thuốc tăng đến hàng trăm lần có thiết bị điện tử tính toán được nhưng tại sao vẫn để tiếp diễn? Liệu có người nào sức khỏe ốm yếu đến mức đó? Hay các cán bộ y tế cố tình “ngoảnh mặt làm ngơ”?

Đó là nguyên nhân đáng kể gây nên tình trạng thất thoát quỹ BHYT (bên cạnh việc lạm dụng xét nghiệm, phát thuốc theo chỉ định,…).

BHXH, BHYT, BHTN là “vị cứu tinh” của hàng triệu bệnh nhân trên cả nước. Ảnh minh họa: Internet.

Trả lời báo chí, ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã giải thích cụ thể hơn về các nguyên nhân dẫn đến bội chi như: công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHXH thất nghiệp (81,7% người dân Việt Nam có BHYT); đẩy mạnh cải cách hành chính và giao dịch điện tử trong BHXH, BHYT, BHXH thất nghiệp; chi trực tiếp cho đối tượng tham gia bảo hiểm, đặc biệt là BHXH thất nghiệp; ứng dụng CNTT hoạt động đồng bộ, hiện đại hóa.

Tất cả đều là những nhiệm vụ cấp bách và cần thiết nhằm tăng hiệu quả hoạt động y tế. Nếu không “chi mạnh” thì sao giải quyết được nhiều vấn đề đang tồn đọng hiện nay?

Chắc hẳn vẫn sẽ có người không đồng tình vì cho rằng số tiền chi lớn như vậy nhưng chưa tỷ lệ thuận với sự cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Tất nhiên, dịch vụ y tế, thậm chí thái độ của nhân viên y tế vẫn chưa làm hài lòng người bệnh là chuyện bình thường bởi việc “làm dâu trăm họ” thì không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Thay vì bị soi mói, ác cảm, họ cần được thông cảm bởi áp lực nặng nề khi số lượng người khám chữa bệnh ngày càng đông dẫn đến tình trạng quá tải chưa bao giờ là điều dễ dàng chấp nhận và khắc phục.

Chưa kể một số bệnh viện tuyến tỉnh xin xuống hạng (tuyến huyện) để được áp dụng quy định thông tuyến cũng là một bất cập. Y tế tuyến xã không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cũng khiến lãng phí sự đầu tư của Nhà nước. Khi các tuyến cơ sở “vắng tanh như chùa bà Đanh” thì tuyến thành phố lại bị “nhồi nhét không thở nổi”. Không những lãng phí nguồn lực đầu tư cho tuyến dưới mà còn là áp lực rất lớn đối với các tuyến trên.

Nếu không thông tuyến thì người bệnh còn vất vả không kể hết. Cá nhân tôi – một người ở tỉnh lẻ rất thấu hiểu điều này và biết ơn Bộ Y tế rất nhiều về một chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Chúng tôi cảm thấy được thấu hiểu và chia sẻ. Tâm lý người bệnh luôn muốn được hưởng lợi ích tốt nhất nên việc các cơ sở tuyến dưới bị “bỏ bê” là điều dễ hiểu.

Xin các vị lãnh đạo đừng vì “con sâu làm rầu nồi canh”, các chế độ bảo hiểm là quyền lợi “sát sườn” của người dân chúng tôi. Nếu chỉ nhìn vào những mặt tiêu cực mà cho rằng việc thông tuyến gây bất cập thì người bệnh sẽ còn thiệt thòi hơn. Bởi lý do nằm ở sự quản lý chứ không phải tại bản chất vấn đề.

Khắc phục thế nào xin nhường lại cách giải quyết cho những người có trách nhiệm.

Một người coi bệnh viện là nhà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP